Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cựu tổng giám đốc đi… “hành khất”

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Trương Thị Nhân

Trên con phố Lê Văn Hưu nồng nàn hương cà phê rang vào một sáng thu se lạnh, ngồi trước tôi là một phụ nữ nhỏ bé mang đậm nét Hà Nội, năm nay bà đã sang tuổi 86. Đó là bà Trương Thị Nhân, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thuê tàu. Bà vừa có vinh dự được công nhận giải thưởng 10 công dân ưu tú Hà Nội năm 2011.
Vang mãi lời Bác dạy
Ở phường Phạm Đình Hổ, Hà Nội, khi nhắc đến bà Nhân, ai cũng nhớ bà là  một cựu nữ tổng giám đốc tiên phong “tay không bắt giặc” mua tàu nước ngoài về vận chuyển hàng hóa trong nước, với doanh thu hàng tỷ đồng thời bao cấp; một Phó chủ tịch Hội Tấm lòng vàng Hà Nội và một Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ với hàng ngàn hội viên, giúp đỡ nhiều em học sinh nghèo… Nhưng có một điều đặc biệt ít người biết tới, đó là bà đã từng có dịp được tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất và được Bác căn dặn ân tình…
Như tất cả những người Hà Nội, năm 1946 cô gái Nhân lên đường đi kháng chiến. Năm 1952, tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cô Trương Thị Nhân 26 tuổi là một trong bốn thanh niên tiêu biểu đại diện cho Nhà máy Trần Hưng Đạo lên tặng hoa Bác Hồ. Sau đó Bác xuống thăm nhà máy và không quên ghé qua khu tập thể của công nhân viên. Bác thăm từng nhà, tới nhà cô Nhân (khi đó cô và con trai đầu lòng sống trong một căn phòng nhỏ xíu), trước phòng cô đã vun xới một miếng đất nhỏ nhưng chưa gieo trồng gì. Bác liền hỏi: “Cháu định trồng gì ở đây?”, cô trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu định trồng mướp”. Bác liền nói: “Mướp thì Bác thấy ở vườn nhà máy nhiều rồi, sao cháu không trồng nho?”; “Dạ cháu sợ trồng nho người ta bảo tiểu tư sản”. Bác cười: “Cháu cứ làm tròn nhiệm vụ của mình và sống tốt với mọi người thì ai cũng yêu quý cháu”. Nói rồi, Bác đi sang nhà bên, nhưng Bác lại quay lại dặn dò: “Cháu trồng cây nho thì nhớ bắt sâu, vì nhà cháu có con nhỏ”. Nhớ lại, bà bồi hồi tâm sự: “Lúc đó tôi đã ứa nước mắt vì xúc động trước sự ân cần, tỉ mỉ của Bác”.
Lời dạy và hình ảnh Bác giản dị vẫy tay chào mọi người buổi hôm đó: “Mọi người khỏe mạnh nhé, mọi người làm việc tốt nhé, đừng để sốt rét hoành hành” đã in đậm trong tâm trí người phụ nữ Hà Nội có may mắn được tặng hoa Bác và được Bác căn dặn, để rồi lời dặn đó đi theo suốt cuộc đời.
Một bà tổng giám đốc thời bao cấp
Nhớ lại những năm trước đây (từ năm 1975 tới ngày nghỉ hưu năm 1990), khi là Tổng giám đốc Công ty Vận tải thuê tàu bà đã có những suy nghĩ, việc làm táo bạo mà không phải ai ở thời ấy cũng đủ dũng cảm xông pha. Từ
việc thấy người ta “thuê mua nhà” và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, bà đề ra giải pháp “thuê mua tàu”. “Lúc đó Bộ Ngoại thương của chúng ta có một đại diện ở Hồng Kông (Trung Quốc). Chúng tôi phối hợp với các anh ấy lập ra một công ty (tên gọi là Golden Star) để đứng ra lo liệu các vấn đề hàng hoá xuất sang Hồng Kông và từ Hồng Kông về. Đây là công ty của nước ngoài, kinh phí để lập công ty ấy tốn không mấy nhưng ta có một công ty nước ngoài. Đứng tên công ty ấy chúng tôi mua một con tàu đầu tiên vào năm 1976, tàu có trọng tải một vạn tấn, tên là tàu Golden Bridge. Có tàu rồi, chúng tôi học theo các đồng nghiệp ở nước ngoài, đem cầm chiếc tàu ấy cho ngân hàng nước ngoài để lấy ngoại tệ lại mua một chiếc tàu khác. Cứ theo cách đó, lần lượt chúng tôi mua được năm chiếc tàu có trọng tải từ 5.000-7.000 tấn, một vạn tấn và hơn một vạn tấn” – bà nhớ lại.
