Năm học mới lẽ ra là một dịp vui vẻ, phấn khởi chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm qua trước khi bắt đầu năm học mới thì gần như tất cả những người có liên quan đều lo lắng, căng thẳng. Tâm trạng đó phần nào thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với hoạt động giáo dục nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong hoạt động này.
Phụ huynh mua sách, tập vở cho con tại nhà sách (ảnh minh họa). Ảnh: Mê Tâm
Nỗi vất vả tìm trường cho con!
Tại TP.HCM, nhiều năm qua, gần như đầu năm học mới nào cũng có hiện tượng tìm trường, chạy trường, nhất là đầu cấp. Trước giờ, ở bậc tiểu học và THCS, việc bố trí học sinh học ở đâu là theo “tuyến”, chủ yếu trên cơ sở hộ khẩu hoặc nơi đăng ký tạm trú. Điều đó có nhiều điểm hợp lý, nhất là liên quan đến công tác quản lý, bố trí trường lớp…, nhưng nếu cứng nhắc thì sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho người dân. Chẳng hạn, học sinh A. theo hộ khẩu phải học ở trường X., nhưng trên thực tế nếu đi học trường Y. thì sẽ tiện hơn; vậy giữa các trường và chính quyền địa phương có tạo điều kiện cho học sinh này được học trường mà gia đình thấy tiện nhất? Nếu không đáp ứng được điều đó sẽ có thể dẫn đến “chạy trường”, “xin xỏ”… Trong khi đó, một số trường ở vị trí tốt hoặc có chất lượng giảng dạy tốt (thường được gọi là “trường điểm”) thì thu hút được nhiều người cho con em vào học, dẫn đến nơi này trở nên quá tải. Từ đó, phát sinh việc “tranh thủ”, “quan hệ”, kể cả “chạy”, làm vẩn đục môi trường giáo dục, điều rất không tốt cho hoạt động giáo dục.
Hay việc tìm suất để vào các lớp đầu cấp, dù có thi tuyển hay không, hiện vẫn là áp lực rất lớn cho nhiều người và cả cho các trường. Do điều kiện trường lớp có hạn nhưng nhu cầu thì rất lớn, dẫn đến nhiều nơi trở nên quá tải; từ đó phát sinh việc “chạy”, “xin xỏ”, vô hình trung gây ra việc trong cùng lớp cho những học sinh được vào theo tiêu chuẩn, theo quy định, theo năng lực nhưng cũng có những học sinh được “đặc cách”. Ngay cả học mẫu giáo có nơi cũng phải xếp hàng lấy số từ nửa đêm chứ không phải dễ tìm được một suất học cho con. Về lâu dài, các địa phương cần xác định rõ sự vận động của các luồng dân cư, của lực lượng lao động gắn với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, từ đó dự báo nhu cầu trường lớp và các định hướng về chuẩn trường lớp, để có kế hoạch xây dựng trường lớp đủ cho học sinh trên địa bàn. Phải thực sự tránh các hiện tượng “chạy” trong môi trường giáo dục.
Nỗi lo chọn sách cho con
Từ nhiều năm trước, việc mua sách giáo khoa và các loại tài liệu tham khảo cho học sinh đã là một gánh nặng và một nỗi lo lớn cho phụ huynh thì vài năm gần đây, điều này càng trở nên nặng nề hơn. Bởi phần lớn sách giáo khoa chỉ dùng một lần, trong đó có một số sách (nhất là ở bậc tiểu học) cho học sinh điền và viết vào đó nên năm sau rất khó dùng lại. Trong khi đó, ngoài sách giáo khoa, bộ sách học thực tế còn khá nhiều loại sách khác, như sách/vở bài tập, sách tham khảo, sách hướng dẫn… Với một số gia đình khó khăn, cùng với nhiều khoản khác vào dịp đầu năm học thì sách giáo khoa cũng là một gánh nặng, mà lẽ ra có thể giảm nhẹ được. Đã vậy, trong mấy năm gần đây, khi sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, việc tìm kiếm, lựa chọn và sử dụng có phần khó khăn hơn, chi phí cũng cao hơn. Có khi, phụ huynh mua bộ sách giáo khoa này nhưng trường lại dùng bộ sách khác, dẫn đến lãng phí. Đó là chưa kể các trường hợp phải chuyển trường, mà các trường không dùng bộ sách giáo khoa giống nhau thì phụ huynh phải mua bộ mới…
Trên thực tế, nỗi lo chọn sách không chỉ liên quan đến chi phí mà còn sự nắm bắt của phụ huynh để giúp con học tốt hơn. Với những bộ sách mới, tất cả các phụ huynh đều chưa từng học, do đó việc theo dõi, tìm hiểu sẽ có thể mất nhiều thời gian của phụ huynh và ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của cả phụ huynh và học sinh. Do đó, về lâu dài, cần xem xét lại việc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa có nội dung khác xa nhau.
