Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người “bắc cầu kiều” ở ốc đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Những chuyến phà về Tam Hải

Được phân công dạy học ở một thị trấn sầm uất với những điều kiện thuận lợi mà nhiều người hằng mơ ước, thế nhưng họ lại tình nguyện về nơi ngã ba sóng gió, chấp nhận khó khăn, thua thiệt để “bắc cầu kiều” cho những đứa trẻ nơi làng biển này đến giảng đường đại học. Họ là vợ chồng thầy giáo Nguyễn Lai (50 tuổi) và cô Hồ Thị Luyến (48 tuổi) ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
“Con” chữ dập dềnh theo con sóng
12 giờ trưa. Cái nắng hiếm hoi của ngày lập đông xứ Quảng chao chát hắt xuống mặt sông Kỳ Hà. Trên bờ, từng tốp phụ nữ sau buổi chạy cá nơi những con tàu cập cảng muộn đang tụm năm tụm ba “tám” chuyện giết thời gian trong lúc đợi chuyến phà chiều để trở về ốc đảo Tam Hải. Dưới bến, một cậu bé tầm 10 tuổi đang hì hụi phụ ba mẹ chuyển những viên gạch hoa lên thuyền để về lát nền nhà. Một nữ sinh lớp 12 vừa tan học nóng lòng dõi mắt về chiếc ca nô đang giờ nghỉ trưa nằm im lìm phía bên kia bờ sông cho chúng tôi biết, năm nay là năm thứ 3 em đợi đò. Bình thường em đi đò mỗi ngày hai vòng để đến trường rồi về. Những hôm học ngoại khóa hoặc học thêm thì có khi lên đến  sáu vòng đi về như thế…
Không gian trở nên náo nhiệt khi đồng hồ điểm đúng 2 giờ chiều. Chiếc thuyền máy cũ kỹ vọng lên âm thanh ù ù tiến chậm từ xã Tam Hải về bến phía xã Tam Quang rước khách. Sau đó, thêm độ 15 phút đi phà vượt qua con sông đoạn trên cảng Kỳ Hà – nối giữa hai xã Tam Hải và Tam Quang, con đường bê tông phẳng lì đưa chúng tôi đến với làng quê bên chân sóng Tam Hải. Hai bên đường, những mái nhà ngói cấp 4 tươi mới nằm san sát như báo rằng đời sống người dân làng cá nghèo quanh năm lo bão to gió giật nay đã sung túc hơn xưa. Đón chúng tôi trong ngôi trường vừa được đầu tư xây dựng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành, thầy Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú hồ hởi: “Ốc đảo không cầu bây giờ đã có trường. Học sinh không còn phải ngồi học trong mái nhà che tạm, mưa dột tứ tung. Phần lớn con em nhân dân trong độ tuổi đến trường không còn phải “đói” chữ”.
Dẫu vậy, sự học của con em xứ đảo này vẫn còn lắm gian nan. Với sự phân bố địa hình ba bề giáp biển, mặt còn lại giáp sông. Không chỉ thế, làng này bị ngăn cách với làng khác bởi các nhánh sông sâu và rộng. Thầy Thơ trầm tư, toàn xã chỉ tính riêng bậc tiểu học đã phải chia làm 5 điểm trường phụ. Mỗi điểm trường có chưa tới 20 học trò. Thậm chí tại các điểm trường lẻ như ở thôn Gành, thôn Chùa, thôn 6… chỉ có từ 5 đến 6 học sinh phân bố từ lớp 1 tới lớp 5. Sự chia lẻ này không chỉ gây khó khăn cho nhà trường trong việc điều giáo viên đứng lớp mà còn khiến học trò nghèo ở các thôn này chịu bao thiệt thòi. “Năm học mới này, thôn Chùa chỉ có một em học sinh trong độ tuổi vào lớp 1. Vì thế, nhà trường không thể mở lớp. Ba mẹ là ngư dân nghèo, phải quần quật vì “miếng cơm manh áo”, không có thời gian mỗi ngày đưa con đi hai lần đò đến điểm trường chính nên cháu đành lỡ học. Nhiều buổi thấy các anh chị lớp trên học, cháu cứ lân la mãi ngoài cửa lớp rất tội nghiệp. Để trò này không thất học, nhà trường động viên phụ huynh đưa cháu đến học nhờ ở Trường Tiểu học xã Tam Hòa (gần hơn đường đến trường chính ở xã Tam Hải). Ba mẹ cháu đồng ý nhưng không biết cháu có được tới trường thường xuyên không, bởi nghề sống nhờ một chút nước sông như ba mẹ cháu thì “ngày làm tháng ăn”, mấy ai dám bỏ việc”, thầy Thơ thở dài buồn bã.
