Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao chất lượng GD THPT, đặc biệt là GD vùng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ GD- ĐT đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng dự án phát triển GD THPT giai đoạn 2 theo khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Vinh Hiển, bà Eiko Izawa, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á, cùng các chuyên gia, đại biểu trong nước và quốc tế. Mục tiêu chính là cải thiện chất lượng và hiệu quả GD THPT; Tăng cường khả năng tiếp cận, đảm bảo tính công bằng trong GD THPT, nhất là GD vùng khó; Hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý đội ngũ CB quản lý từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015…vv.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận tại Hội thảo
Tăng cường hỗ trợ các điều kiện, cải thiện chất lượng GD THPT
Trong bài phát biểu tổng kết Dự án phát triển GD THPT giai đoạn 1, ông Trần Như Tình, Giám đốc Ban quản lý Dự án đã nhấn mạnh: Đây là một trong những Dự án được đánh giá thành công bởi đã góp phần tích cực vào việc cải thiện chất lượng GD THPT và đảm bảo sự công bằng trong GD, nhất là GD vùng khó khăn.
Bởi chỉ trong giai đoạn 1, Dự án đã xây dựng được tổng số 2.441 phòng các loại ở 162 trường, thuộc 22 tỉnh khó khăn, đặc biệt các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Trong đó, xây dựng được 1.520 phòng học; 169 phòng nội trú cho HS dân tộc thiểu số; 175 phòng thư viện, hơn 400 phòng thí nghiệm. Dự án đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu phòng học, nhà ở cho HS, thu hút HS dân tộc thiểu số đi học chuyên cần, giúp HS nữ vùng khó có cơ hội được đến trường.
Cùng với việc xây dựng các phòng học, nhà ở, Dự án đã trang bị thiết bị và đồ gỗ cho hơn 600 đơn vị trường học như 205 trường học xây mới, 128 trường chuẩn, 22 trường Phổ thông DTNT tỉnh, 4 trường thực hành sư phạm, 70 trường thí điểm chương trình mới…vv. Nhờ được hỗ trợ CSVC và trang thiết bị cho GD vùng khó đã giúp cho đội ngũ thầy cô có thêm điều kiện tốt hơn trong sự nghiệp trồng người của mình, giảm tỉ lệ HS yếu kém, bỏ học, tăng cường khả năng cho HS thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, hoặc trường nghề…vv, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương.
Dự án đã cung cấp sách, tài liệu dạy và học cho các trường. Cụ thể, cung cấp gần 5 triệu cuốn sách các loại và 27 loại đĩa hình phục vụ thí điể chương trình và SGK mới; gần 5000 cuốn sách, gần 60 đầu tài liệu, gần 70 đĩa hình phục vụ dạy đại trà chương trình và SGK mới; cùng với cung cấp gần 1 triệu cuốn sách tham khảo cho thư viện các trường học vùng khó. Bên cạnh đó, không thể không kể đến thành công của Dự án phát triển GD THPT bởi đã góp phần bồi dưỡng cho hơn hơn 1 triệu lượt GV và CB quản lý GD THPT cả ở trong nước và nước ngoài.
Đại biểu phát biểu ý kiến
Đại biểu phát biểu ý kiến
80 triệu USD cho phát triển GD THPT giai đoạn 2
Dự án sẽ chính thức được thực hiện từ tháng 8/2012-12/2018 tại 25 tỉnh, thành, cụ thể những huyện nghèo có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Để thực hiện Dự án này, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng nguồn vốn 80 triệu USD từ Quỹ Phát triển châu Á. Trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ là 20 triệu USD (10 triệu USD từ Trung ương và 10 triệu USD từ địa phương). 
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện cho nền GD quốc dân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vùng khó khăn, vùng có đông người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng GD, đào tạo nghề để từ nay đến năm 2020 có ít nhất 95% HS tốt nghiệp các trường đào tạo nghề đáp ứng được các yêu cầu; 30% HS tốt nghiệp THCS và THPT được học nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo trong lực lượng lao động là 65%.
Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng sẽ ưu tiên đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ GV tại những vùng khó khăn thông qua các khoá bồi dưỡng kiến thức và hình thức cử tuyển để đảm bảo đến năm 2020, có đủ GV giỏi giảng dạy ở những vùng, miền khó khăn. Ngoài ra, khoảng 1/4 số tiền triển khai dự án sẽ được dùng để cải tạo, nâng cấp CSVC trường lớp, phòng học, mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập.
Là những đơn vị được thụ hưởng từ giai đoạn 1của Dự án, các đại biểu rất quan tâm đến nội dung giai đoạn 2. Như PGS.TS Ngô Đắc Chứng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế cho biết: Tôi rất tâm đắc giai đoạn 2 Dự án xây dựng các TT phát triển kỹ năng sư phạm vì hiện nay đào tạo GV ở nước ta không đồng đều, đặc biệt là kỹ năng sư phạm. GV ra trường hay lúng túng trong giảng dạy. Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý GD Trương Đình Mậu chỉ ra rằng: Dự án đã góp phần tăng cường năng lực và phát triển đội ngũ, coi là khâu then chốt để nâng cao chất lượng GD THPT. Tuy nhiên cần tạo ra cơ chế gắn kết giữa địa phương với các trường sư phạm với 3 đích: số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Theo Việt Hoa
(GD&TĐ)

Bình luận (0)