Đến thời điểm này, tài liệu hướng dẫn giảm tải đã được triển khai tại các Sở GDĐT trên cả nước. Nhận xét bước đầu của những người trực tiếp đứng lớp cho biết, giảm tải chưa thật sự có ý nghĩa, đặc biệt ở khối THCS và THPT.
Chỉ giảm được 1,5 tiết
Nhiều giáo viên cho biết, tài liệu hướng dẫn giảm tải hiện nay mới chỉ lược bớt nội dung một cách cơ học.
Theo hướng dẫn giảm tải của Bộ GDĐT, lượng kiến thức giảm nhiều nhất là ở khối 12 với tỷ lệ giảm 11% ở học kỳ I và 12,5% ở học kỳ II. Thế nhưng, nếu xét riêng lẻ từng môn sẽ thấy, tỷ lệ giảm này là không đáng kể. Như bài “Nhân vật giao tiếp” (sách Ngữ văn lớp 12 tập 2) trước đây được giáo viên dạy trong 2 tiết, nay chuyển sang hình thức dạy “Tự học có hướng dẫn” với thời lượng khoảng nửa tiết. Như vậy, môn ngữ văn 12 với thời lượng cũ là 105 tiết cả năm, nay được giảm tải 1,5 tiết.
Cũng như vậy, thời lượng của môn ngữ văn lớp 11 là 123 tiết/cả năm học thì nay được giảm tải 3 bài, có bài chỉ được điều chỉnh phần chú thích.
Đối với môn toán, GS Văn Như Cương cho biết, tài liệu giảm tải chỉ áp dụng với chương trình chuẩn nhưng lại bỏ qua chương trình nâng cao, trong khi số tiết của chương trình nâng cao nhiều và nặng hơn chương trình chuẩn. Mặc dù đã có giảm tải nhưng vẫn còn nhiều bài, thậm chí cả mảng kiến thức không cần thiết, quá khó đối với học sinh phổ thông nhưng không được cắt giảm như số phức, phép biến hình…
Chưa hợp lý
Nhiều giáo viên trực tiếp thực hiện tài liệu giảm tải cho biết, tài liệu chưa hợp lý. Bài cần giảm thì không được cắt, trong khi những bài cần thiết, mang nội dung cơ bản thì lại bị yêu cầu cắt bỏ.
Ví dụ như đối với chương trình ngữ văn ở THCS, nhiều giáo viên cho biết, phần nghị luận về hiện tượng xã hội và nghị luận về tư tưởng xã hội quá khó, trừu tượng với học sinh lứa tuổi này, cần được cắt bỏ thì không được tinh giảm. Bộ GDĐT lại yêu cầu tinh giảm cách làm văn nghị luận, văn chứng minh của lớp 6, 7, chỉ yêu cầu học sinh biết khái niệm sơ lược. Trong khi đó, đến lớp 8, các em lại phải học văn chứng minh, giải thích. Cô L.A, giáo viên Trường THCS Đống Đa cho biết, đây là điều không hợp lý. Nếu học sinh chỉ biết một cách sơ lược về khái niệm văn nghị luận, chứng minh mà không được thực hành thì sẽ không thể làm được bài, không nắm được kỹ năng viết văn chứng minh, giải thích. Như vậy đến lớp 8, các em sẽ phải học lại kỹ năng này. Chính vì thế, nhiều giáo viên rất lúng túng không hiểu phải tinh giảm thế nào để các em vẫn có được nền kiến thức cơ bản cho các lớp học kế tiếp.
Tương tự như vậy, ở môn Sinh học lớp 12, các giáo viên cho rằng, bài "Quy luật di truyền của Mendel" là bài học quá khó nhưng lại không được cắt giảm, trong khi bài "Thuyết tiến hóa của Lamac" là phần quan trọng giúp học sinh có căn cứ để so sánh với các học thuyết sau lại bị cắt bỏ.
Thầy Đ.C (giáo viên Lịch sử Trường THPT Lương Thế Vinh) cho biết, môn Lịch sử cũng được giảm tải ở mức độ vừa phải, thế nhưng lại không giảm hẳn từng bài mà lại cắt cúp từng phần trong một số bài khiến giáo viên khá lúng túng.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trường Vụ THPT (Bộ GDĐT) cho biết, việc giảm tải là bỏ bớt nội dung chưa cần thiết, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức thuận lợi hơn, đồng thời giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc cắt giảm này còn nhỏ lẻ và vụn vặt, chỉ có thể gọi là “điều chỉnh SGK” chứ chưa thể gọi là “giảm tải”.
Theo Nguyên Minh
(laodong)
Bình luận (0)