Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Cô gái vàng” trở thành cô giáo “thép”

Tạp Chí Giáo Dục

Huấn luyện viên Cao Ngọc Phương Trinh (trái) và Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh (phải) cùng hai vận động viên Lê Ngọc Vân Anh và Nguyễn Hoàng Cẩm Hà – học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại một giải đấu khu vực Đông Nam Á

Không đứng trên bục giảng, cũng chẳng khoác lên mình bộ áo dài thướt tha, giờ lên lớp của các chị là những bài học thể hiện sự uy quyền, mạnh mẽ của con nhà võ. Tuy không còn đứng trên sàn thi đấu với tư cách là vận động viên, nhưng nhiệt huyết cháy bỏng ngày nào vẫn được họ truyền lại cho những ai yêu thích môn thể thao vốn rất “kén” người như môn Judo này.
Tôi gọi họ là những cô giáo “thép”, bởi mọi người dường như không nhìn thấy vẻ ngoài yếu đuối, dịu dàng như tạo hóa vốn dĩ đã ban cho người phụ nữ. Đã một thời, họ được coi là những “cô gái vàng” của Judo Việt Nam, từng tham gia và gặt hái được nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Sau những vinh quang và năm tháng cống hiến, họ lui về “hậu trường”, làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo, một huấn luyện viên tài ba cho thế hệ trẻ. 13 năm qua, hai chị đã phát hiện và rèn luyện để biết bao học sinh trở thành vận động viên đạt thành tích cao trong các giải đấu. Và tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 26 năm nay, cả hai lại tiếp tục dẫn “hậu nhân” lên đường, quyết tâm giành kết quả cao trong sàn đấu lớn này. Họ là Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh và Cao Ngọc Phương Trinh, huấn luyện viên Judo Liên đoàn Thể dục thể thao Việt Nam kiêm giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).
Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh: Tâm huyết với nghề
8 tuổi, Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh đã tìm đến Judo như một phương thuốc để giấu đi cảm giác và thể trạng ốm yếu của một người con gái. Ban đầu, do sự ham vui, Hạnh được anh chị trong nhà dẫn tới sàn tập võ. Nhưng cũng từ sàn tập này, những động tác, tư thế nhào lộn, té ngã đã gắn chặt với cuộc đời chị như một định mệnh. Judo vốn không phải là một môn thể thao dễ học vì nó đòi hỏi người tập phải quật ngã được đối phương bằng thế, kỹ thuật riêng. Người học môn võ thuật này đòi hỏi phải có sự kiên trì và chịu khó bởi nó đòi hỏi người học phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng trước khi vật được đối thủ, bất cứ một vận động viên Judo nào cũng phải ê ẩm khắp mình mẩy, thậm chí bị chấn thương do phải học những tư thế té ngã trong một thời gian dài. Chính điều này khiến cho người học Judo dễ rơi vào trạng thái nản chí, không thể gắn bó lâu dài với môn học. Vậy mà cô bé Hiếu Hạnh lại bị thu hút bởi những pha nhào lộn đẹp mắt ấy, để rồi bốn năm sau, chị chính thức bước lên sàn thi đấu như một vận động viên thực thụ. Ngày đó, chị đã khóc và tưởng chừng có thể bỏ chạy khi lần đầu tiên đối diện với một địch thủ, một sàn thi đấu thực sự. Thế nhưng, bản lĩnh của cô bé 12 tuổi đủ để chị nhận ra rằng: nếu không vượt qua được chướng ngại lần này, có thể sẽ chẳng bao giờ chị vượt qua chính mình để bước lên sân thi đấu một lần nữa. “Vậy là đấu. Chỉ đến khi nghe tiếng thầy dạy Judo nói lớn “Thắng rồi! Thắng rồi Hạnh ơi!” tôi mới biết rằng mình đã chiến thắng, thắng đối thủ và thắng cả chính mình”, chị bồi hồi nhớ lại. Và tấm huy chương đồng giải Judo dành cho thiếu niên nhi đồng toàn TP.HCM năm đó đã đánh dấu bước đi thành công đầu tiên của cô bé Hạnh với môn Judo mà Hạnh đã chọn.
Liên tiếp những năm sau, chị lần lượt gặt hái được những thành công từ các giải đấu lớn nhỏ trong nước, rồi được cất nhấc tham dự các giải đấu quan trọng. Năm 17 tuổi, Hạnh chính thức “mang chuông đi đánh xứ người” tại SEA Games 17 được tổ chức ở Singapore. Và “lịch sử” lại tiếp tục tái diễn khi chị chỉ mang về được tấm huy chương đồng cũng chỉ vì… run. Nhưng kết quả đó đã trở thành động lực để chị gặt hái được những thành tích cao tại các đấu trường quốc tế sau này.
