Đ.V.T (học sinh cấp 3 Trường Đinh Tiên Hoàng) bỏ học đi lấy vợ và đã có con
|
Xã hội ngày càng phát triển, tư duy và tập tục lạc hậu dần bị xóa bỏ. Thế nhưng, ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nạn tảo hôn vẫn diễn ra rầm rộ khi các em đang còn học THCS và THPT. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nữ sinh phải bỏ học vì chồng cấm không cho đến trường; hoặc vì phải bận bịu với tay bồng, tay bế con thơ.
“Lời ru buồn” cho cô dâu tuổi 13
Đến huyện miền núi Sơn Tây, thầy Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Mùa, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lấy vợ, lấy chồng ở đây thật đơn giản. Đó là chỉ cần cảm thấy thích nhau và sính lễ để đi đến một hôn nhân chỉ một con gà; thảng hoặc gia đình nào khá giả hơn thì mổ heo, trâu… Vậy xem như là hoàn thành thủ tục để trở thành vợ chồng.
Qua tìm hiểu thì được biết, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tư duy của đồng bào Cadong nơi đây. Cả nam lẫn nữ chỉ cần đến 13 tuổi, gia đình đồng ý dựng vợ gả chồng ngay nếu con cái thích. Cũng không ít trường hợp thành vợ thành chồng khi gia đình đã “hứa hôn” với nhau từ khi các em vừa lọt lòng.
Thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Mùa cho biết: “Tồn tại nhiều nhất ở trường với những em đang học lớp 8 và 9. Tuy nhiên, vẫn có em đang học lớp 7 cũng dính vào nạn tảo hôn ở đây. Mặc dù nhà trường thường xuyên đến vận động, nhưng tình trạng bỏ học vẫn luôn diễn ra. Tệ hơn, khi giáo viên đến nhà vận động, thì bị chồng của các em nữ sinh xua đuổi, chửi bới cô giáo. Thậm chí đánh đập vợ thậm tệ ngay trước mặt thầy cô đến khuyên bảo, can thiệp”.
Tuy mới 15 tuổi, nhưng em Đinh Thị Thế (học sinh lớp 7, Trường THCS Sơn Mùa) khiến thầy cô, bạn bè ngạc nhiên khi thông báo cưới chồng. Một năm sau, khi chúng tôi đến nhà của Thế thì em đã là mẹ của cháu bé gần đầy tuổi. Thế tâm sự: “Em muốn đi học lắm nhưng thằng chồng không cho đi, bắt em ở nhà nấu cơm cho nó ăn. Thấy các bạn đi học, em nhớ cái chữ lắm. Từ ngày cưới chồng về, em chỉ ở nhà thôi, còn thằng chồng thì ngày nào cũng say xỉn, nói là nó đánh chết”.
Dù đã lường trước được tình cảnh của những cặp vợ chồng tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này chẳng mấy tốt đẹp, nhưng những ông bố bà mẹ vẫn cứ nhắm mắt đưa chân và xem đó như là mệnh lệnh, hủ tục không thể bước qua được. Ông Đinh Văn Dúp (ba em Thế), phân bua: “Già làng bảo nó đã đến tuổi cưới chồng rồi, ưng cái bụng thằng nào thì lo cưới đi, nếu không là phiền phức với làng, nên tôi bắt nó phải cưới chồng. Chỉ cần làm con gà, ít rượu rồi làm lễ thưa với làng là được rồi”.
Dường như “bất lực” với hủ tục lạc hậu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đời sống xã hội, dân trí… ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây bày tỏ: “Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, vận động chứ không thể dùng biện pháp mạnh với họ. Huyện miền núi Sơn Tây có địa hình phức tạp, nên khả năng nắm bắt thông tin trước lúc các em cưới nhau là rất khó, đến khi có chồng rồi có con, họ mới bồng con đi đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh thì sự việc đã rồi”.
Cho các em trở lại trường: Quá khó!
Không chịu nổi cảnh cứ đứng nhìn từng học sinh của mình lần lượt bỏ học đi lấy chồng, cô Nguyễn Thị Ý, giáo viên Trường THCS Sơn Mùa đã vào từng bản làng để ngăn chặn việc đi lấy chồng, vợ sớm cũng như khuyên bảo các em trở lại lớp. “Mỗi lần đến nhà các em để vận động ra lớp học, thấy nét mặt buồn bã, lem luốc và già đi so với độ tuổi ngây thơ, lòng tôi thấy thương và tội cho số phận các em. Có lần đến nhà em Đinh Thị Phiếu (một học sinh lớp 7 của trường) tôi bị chồng em đòi đánh, xua đuổi và đánh em Phiếu. Nghe tiếng khóc của cô học trò ngoan, tôi chỉ biết nhìn từ xa”, cô Ý kể.
Với cách hành xử của chồng, em Phiếu không thể chịu nổi cảnh sống quá bất công và bản thân em mong muốn được đi học lại. Cùng với sự vận động của nhà trường, sau hai năm làm vợ, em Phiếu bỏ về nhà cha mẹ đẻ xin ba mẹ cho đi học lại.
Chiều ý con, ông Đinh Văn De (ba em Phiếu), nói: “Nó bỏ chồng để đi học, tôi phải đến xin lỗi phía nhà chồng và trả lại sính lễ cưới là con gà, con trâu. Tất cả đã ăn nhậu trong ngày cưới rồi, giờ chúng tôi phải lo đi vay tiền, mua lại con trâu, con gà để trả đúng sính lễ cho họ”.
Trường hợp bỏ chồng để đi học của em Đinh Thị Phiếu là trường hợp hiếm thấy trong số khoảng 500 trường hợp tảo hôn ở 6 huyện miền núi trong 3 năm qua, riêng huyện Sơn Tây chiếm tỷ lệ 1/5 (100 trường hợp). Đa phần khi các em lấy chồng, bên nhà trai phải lo sính lễ để gia đình, bản làng đến dự tiệc ra mắt. Khi trả lễ, bên nhà gái phải trả đầy đủ đúng như sính lễ mà bên nhà trai đem tới thì mới được chấp nhận.
Tình trạng tảo hôn vẫn đang tiếp tục diễn ra và có chiều hướng ngày càng gia tăng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Nếu các cấp sở, ngành, chính quyền địa phương không kịp thời ngăn chặn thực trạng này thì sẽ gây nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội ở khu vực.
Bài, ảnh: Kim Long
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây, trong 9 trường THCS ở huyện có đến 93 trường hợp đã lập gia đình. Trong đó chiếm con số lớn nhất là Trường THCS Sơn Mùa (16 trường hợp), tiếp đến là Trường THCS Sơn Long (15), Sơn Dung (13), Sơn Bua (9), Sơn Tân (9), Sơn Lập (8), Sơn Liên (7) và Sơn Tinh (4).
|
Bình luận (0)