Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Vàng tặc” tung hoành trên dòng sông lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Máy múc hiện đại, máy đãi vàng chễm chệ giữa thượng nguồn Bến Hải (xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh) ngày đêm hì hục băm nát thượng dòng Bến Hải
Sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vốn nổi tiếng là dòng sông lịch sử, điểm mốc của vĩ tuyến 17, nơi chia cắt hai miền Nam – Bắc trong thời kháng Mỹ. Nhưng gần đây, dòng sông này đang nhức nhối bởi nạn “vàng tặc” tung hoành, băm nát phía thượng nguồn.
Mấy tháng trở lại đây, biết khu vực rừng núi phía thượng nguồn sông Bến Hải (đoạn chảy qua hai xã Vĩnh Ô và Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) có ẩn chứa trữ lượng vàng khá lớn. Các chủ bãi vàng bắt đầu vượt rừng, đưa lực lượng “vàng tặc”, máy móc lên cày xới, tìm vàng… Chúng tôi đã có cuộc băng rừng, “mục kích” nơi “vàng tặc” tung hoành.
Dòng sông lịch sử kêu cứu
Dẫu đã nhờ đến công an viên tại địa phương quen địa hình như thổ địa dẫn lối. Nhưng phải gần nửa ngày đường vượt rừng, chúng tôi mới ngược đến được khu vực rừng núi đang ngày đêm bị đục khoét vô tội vạ. Kéo dài cả mấy cây số về hạ dòng, nước sông như đã có dấu hiệu “tố cáo” rằng phía trên, “vàng tặc” đang đại náo. Nước ngả màu vàng đục quánh bởi đất đá bị trộn trạo, cày xới. A-xít và chất thủy ngân dùng để lọc vàng, ngấm xuống nước sông, nặng mùi khó ngửi. Núi rừng vọng tiếng rú gầm của máy móc…
Một anh công an viên trẻ xã Vĩnh Hà nói như dọa: “Các anh xem cẩn thận trong việc ghi hình, chụp ảnh… Có bọn tui nắm địa hình mới vào được đây, không là bị lạc ngay. Mà không bị lạc thì bọn “vệ tinh” của “vàng tặc” dọc đường cũng chẳng cho các anh “lọt” vào bãi”. Tiếp cận cách bãi vàng chừng 150m, chúng tôi chọn một bụi rậm. Ở khoảng cách đó, bao quát ghi nhận lại hoạt động khai thác vàng trái phép nhưng vẫn ngang nhiên, ùng oằng như “đại công trường” ngày đêm móc mói dòng Bến Hải.
Gần cả chục máy múc bánh xích hiệu CAT đang ra sức cạy đá, múc đất, đào xới giữa dòng. Dòng sông được “vàng tặc” dùng máy móc ngăn lại thành 2-3 luồng nước chảy để lộ đất đá, múc lên đổ vào giàn đãi vàng. Những nơi đã khai thác xong, là những vực hố sâu cả mét rưỡi, những khối đá chất thành đống cao chặn giữa dòng sông. Lại thêm hàng chục máy đập đá, máy bơm nước, giàn máy lọc vàng ầm ầm hoạt động làm núi rừng như bị rung lên. Phía thượng nguồn này là địa bàn cư trú rải rác của đồng bào thiểu số Vân Kiều. Nhiều bà con cho biết: Việc khai thác diễn ra suốt đêm ngày. Ở cách nơi khai thác cả cây số vẫn nghe máy móc rú hụ ầm ầm, đinh tai nhức óc.
Ông Hồ Côn, Phó công an xã Vĩnh Hà lắc đầu: “Cuối năm ngoái đến nay, “vàng tặc” cứ ra sức đục phá làm cho rừng bị động, nước nguồn ô nhiễm. Chúng tôi bắt gặp nhiều nơi tôm cá chết nổi trắng dòng. Thú rừng, chim muông tản đi nơi khác hết vì tiếng ồn và núi rừng rung chuyển”. Ông Côn chỉ tay về phía vườn cao su chuẩn bị khai thác mủ của bà con Vân Kiều, sát phía dưới là giàn máy đang múc, hất, đãi vàng mà cụ thể hơn: “Đất trồng cao su này cũng có vàng nên cần múc cũng “vói vô”, lấn dần vườn, gây sụt mấy chỗ đó”.
Nạn khai thác vàng trái phép làm nguồn nước ô nhiễm, đất núi bị xói lở, cư dân phía hạ nguồn đang đối diện với nguy cơ bị chẹt đường sống. Nhất là đoạn chảy qua thị trấn Bến Quan, khu vực đông dân đang lộ rõ những dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân ở các thôn thuộc thị trấn đã ngán ngẩm và phản ảnh lên UBND thị trấn Bến Quan, lãnh đạo nhà máy nước huyện Vĩnh Linh kêu cứu. Mong cấp trên có các biện pháp để ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước.
Chính quyền bó tay?

