6 tháng năm 2012, có 51 địa phương báo cáo đã tổ chức dạy nghề cho trên 135.300 lao động nông thôn (LĐNT), đạt 28,4% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho LĐNT 2020, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho 500.000 LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã năm 2012 có nhiều khả năng không thực hiện được. Nguyên nhân là do việc tổ chức, tuyên truyền cho LĐNT chưa sát thực tế; công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Kết quả và hiệu quả dạy nghề cho LĐNT còn hạn chế, chất lượng dạy nghề còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Không những thế, việc lập kinh phí ban hành chậm vì hầu hết kinh phí phân bổ đã được UBND các tỉnh duyệt từ đầu năm, do vậy đến nay nội dung đào tạo nghề nông nghiệp ở một số tỉnh vẫn tạm thời giao cho Bộ LĐ-TB-XH tổ chức thực hiện.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thì, một số huyện còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo sao cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển ngành nghề của địa phương; sự phối hợp giữa các thành viên ban chỉ đạo trong việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa bảo đảm cơ cấu, chủng loại, giáo viên lý thuyết và thực hành chưa đồng bộ, thiếu giáo viên dạy nghề theo phương pháp tích hợp.
Không chỉ có Thanh Hóa mà theo đánh giá chung của các tỉnh trên cả nước thì công tác dạy nghề cho LĐNT trong thời gian qua chỉ mới tập trung chủ yếu vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng tại các địa phương vẫn còn hạn chế, yếu kém, vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nhiều xã chưa hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Không đạt chỉ tiêu về số lượng dạy nghề cho LĐNT.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, về các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm các bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện việc đào tạo nghề cho LĐNT đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề để triển khai nhân rộng… Phấn đấu đến cuối năm 2012 100% cấp huyện có ít nhất một cơ sở dạy nghề công lập đóng vai trò nòng cốt để thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Về tiến độ đào tạo nghề năm 2012 của cả nước hiện chỉ đạt trên 27%, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chỉ đạo UBND các địa phương phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề tại phòng LĐ-TB-XH cấp huyện.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)