Sau khi được phép của Thủ tướng Chính phủ, công ty đã mua tiếp 15 con tàu nữa và đội tàu biển của Vietfracht đã có tới 20 con tàu. Nhờ biết kinh doanh đội tàu biển có hiệu quả, Vietfracht vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch vận tải hằng năm, vừa trả hết nợ mua tàu chỉ trong vòng tám năm với tổng số tiền 40 triệu USD. Cũng vào thời điểm này (năm 1984) Vietfracht được chuyển từ Bộ Ngoại thương sang Bộ GTVT trực tiếp quản lý, một số tàu của công ty được Bộ GTVT chuyển giao cho các công ty vận tải biển Vosco, Vietcoship. Vietfracht cũng tiếp tục phương thức vay mua, thế chấp rồi trả dần như trước, mua thêm được sáu con tàu nữa…
Và “ hành khất” …
Bà vẫn tự trào về mình, bà gọi công việc đi quyên góp từ thiện khắp phố phường Hà Nội của mình là “hành khất”. Từ khi về hưu, bà Trương Thị Nhân làm Phó chủ tịch Hội Từ thiện Tấm lòng vàng Hà Nội. Rồi từ năm 2002, bà là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, tới nay đã có tới 18 chi hội và hơn một ngàn hội viên. Không biết từ bao giờ, những con phố Hà Nội ồn ào, bụi bặm đã in mòn dấu chân bà đi gõ cửa các gia đình, các cơ quan xin tiền làm việc thiện.
Những gia đình quen việc làm của bà thì cho tiền ngay. Có những cái gật đầu và những cái lắc đầu xua đuổi lạnh nhạt. Trước cửa một ngôi nhà ở phố Tăng Bạt Hổ, một người đàn ông nhìn bà khó chịu, xẵng giọng bảo vợ: “Cho mấy nghìn để họ biến đi”. Lúc đó, bà Nhân vẫn nhã nhặn: “Thôi thì gia đình cho được vài ngàn cũng là quý, bởi vài ngàn cũng có thể mua được bánh mì và vài quyển vở cho các cháu, chúng tôi không từ chối…”. Người vợ tỏ ra hối hận trước thái độ của chồng, liền lấy 20.000 đồng… Bà Nhân ghi chép cẩn thận tên, địa chỉ của người ủng hộ, sau đó sẽ thông báo cho họ biết số tiền thu được đã giúp đỡ cho ai.
Cứ như thế, mỗi  ngày bà đi hàng vạn bước chân, hết đường này sang phố khác từ phố Lê Văn Hưu, qua Hàng Chuối, rồi đến phố Nguyễn Công Trứ… âm thầm và luôn im lặng trước những lời dị nghị vì bà nghĩ: “Đi ăn mày cho người nghèo thì chẳng bao giờ phải tự ái cả. Mình tự ái thì người nghèo thiệt”.
Trong danh sách những trường hợp đặc biệt khó khăn ở quận Hai Bà Trưng ghi rõ: “Giúp anh Nguyễn Thế Linh ở Trương Định bị tâm thần, con bại liệt, vợ ốm triền miên 2 triệu đồng. Gia đình cụ Lê Văn Đậu ở phường Phạm Đình Hổ, con trai bị tai nạn, nằm bán thân bất toại, vợ chạy thận ở bệnh viện 1 triệu đồng”… Gia đình nọ ở Thanh Nhàn có ba con ở trong nhà dột, trời mưa thấy mây bay trong vũng nước… Hôm bà Nhân tới trao tiền làm nhà mới, anh con trai cảm động ứa nước mắt nói: “Bây giờ, bố mẹ cháu không phải chạy sang hàng xóm xem dự báo thời tiết nữa”.
Hơn 10 năm qua, xin được bao nhiêu tiền, chính bà Nhân cũng không nhớ, chục triệu hay trăm triệu và có thể còn nhiều hơn và bà ước tính mỗi năm cũng được khoảng 100 triệu, chưa kể những vật phẩm như thuốc men…
Bà nhớ lần cùng GS. Nguyễn Tài Thu tổ chức cho hai Việt kiều Canada đến trao tận tay 100 suất quà cho 100 trẻ mồ côi. Hôm ấy, bà vui tới mức dường như bà đã… nhảy chân sáo trên đường về nhà.
Cùng với công tác khuyến học, 10 năm nay hội khuyến học của bà còn thường xuyên trợ cấp cho 10 em có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục học từ cấp 1 tới cấp 3, sửa chữa nhà cho tám gia đình nghèo ở quận Hai Bà Trưng…
Gần đây, bà nghĩ ra cách làm từ thiện mới khá hiệu quả: nhờ công ty, cơ quan đỡ đầu cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay trong gia đình bà có bốn người con đều thành đạt, mỗi người nhận đỡ đầu cho một gia đình nghèo khó ngay trong địa bàn cư trú. Từ năm 2006, bà đã gặp một tai nạn tưởng như không qua nổi, thế nhưng điều kì diệu, chỉ một tháng sau đó, bà lại tiếp tục trường chinh “ hành khất” tuy nhiên phải hạn chế hơn so với trước.
Và ở người phụ nữ đặc biệt này, còn một ước mơ thật đẹp nữa, đó là những cuộn len bà đã lưu giữ lại vài năm nay, bà ấp ủ: “Tôi để khi nào không còn sức đi “hành khất” nữa, sẽ đan áo cho người nghèo”… Và tôi hiểu, ở tuổi 86, mỗi ngày bà vẫn không nguôi dệt những ước mơ ấm áp cho những bàn tay cần tới sự giúp đỡ trong cuộc đời này…
Nghiêm huê

Bình luận (0)