 Năm 1998, khi môn Judo được đưa vào thí điểm tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thì chị cũng chính thức trở thành giáo viên đảm nhiệm môn học này. Kinh nghiệm từ sự ảnh hưởng của thể thao đối với kết quả học tập nên chị luôn mong muốn học trò của mình là người “văn võ song toàn”, thi đấu tốt mà không quên đi nhiệm vụ học tập. Như cá gặp nước, chị vừa truyền cho các em yêu thích môn Judo, vừa nhắc nhở các em phải học hành tích cực. Rồi những cái tên như Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Lan Linh và mới đây nhất là Lê Ngọc Vân Anh và Nguyễn Hoàng Cẩm Hà đã thực sự trở thành niềm tự hào không của riêng chị mà còn là của Judo Việt Nam khi các em vừa là những vận động viên đạt thành tích cao trong các giải đấu lại vừa là con ngoan, trò giỏi của gia đình và nhà trường. Ngày 20-11 năm nay, chị lại có thêm một niềm vui nữa khi được Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng giải thưởng cao quý: giải Võ Trường Toản dành cho những giáo viên giỏi và có tâm huyết với nghề.
Cao Ngọc Phương Trinh: Một giáo viên năng động
Không đến với Judo sớm như Hiếu Hạnh nhưng thành tích đạt được trong thể thao của “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh là điều mà bất cứ vận động viên nào cũng mơ ước. 10 tuổi, Phương Trinh tìm đến Judo vì thích những pha nhào lộn đẹp mắt, nhưng hơn cả là chị thích cảm giác của một người chiến thắng khi được vượt qua các chướng ngại vật. Cũng như Hiếu Hạnh, chị phải trải qua cảm giác khó khăn của những ngày đầu “nhập môn”, cảm giác của lần đầu tiên đứng trước đối thủ “nặng ký” hơn mình. Nhưng vượt qua tất cả, chị lần lượt giành được chiến thắng tại các giải đấu lớn nhỏ trong và ngoài nước. Cho tới bây giờ, chị không thể nhớ nổi mình đã được xướng tên và đứng trên bục danh dự bao nhiêu lần để nhận huy chương. Với chị, thành tích đáng nhớ nhất là ba lần liên tiếp giành được huy chương vàng tại các kỳ SEA Games 16, 17, 18. Năm 1996, Phương Trinh là vận động viên Việt Nam đầu tiên tham dự Olympic tại Atlanta (Mỹ). Tưởng chừng rất nhiều thành công đang chờ đợi phía trước thế nhưng một sự rủi ro bất ngờ đã khiến chị phải từ giã sàn thi đấu khi đang ở phong độ tốt nhất của mình. Chỉ một năm sau ngày tham dự Olympic và cũng chỉ cách SEA Games 19 vài ngày, chị bị chấn thương ở đầu gối trái, phải làm phẫu thuật và điều trị năm tháng. Vậy là giấc mơ giành huy chương trên sàn đấu quốc tế của chị đành khép lại. May mắn thay, khi đang ở đỉnh điểm của sự tuyệt vọng thì Liên đoàn Thể thao Việt Nam tổ chức khóa đào tạo huấn luyện viên cho các bộ môn thể thao. Vậy là chị lại tìm đến, đánh cược với số phận mình thêm một lần nữa với suy nghĩ “không thể để cuộc đời trôi đi một cách vô nghĩa như thế. Chị yêu Judo và nếu không thể tiếp tục đứng trên sàn thi đấu thì vẫn có thể đào tạo lớp kế thừa”, Phương Trinh tâm sự.
May mắn thay, lần đó chị đủ điều kiện để tham gia khóa học và chẳng bao lâu sau chính thức trở thành huấn luyện viên cho Đội tuyển Judo TP.HCM. Từ sự kiện đó, chị lại tìm thấy niềm vui, tiếp tục theo học lớp tại chức tại Trường ĐH TDTT. Ngoài công việc tại Hội Judo TP.HCM, chị cùng với vận động viên Hiếu Hạnh đảm nhận việc giảng dạy môn võ thuật Judo cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Tiếp xúc với học sinh, chị thấy mình như trẻ lại, tìm thấy niềm đam mê trong công việc. Cũng từ nơi này, chị tìm được những em có đủ sức khỏe, tố chất để trở thành vận động viên tham gia các giải đấu của thành phố, quốc gia và quốc tế. Chị vui khi được dõi theo bước chân của các em cả khi học tập lẫn thi đấu, hạnh phúc khi các em thành công trên bước đường mình đã lựa chọn. Và với chị không có gì thú vị hơn vì được đảm nhiệm hai trọng trách mà ở vị trí nào chị cũng thành công, cũng gắn bó: một giáo viên năng động, một huấn luyện viên tâm huyết với nghề.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)