Đó không chỉ là trường hợp cá biệt ở chốn ốc đảo này bởi hàng chục năm nay đã có rất nhiều học trò đành chịu cảnh mù chữ vì điều kiện cách sông trở đò, kinh tế gia đình khó khăn. “Tụi nhỏ chỉ có thể kiếm dăm ba con chữ ở quanh làng xã, chứ lên cấp 2, 3 là phải lặn lội lên thị trấn hoặc qua các xã lân cận học. Mà dù có đi đâu cũng phải lụy mấy chuyến đò. Trời nắng ráo thì họ còn chở sang sông chớ mùa nước nổi ai dám đánh cược tính mạng hàng chục người dân với vài ngàn bạc lẻ? Cực một nỗi, nhà trường ở các nơi thì nắng hay mưa đều dạy trong khi lũ học trò vùng này phải phụ thuộc vào ông trời nên đa phần là thất học”, bà Nguyễn Thị gái (75 tuổi) – một người dân sống ở thôn 2, xã Tam Hải trải lòng.
Cổ tích bên chân sóng
Còn nhớ cách đây 5 năm trước, thuở còn là sinh viên mài đũng quần trên giảng đường đại học, một lần theo đám bạn về Tam Hải, cô bán quà vặt bên cổng trường nhìn chúng tôi từ đầu tới chân, chép miệng: “Mảnh đất ni cha ông đã sống bám biển mấy đời rồi, sống nơi cửa biển không chi bằng ở yên. Không có cầu thì đi bằng ghe, vất vả chút không sao nhưng thương cái lũ học trò đầu khét nắng đến cả bảng chữ cái cũng đọc không suôn sẻ. Thiếu thốn, cực khổ nên không cha mẹ nào để ý đến việc học hành của con cái. Đời chúng rồi cũng sẽ khổ như đời tụi tui thôi”. Bây giờ, bên cổng trường vẫn cô bán quà vặt ngày nào, thời gian hằn thêm vài nếp nhăn trên gương mặt nhưng không làm phai nét xuân sắc mặn mà của người con gái xứ biển. Có điều giọng cô bây giờ đã khác, hào sảng hơn xưa: “Dẫu nơi đây giờ vẫn chưa có cầu đi ra ngoài nhưng cha mẹ đã biết quan tâm đến con cái. Đứa nào cũng được đến trường đàng hoàng. Năm nay có gần 10 cháu đỗ đại học nữa rồi”, cô đưa tay chỉ về phía ngôi trường mới ba tầng cách đó không xa, tự hào nói với tôi.
Ngay cả những cụ già sống trọn đời người trên xứ đảo này cũng không dám tin có một ngày làng quê mình đổi thay đến vậy. Mà sướng nhất có lẽ là chuyện con em họ được đến trường. Tương lai của chúng hẳn cũng sẽ phải đi qua những chặng đường gập ghềnh sóng gió nhưng chắc chắn sẽ không phải sống đời “nước sông, gạo chợ”, “tay bo, miệng lủm” như đời ông cha. “Con trẻ biết được cái chữ là nhờ những thầy cô đã tình nguyện đến với đất ni đó. Không đâu xa, vợ chồng thầy Lai cô Luyến đã gắn bó với vùng này hàng chục năm rồi”, ông Nguyễn Hưng (70 tuổi) cho biết.
Nói đến vợ chồng thầy Lai, cả cái làng biển này từ đứa trẻ con đến người lớn đều biết. Tình yêu của họ giống như câu chuyện cổ tích đẹp bởi nhờ có nó mà họ đã gắn bó với lũ học trò lam lũ miền chân sóng này. “Quê tôi ở chốn này, tôi may mắn hơn bạn bè nên được đi học rồi thành thầy giáo. Hồi mới ra trường, được phân công dạy ở thị trấn nhưng tôi quyết định xin về đây. Ngoảnh lại cũng ngót nghét 20 năm rồi, bao thế hệ học trò vùng đất này đã khôn lớn”, giọng thầy Lai trầm bổng theo tiếng vi vút của rặng phi lao sát mép biển.