Giữa dòng sông là máy bơm nước chặn ngang để hút nước lên đổ vào giàn đãi lọc vàng
Ông Võ Văn Sanh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hà chắc chắn như đinh đóng cột: “Hoạt động khai thác vàng vùng thượng nguồn sông Bến Hải ở địa bàn cả hai xã Vĩnh Hà và Vĩnh Ô chưa hề có một đơn vị nào có giấy phép được khai thác”. Theo ông Sanh, người khai thác vàng trái phép này đa số không phải là dân bản địa, chỉ có một số ít người ở trong xã biết lái máy múc, quen việc đào đãi vàng được nhận để làm công cho các chủ bãi vàng”.
Trao đổi về nạn “vàng tặc” đang nhức nhối ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Hồ Văn Dĩa tâm tư: “Toàn bộ xã có 9 thôn bản, nạn “vàng tặc” hoạt động một cách ồ ạt này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 5 thôn bản với khoảng 1.200 dân sống hai bên bờ sông phía thượng nguồn Bến Hải. UBND xã đã có báo cáo tình trạng khai thác vàng trái phép này lên UBND huyện Vĩnh Linh để có phương án ngăn chặn và đẩy đuổi. Song, vẫn chưa thực hiện triệt để được”.
“Tình trạng này vẫn ngang nhiên xảy ra trong thời gian qua có nhiều lý do như: Lực lượng cán bộ chức năng tại địa phương mỏng quá. Các bãi vàng thì nhiều lắm, địa hình đi lại, tiếp cận rất khó khăn. Có nơi còn phải đi bộ mất cả ngày mới tới được. Thêm nữa là do kinh phí chưa có để trang trải cho việc cán bộ bám rừng, thực hiện truy đuổi vàng tặc…”, ông Dĩa giãi bày.
Ông Võ Văn Sanh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hà cho biết thêm: Ông đã vừa chỉ đạo các cấp xã Vĩnh Hà tìm kiếm phương án hợp lý, rồi trình lên cấp huyện để tổ chức ngăn chặn nạn “vàng tặc” được triệt để hơn. “Điều quan ngại trước hết là môi trường sống, nguồn nước và đất đai cho bà con các bản làng xung quanh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Rồi những bãi vàng bị khai thác trái phép tự phát này. Sớm muộn, cũng sẽ kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Thế nhưng việc đề xuất lên phương án truy bắt “vàng tặc” còn thực hiện rề rà quá”, ông Sanh khẳng định.
Theo một nguồn tin riêng cho biết, các chủ khai thác vàng trái phép nơi thượng nguồn sông Bến Hải đều là những tay “anh chị” và có các mối quan hệ với một số cán bộ có thẩm quyền tầm cỡ(!?). Điều đáng băn khoăn, các cấp chính quyền từ hai xã này cho đến huyện Vĩnh Linh đều xác nhận, có biết về việc “vàng tặc” đang tung hoành, ngày đêm cày xới thượng nguồn dòng sông lịch sử… nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được!?
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia

“UBND huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo Công an huyện tiến hành bí mật nhiều đợt truy quét. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại. UBND huyện đang “nghi vấn” rằng có “nội gián” thông tin cho các chủ vàng trong lực lượng truy quét. Bởi, khi triển khai truy quét đến bãi vàng, lực lượng “vàng tặc” đã biết trước và kịp thời ẩn tránh. Chúng tôi đã từng cho thu hết điện thoại di động của lực lượng truy quét nhưng vẫn chưa hiệu quả”, ông Vũ Văn Phong, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Linh tiết lộ.

 

Bình luận (0)