Có trình độ văn hóa cao, công nhân mới làm việc trong môi trường kỹ thuật cao được.
Ảnh: I.T
|
Sáng 25-8, tại Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ GD-ĐT và UNESCO đã có buổi làm việc với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn TP.HCM về việc xây dựng xã hội học tập. Tại đây, vấn đề được đặc biệt quan tâm là công tác nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ công nhân.
Vẫn còn công nhân trình độ… tiểu học
TP.HCM hiện có 13 khu công nghiệp (KCN) – khu chế xuất (KCX) với 955 công ty, xí nghiệp. Tại đây có khoảng 255.800 công nhân đang làm việc.
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng mô hình xã hội học tập tại TP.HCM giai đoạn hội nhập” do Hội Khuyến học TP.HCM chủ trì cho thấy những hạn chế của đội ngũ công nhân đang làm việc tại các KCN-KCX. Đó là, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm phần lớn. Thu nhập thấp, làm việc tăng ca quá mệt nhọc, chỗ học thì xa nên đa số công nhân không thiết tha với việc học thêm nâng cao tay nghề và văn hóa. Về phía các doanh nghiệp thì ngại bỏ chi phí đào tạo công nhân vì lo sợ nếu có trình độ cao, người lao động sẽ bỏ đi doanh nghiệp khác.
Chính vì vậy mà trình độ học vấn của đội ngũ công nhân tương đối thấp, thậm chí có nhiều công nhân chưa tốt nghiệp tiểu học. Số liệu tổng hợp học viên từ năm 1997 đến năm 2011 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Tôn Đức Thắng đã phần nào nói lên thực trạng này.
Ông Hà Hữu Sang, Phó giám đốc TTGDTX Tôn Đức Thắng cho biết: Sau 14 năm hoạt động, đến nay TTGDTX Tôn Đức Thắng đã tổ chức bổ túc văn hóa ở hai địa điểm tập trung và 117 đơn vị doanh nghiệp, cơ quan. Theo đó đã mở được 1.310 lớp với 39.242 học viên. Trong đó trên 50% là học viên bổ túc THPT, trên 40% là học viên bổ túc THCS và vẫn còn một tỷ lệ (dù không nhiều) học viên bổ túc tiểu học.
Và so với các TTGDTX khác trên địa bàn thành phố, tỷ lệ học viên dự thi và tốt nghiệp bổ túc THCS, bổ túc THPT chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn. Cụ thể, bổ túc THCS là 3.691 học viên dự thi, tốt nghiệp 2.380 học viên, tỷ lệ 64,48%; bổ túc THPT là 6.194 học viên dự thi, 3.323 học viên tốt nghiệp, tỷ lệ 53,65%.
Gian nan đường đến trường của công nhân
Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nói chung và sự phát triển của TP.HCM nói riêng, đòi hỏi đội ngũ công nhân tại các KCN-KCX phải được nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn. Thực tế cho thấy, lực lượng lao động tại KCN-KCX có trình độ từ trung học đến đại học chỉ chiếm chưa tới 30%, phần còn lại đều chưa qua đào tạo.
Tuy vậy, để đưa những công nhân này tới trường, tới lớp không phải chuyện dễ. Như ông Sang cho biết: “Muốn mở được một lớp cho công nhân đang làm việc tại các KCN-KCX, chúng tôi phải mất ít nhất là 3 tháng để vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp. Có nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, họ tuyển công nhân để làm việc chứ không phải để đi học. Cũng có chủ doanh nghiệp lấy lý do, công nhân phải làm tăng ca, giờ giấc không phù hợp để tổ chức lớp. Vì vậy chúng tôi đã phải linh hoạt trong việc tổ chức lớp học. Nếu ở các trường học, trung tâm khác, học sinh, học viên phải phụ thuộc vào thời gian của lớp học thì ở đây, lớp học lại phụ thuộc vào thời gian rảnh của học viên. Đơn cử như lớp bổ túc văn hóa của Công ty Kymdan (KCN Tây Bắc – Củ Chi), vừa có công nhân trực tiếp sản xuất (đổi ca mỗi tuần) vừa có công nhân làm việc hành chánh văn phòng. Phương án tổ chức lớp học là chia thành 2 lớp (sáng, tối) cùng một thời khóa biểu, cùng một nhóm giáo viên dạy và dạy cùng một bài học. Học viên nếu làm ca sáng thì học lớp tối và ngược lại. Mỗi khi các doanh nghiệp có nhu cầu tăng ca do đơn đặt hàng nhiều thì lớp học sẽ tạm dừng 2-3 tháng, sau đó học lại”…
Mở được một lớp học đã khó nhưng duy trì đủ sĩ số học viên lại càng khó hơn. Cụ thể, tỷ lệ bỏ học năm học 2008-2009 là trên 23%, 2009-2010 là gần 25%, năm học 2010-2011 tăng lên gần 42%. Nguyên nhân là do có những lớp học tổ chức vào 7 giờ sáng để đón công nhân vừa tan ca. Sau 8 tiếng làm việc vất vả vào buổi tối, buổi sáng lại phải vào lớp ngồi học nên chỉ những học viên có quyết tâm mới theo học hết khóa, số còn lại thì bỏ học giữa chừng.
Cũng theo ông Sang thì những học viên theo học đến nơi đến chốn đều có kết quả tốt. Nhiều học viên đã học lên cao đẳng, đại học để có được những công việc tốt hơn với mức thu nhập cao hơn…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)