Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đưa hàng bình ổn vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Tuấn Anh trao Kỷ niệm chương của Bộ Công thương cho Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng
Ngày 31-3, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường (BOTT) năm 2014 – Tết Ất Mùi 2015, triển khai kế hoạch năm 2015. Tại đây, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, khẳng định: “Với chương trình BOTT, TP đã “lo” được bữa ăn cho người dân một cách đầy đủ và an toàn…”.
Hàng hóa dồi dào
Nhớ lại những năm chưa có chương trình BOTT, bà Hồng tâm tư: Các doanh nghiệp trên địa bàn TP không thể đảm bảo được nhu cầu thực phẩm cho người dân TP. Theo đó, TP phải nhập hàng từ các tỉnh lân cận, đặc biệt là trong thời điểm gần Tết. Trước đây, TP đã phụ thuộc rất nhiều vào những doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, chẳng hạn như Công ty Thực phẩm CP (doanh nghiệp nước ngoài – PV). TP phụ thuộc họ từ giá cả đến số lượng hàng hóa… “Bây giờ có chương trình BOTT, hàng hóa không chỉ dồi dào, đảm bảo khả năng chi phối thị trường mà giá cả cũng ổn định, không còn tình trạng tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp đã thực hiện liên kết, hỗ trợ lẫn nhau từ khâu sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo giúp giảm giá thành sản phẩm. Theo đó, giá cả luôn thấp hơn thị trường từ 5-15%. Qua đó góp phần làm giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP luôn thấp hơn cả nước”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP, năm 2014 có 76 doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT, tăng 12 doanh nghiệp so với năm 2013. Trong đó, chương trình lương thực – thực phẩm với trên 400 chủng loại mặt hàng, cung ứng 25-30% nhu cầu thị trường, riêng thời điểm Tết tăng lên 40%. Với chương trình sữa có 4 doanh nghiệp tham gia, đảm bảo gần 50% nhu cầu thị trường. Còn chương trình dược có 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng 530 mặt hàng. Qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện trên địa bàn TP lên 45% (tuyến TP) và 65% (tuyến quận, huyện).
Đặc biệt là chương trình mùa khai trường có 15 doanh nghiệp tham gia, tăng 2 doanh nghiệp. Chương trình cung ứng dụng cụ học tập thiết yếu cho HSSV TP với 40 mẫu tập, 186 mẫu cặp – ba lô – túi xách, 207 mẫu đồng phục và 4 mẫu giày. Trong năm 2014, chương trình đã đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng của HSSV. “Điều đáng nói là, trong các tháng cao điểm, những doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như: Đổi cặp cũ lấy cặp mới, giảm giá từ 25-30%, tặng tập vở cho HS nghèo ở các huyện ngoại thành…”, bà Lê Ngọc Đào – Giám đốc Sở Công thương TP – cho biết.
Đưa hàng BOTT vào trường học, khu dân cư

Cặp, ba lô học sinh được bán bình ổn giá tại hệ thống siêu thị Co.opmart TP.HCM. Ảnh: Q.Huy

Năm 2015 là năm thứ 14 TP.HCM triển khai chương trình BOTT. Theo đó, số doanh nghiệp tham gia chương trình cũng tăng từ 2 doanh nghiệp (năm 2001) lên 85 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tăng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các điểm bán hàng BOTT được mở rộng, hàng hóa đa dạng.
Theo bà Đào, chương trình lương thực – thực phẩm bổ sung thêm khoảng 10 chủng loại hàng hóa (như bún, bánh phở, hủ tiếu tươi; cà chua cô đặc, nha đam, chuối laba…); chương trình sữa có 6 nhóm hàng thiết yếu với 82 mẫu, tăng 12 mẫu so với năm 2014; chương trình dược tăng 20 hoạt chất; chương trình mùa khai giảng có 498 mẫu sản phẩm (tăng 61 mẫu). Số điểm bán tăng lên khoảng 9.000 điểm, trong đó có trên 3.600 điểm bán lương thực –  thực phẩm, 1.412 điểm bán sữa, gần 800 điểm bán dụng cụ học tập, khoảng 3.200 điểm bán thuốc. “Để hàng hóa bình ổn đến tay tất cả người tiêu dùng, năm nay chương trình đẩy mạnh đưa hàng vào trường học (với các mặt hàng dụng cụ học tập, sữa, lương thực – thực phẩm), vào ký túc xá cho sinh viên, các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu dân cư, nhất là những nơi có đông người lao động thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa. Trong năm qua, chương trình cũng đã triển khai trên 800 điểm bán tại khu vực ngoại thành, trên 800 điểm bán trong chợ truyền thống, 16 điểm bán tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Và đặc biệt, chương trình Mùa khai trường đã cung ứng hàng hóa vào 262 trường học, chương trình sữa đã vào 713 trường học…”, bà Đào cho biết.
Tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng ban Kinh tế TW – cũng khẳng định: “Chương trình BOTT của TP.HCM đã đóng góp to lớn đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Chương trình cũng đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các tổ chức tín dụng – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Qua đó hỗ trợ kinh tế TP ngày càng phát triển. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ rất nhiều vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…”.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị, TP.HCM cần tăng cường liên kết với các địa phương nhằm tạo đầu ra cho hàng hóa, nhất là các mặt hàng thủy hải sản, nông sản. Đồng thời, đưa hàng hóa sản xuất tại TP về nông thôn tiêu thụ nhằm bình ổn thị trường nội địa…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)