Ngày 7.9, sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM có công văn gửi các cơ sở giáo dục chỉ đạo về việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo tài liệu hướng dẫn của bộ Giáo dục – đào tạo. Theo văn bản này, việc thực hiện giảm tải phải đi đôi với việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Giảm tải không đột ngột
Học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa trong buổi lễ khai trường năm học 2011-2012. Ảnh: Trần Việt Đức
|
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở Giáo dục – đào tạo cho biết, việc điều chỉnh nội dung dạy học lần này dựa trên kết quả rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình và sách giáo khoa của các môn học nhằm dạy học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các trường. Trong nhiều năm qua, bộ đã có nhiều chỉ đạo giảm tải chương trình học như: giảng dạy cho phù hợp với vùng miền, giao quyền tự chủ cho giáo viên phân bổ thời lượng cho mỗi tiết dạy cho sát đối tượng. Đồng thời đổi mới đánh giá kết quả học tập, trong đó chú trọng đến phần nhận xét ghi nhận sự tiến bộ của học sinh… Tuy nhiên, ông Sơn nói: “Nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập như kiến thức trùng lặp và còn chuyên sâu, bài tập còn cao và rập khuôn, thiếu sáng tạo… Vì vậy, việc điều chỉnh lần này là cần thiết, để phù hợp hơn và dành nhiều thời gian để rèn kỹ năng sống, đổi mới phương pháp học, chuyển sang dạy theo hướng cá thể và hợp tác”.
Việc điều chỉnh nội dung dạy học sẽ tập trung vào những nhóm nội dung chính: những nội dung trùng lặp trong chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) của nhiều môn học khác nhau; những nội dung trùng lặp, có cả ở CT- SGK của lớp dưới và lớp trên; những bài tập, câu hỏi trong SGK không thuộc nội dung của chương trình hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; những nội dung trong SGK trước đây sắp xếp chưa hợp lý; những nội dung mang đặc điểm địa phương, không phù hợp với các vùng miền khác nhau. “Việc giảm tải không mang tính đột ngột, bất ngờ mà đã có kế hoạch từ lâu, nên giáo viên sẽ dễ dàng tiếp nhận để giảng dạy”, ông Sơn nhấn mạnh.
Vẫn chờ tài liệu hướng dẫn
Hàng trăm ngàn thầy & trò các trường học trên địa bàn thành phố chưa được áp dụng giảm tải vì còn chờ văn bản hướng dẫn. Ảnh: Trần Việt Đức
|
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng vụ Giáo dục phổ thông, bộ Giáo dục – đào tạo, tài liệu hướng dẫn giảm tải bộ đã thể hiện rất rõ ràng, cụ thể nên không cần thiết phải tổ chức tập huấn hay thảo luận về cách thực hiện. Sau khi các sở điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết và chuyển tài liệu về các trường, giáo viên chỉ cần căn cứ vào CT – SGK và tài liệu giảm tải để điều chỉnh nội dung dạy học, trừ những nội dung đã thực hiện trong thời gian trước khai giảng.
Tuy nhiên, sau gần ba tuần lễ bước vào chương trình chính khoá, nhiều giáo viên ở các trường phổ thông vẫn lúng túng trước việc thực hiện chủ trương này vì chưa nhận được các tài liệu hướng dẫn.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (quận 8) nói: “Việc giảm tải kiến thức, theo tôi là cần thiết vì chương trình hiện quá nặng, đặc biệt là với bậc phổ thông trung học. Chúng tôi đã có kế hoạch, nhưng vẫn phải chờ hội đồng các bộ môn của sở hướng dẫn chi tiết thì mới triển khai được”.
Còn với bậc tiểu học, ông Đinh Thiện Căn, trưởng phòng Giáo dục quận 1, cho biết đã chỉ đạo xuống các trường, khi có tài liệu hướng dẫn, giáo viên chỉ cần bám sát nội dung này và triển khai ngay, sau đó tổ chức cho giáo viên rút kinh nghiệm.
Thật ra, từ năm học 2005-2006, bộ Giáo dục – đào tạo cũng đã một lần điều chỉnh và cắt giảm chương trình nội dung sách giáo khoa. Biện pháp giảm tải mà bộ đề ra lúc đó bao gồm: điều chỉnh phân phối chương trình, đổi mới cách đánh giá học sinh, chú trọng phương pháp dạy học và thẩm định lại các nội dung giảng dạy. Do vậy, trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn từ sở, bà Nguyễn Thị Kim Ân, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5) cho biết vẫn tiếp tục chỉ đạo thầy cô giáo giảm tải trên cơ sở áp dụng theo Bộ chuẩn kiến thức, kỹ năng mà bộ đã ban hành, tuỳ điều kiện của từng khối lớp.
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở Giáo dục – đào tạo:
“Việc điều chỉnh nội dung dạy học thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: (1) Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình, sách giáo khoa theo qui định của Luật Giáo dục. (2) Đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các bộ môn; không thay đổi chương trình, sách giáo khoa hiện hành. (3) Không thay đổi thời lượng dạy học đối với mỗi môn học trong một lớp và trong mỗi cấp học. (4) Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục”.
TS Hoàng Thị Tuyết,giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường đại học Sư phạm TP.HCM:
“Do đặc thù của bậc tiểu học là mỗi giáo viên phụ trách tất cả các môn học nên việc thực hiện giảm tải tuỳ thuộc rất lớn vào năng lực của người thầy. Việc giảm hợp lý nội dung dạy học phải được tiến hành bằng nhiều biện pháp, cả trong công tác quản lý và giảng dạy. Mục đích chính của việc giảm tải không chỉ là cắt bớt kiến thức mà dành thời gian để giáo viên sáng tạo phương pháp, áp dụng đa dạng và linh hoạt các hình thức dạy học, giúp các tiết học diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng và tạo hứng thú cho các em. Việc giảm tải sẽ không dễ dàng mà đòi hỏi giáo viên phải bao quát được lớp học, tăng tính tích cực của học sinh khá giỏi, chăm chút được cho học sinh trung bình và yếu”.
|
Theo Như Thuần
(SGTT.VN )
Bình luận (0)