Nỗi lo về các khoản đóng góp đầu năm
Những năm gần đây, ngành giáo dục và chính quyền các cấp của thành phố đã rất kiên quyết trong việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong nhà trường, nhất là vào dịp đầu năm học. Tuy nhiên, đây là thời điểm phải cùng lúc đóng góp nhiều khoản; với những gia đình có nhiều con cùng đi học hoặc có điều kiện kinh tế khó khăn thì thực sự trở nên nặng nề. Các khoản thu mang tính bắt buộc thường là: học phí, tiền bán trú, các loại phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử… Các khoản này thời gian qua có tăng đáng kể, như học phí, tiền ăn, bảo hiểm y tế…; có thể với một gia đình khá giả thì số tăng đó là không đáng kể, nhưng với một số gia đình neo đơn, bị mất việc…, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì đó cũng có thể khá lớn. Còn các đóng góp đó thường là các loại quỹ, các loại hỗ trợ… Thí dụ, có trường tổ chức phòng ngủ trưa có máy lạnh cho học sinh, ngoài tiền điện hằng tháng thì trường có vận động đóng hỗ trợ để trang bị máy lạnh, sửa chữa các cửa… Việc này tuy là vận động nhưng ở một số nơi, gần như bắt buộc, cũng ít nhiều làm một số phụ huynh thêm nặng gánh.
Do đó, chính quyền các cấp phải quản lý thật tốt việc vận động của các trường học. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, miễn giảm theo quy định, cũng như thực hiện việc chăm lo các trường hợp khó khăn thực sự bằng nhiều nguồn.
Hãy để ngày khai giảng thực sự là ngày hội!
Trong khi một số cách diễn đạt vẫn hay nêu: Ngày tựu trường, ngày khai giảng là ngày hội, trẻ em nô nức đến trường, người lớn phấn khởi đưa con nhập học… Nhưng trên thực tế, dịp này và nhiều tháng trước đó vốn là những ngày lo lắng, căng thẳng của rất nhiều người, trong đó có phụ huynh, học sinh và cả một bộ phận giáo viên, ban giám hiệu các trường. Chúng ta thử hình dung, năm nào cũng có khoảng 30% học sinh lớp 9 không vào được các trường TPHT công lập và phải đi học nghề, học giáo dục thường xuyên hoặc các trường ngoài công lập; điều đó chắc chắn làm nhiều gia đình rất lo lắng nếu sức học con em họ không thực sự nổi bật, dù không phải chỉ có giải pháp vào trường công mới là tốt nhất. Vì vậy, trước khi vào năm học mới, nhiều người trong số 30% phụ huynh đó sẽ phải chạy ngược xuôi tìm nơi học cho con; nỗi lo không chỉ liên quan trực tiếp đến vấn đề kinh tế mà còn nhiều lý do khác nữa. Hay khi bắt đầu năm học mới, với bao nhiêu khoản đóng góp, với một số gia đình sẽ là nỗi lo lớn, từ đó dễ nảy sinh tâm lý “cho con nghỉ học”, nhất là với các trường hợp sức học của trẻ ở mức trung bình, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Ngay cả việc người lớn tuy không cho con nghỉ học nhưng cứ than thở về các khoản đóng thì trẻ cũng có thể không yên tâm học tập và đạt kết quả tốt nhất. Như vậy cả cha mẹ và trẻ đều không thể xem ngày khai trường là ngày hội được!
Trong bối cảnh đó, trong dịp đầu năm học, các trường cần quan tâm sát sao đến hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập của từng học sinh, nhất là các em trong năm trước đã có những bất ổn về tâm lý, đã có thông tin về hoàn cảnh khó khăn… để có biện pháp chăm lo phù hợp, hay ít nhất cũng có cách động viên bản thân các em và gia đình. Đó là cách góp phần làm năm học mới thực sự phấn khởi đối với mọi người, mọi nhà!
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)