Vợ chồng thầy Lai, cô Luyến với thâm niên 17 năm dạy học ở đảo Tam Hải

“Hồi đó, vợ chồng tôi có nhà cửa khang trang ở thị trấn hẳn hoi, nhưng anh ấy lúc nào cũng trăn trở, thương lũ trẻ quê nên quyết về đây. Thương chồng, tôi cũng xin chuyển công tác”, cô Luyến nhìn chồng âu yếm, cho biết thêm.
Chuyện “cắm” lại với mảnh đất này để truyền “con” chữ cho lũ học trò của những thầy cô giáo đôi khi… cười ra nước mắt. Toàn xã có bảy thôn. Hầu hết ranh giới giữa các thôn được phân định bằng những con sông lớn. Mùa mưa đến, chúng cứ hoác miệng như sẵn sàng nuốt chửng những ai bạo gan chèo thuyền ngang sông. “Hồi mới về đây, tôi nhận dạy ở thôn Gành. Mỗi bận đi tôi phải qua hai lần đò mới đến lớp được. Nhưng đò thì chỉ đưa khách lúc trời còn sớm. Có hôm mải dạy, tôi quên mất chuyện về nên khi ra tới bến sông, trời đã tối. Một phụ huynh thấy vậy liền lấy ghe đưa về giùm. Trên ghe hôm đó có thêm một cô giáo dạy cùng trường. Ba người ngồi trên chiếc ghe chòng chành trong đêm tối giữa mưa to, gió dữ. Ra giữa sông bỗng nhiên gặp lốc, bác lái ghe kiệt sức. Cứ thế, chiếc ghe trôi về cửa biển. Đến lúc tưởng phải phó mặc mọi thứ cho số phận thì bác lái ghe nhanh trí lấn dần mũi ghe tấp được vào một cành cây”, kỉ niệm một lần suýt trôi sông đã 10 năm rồi ùa về trong kí ức cô Luyến.
Sự dạy, học ở vùng này đều phụ thuộc vào con nước. Có hôm nước xuống lúc đêm, có ngày nước xuống buổi sáng. Mùa đông, muốn sang sông phải “mai phục” từ ba giờ sáng. Hễ thấy gió lặng là phải lập tức “xuất quân” nếu không muốn lỡ buổi dạy. Đó là chưa kể trường lớp thiếu thốn, rách nát tứ bề. Có điều, khi được hỏi, cả cô Luyến và thầy Lai đều khẳng khái: “Cực ri chớ cực hơn nữa cũng không bỏ lớp”.
Mỗi năm, vợ chồng thầy Lai thường chỉ đi ra ngoài vào những dịp họp hành, tập huấn nâng cao kiến thức. Tranh thủ những lúc đó, họ đi xin sách cũ, trang thiết bị dạy học về phụ thêm cho lũ trò nghèo. Hai vợ chồng chia nhau dạy lớp ghép 1, 2, 3 và 4, 5. Trường vỏn vẹn có chưa tới chục học trò. Ngày nối ngày, họ cứ quần quật với lũ trẻ, miệt mài “bắc những nhịp cầu chữ” để tìm tương lai cho các em. “Trẻ em ở đây hiếu học lắm nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi. Có cháu năm ngoái học lớp 1, lẽ ra năm nay lên lớp 2 nhưng vì trường ở thôn không có thêm học sinh nào, không mở lớp được nên cháu phải… lưu ban. Thực lòng về dạy ở đây, tôi chỉ mong cho học trò biết mặt chữ. Sau này lên cấp 2, ra thị trấn, tụi nhỏ phải chạy gấp ba đoạn đường mà các bạn khác phải chạy mới mong thành đạt”, cô Luyến rưng rưng.
 “Gần trọn một đời dọc ngang trên đầu con sóng, có lẽ mọi sự “bĩ cực” tụi tui cũng đã qua, “hỉ nộ ái ố” cũng đã từng. Chỉ có cái tay cầm cây bút ký tên mình là chưa làm được. Bây giờ thấy con, cháu đọc sách vanh vách, nghe đâu chúng nó còn nghiên cứu cả khoa học, tui sướng cái bụng lắm. Chịu ơn thầy cô, bà con chỉ biết động viên con cháu mình học cho giỏi thôi”, cụ Nguyễn Hồng (73 tuổi) – một ngư dân đời thứ 3 bám biển bộc bạch cõi lòng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Tam Hải là một xã đảo của huyện Núi Thành, có diện tích tự nhiên 1.560,71 ha, với hơn 7.925 nhân khẩu. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Giao thông cách trở, ai muốn ra ngoài hoặc qua thôn khác đều phải đi ghe, thuyền.
 

Bình luận (0)