Nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực từ 1-9.
Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT Trần Kim Tự cho biết: Trước đây đã có chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo (từ tháng 9-1988). Việc thực hiện chính sách ưu đãi này đã góp phần chấm dứt tình trạng giáo viên bỏ nghề hàng loạt vào những năm cuối thập kỷ 1980. Thực tế, chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo đã được thực hiện từ năm 1993. Trong giai đoạn 1996 đến nay, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi, nhưng không phải tất cả những ai phục vụ trong ngành được hưởng phụ cấp này mà chỉ có nhà giáo đứng lớp. Chế độ phụ cấp ưu đãi sẽ không còn khi các giáo viên về hưu. Vì vậy, chế độ phụ cấp thâm niên nghề giáo tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Phó vụ trưởng Trần Kim Tự cũng cho biết: Cả nước sẽ có hơn 900.000 thầy cô giáo được thụ hưởng chính sách ưu tiên này, bắt đầu từ năm học mới 2011-2012 với mức hưởng khoảng 465.000 đồng/ tháng (tính trung bình).
Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Điều kiện và mức tính hưởng: có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng; từ năm thứ 6 trở đi (đủ 12 tháng) mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để đóng, hưởng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
T.Lam
Bình luận (0)