Ngày 14/7, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Khai thác và tổ chức thực hiện các chương trình dự án do các tổ chức phi Chính phủ tài trợ”. Theo đó, trong 10 năm qua các dự án đã hỗ trợ hơn 222 tỷ đồng cho HS-SV và cư dân nghèo.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cuộc hội thảo này khẳng định thành tích 10 năm qua của các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội (2001- 2011) có hoạt động chủ yếu là Hợp tác quốc tế, tiếp nhận và tổ chức thực hiện các chương trình – Dự án của các tổ chức Phi Chính phủ tài trợ cho Việt Nam. Đánh giá kết quả và trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các Chương trình – Dự án đã có tác dụng thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục – đào tạo, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo… ở cấp Trung ương và từng địa phương.
Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Trong 10 năm qua, 8 đơn vị của Hội đã tiếp nhận tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, gồm 67 Chương trình – Dự án, với tổng số tiền đã nhận tài trợ là hơn 222 tỷ đồng. Trong tổng số tài trợ trên có hơn 64 tỷ đồng do Trung tâm hợp tác giáo dục và dạy nghề đã tiếp nhận cho giai đoạn 2001 – 2011 từ Quỹ học bổng Happen, Bộ Khoa học và Công nghệ Kỹ thuật bang Henseh tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới (WUS) CHLB Đức.
Những tổ chức tài trợ nhiều gồm nhiều tổ chức Phi chính phủ và Đại sứ quán CHLB Đức, Hà Lan, Thụy sĩ, Úc, Newzeland, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Pháp, Đan Mạch… nhiều tổ chức quốc tế khác như Quỹ Châu Á, Trung tâm Châu Á, Quỹ Giáo dục Y tế – văn hóa Hoa Kỳ, SIDA, Ford Foundation, ActionAid, Cordaid, McKnight, Ngân hàng thế giới, Đông Tây hội ngộ…
Gần 600 sinh viên của các trường ĐH Nông nghiệp I, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Nông lâm Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Tây Nguyên, ĐH An Giang… 10 năm qua đã nhận được học bổng thường xuyên của các tổ chức tài trợ nói trên.
Cùng với việc cấp học bổng thường xuyên, các Chương trình, Dự án đã triển khai thực hiện đến cộng đồng dân cư nghèo ở vùng sâu, vùng xa (đối tượng được chú ý nhất là Phụ nữ và Trẻ em), giúp các cộng đồng phát triển bền vững, được bình đẳng trong học tập, bình đẳng giới, giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo… ở 20 tỉnh từ Bắc đến Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm hoan nghênh sáng kiến của Ban Quản lý các Trung tâm của Trung ương Hội phối hợp với các đơn vị tiếp nhận tài trợ tổ chức cuộc hội thảo này. Hội thảo cần trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình – Dự án, thấy hết những khó khăn để tìm biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đề nghị: “Hình thành một cơ chế phối hợp cho công tác vận động tài trợ có hiệu quả, để mở rộng các Chương trình – Dự án, giúp cộng đồng dân cư các vùng sâu, vùng xa nâng cao dân trí, tiếp cận khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng xuất lao động, xóa đói , giảm nghèo”.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm mong rằng, sau cuộc hội thảo này, các Trung tâm sẽ phát huy hơn nữa những thành tích và kinh nghiệm hoạt động trong 10 năm qua, sẽ tích cực hơn, năng động hơn trong công tác vận động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức xã hội, đoàn thể ở các địa phương để khai thác và thực hiện có hiệu quả cao các Chương trình – Dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, góp phần tích cực vào chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập ở nước ta.
Qua 15 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Hội Khuyến học đã có mặt ở 63 tỉnh, thành; 100% huyện, thị, quận, gần 100% xã, phường và lan tỏa đến tận thôn, làng, bản, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, nhà chùa, nhà thờ… Hội đã tập hợp được trên 8 triệu hội viên, xây dựng được 3,5 triệu gia đình hiếu học, trên 4 vạn dòng họ hiếu học.
Hội cũng đã phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo xây dựng được 10.400 Trung tâm học tập cộng đồng. Quĩ khuyến học đã tranh thủ được sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, vì vậy mấy năm qua, mỗi năm quĩ khuyến học đã có trên 700 tỷ đồng để cấp học bổng cho 2 – 2, 5 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh, sinh viên vượt khó đi lên và tặng thưởng cho hàng vạn học sinh, sinh viên xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế…
Hồng Hạnh (theo Dantri)
Bình luận (0)