Dân chài trên đầm Ô Loan
|
Phú Yên là vùng đất có nhiều tặng phẩm thiên nhiên giá trị. Trong đó sò huyết Ô Loan đã làm nên tên tuổi thương hiệu sản vật Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng. Thế nhưng giờ đây, đầm Ô Loan đang lâm vào tình trạng ô nhiễm nặng khiến loại sò ngon nức tiếng vì thế chỉ còn trong ký ức…
Nằm cách trung tâm TP.Tuy Hòa khoảng 27km về phía Bắc, từ trên con dốc thoai thoải Tam Giang (QL1A) nhìn xuống, đầm Ô Loan (thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được bao bọc bởi ba bề là núi non, một bề hướng ra biển Đông.
Thương hiệu sò huyết Ô Loan
Hoàng hôn hay bình minh, Ô Loan đều cho cái đẹp đến mê hồn. Cái đẹp của Ô Loan bình dị, thuần khiết và tự tại từ mặt nước đầm tĩnh lặng. Thế nên người xưa nơi đây mới có câu: “Ô Loan nước lặng như tờ/ Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương”. Lời tự tình ấy của người cô phụ xưa như gợi nhắc cái đẹp và quá khứ hào hùng của người dân nơi đây. Vẻ đẹp trầm mặc của mặt nước Ô Loan còn được ngợi ca qua hai câu ca dao mà bất kỳ đứa trẻ nào xuất thân từ khu đầm này đều thuộc nằm lòng: “Lẻ loi như cụm núi Sầm/ Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”.
Đầm Ô Loan có tổng diện tích 1.200ha, được thiên nhiên ban tặng nhiều loại sản vật quý mà nổi tiếng nhất là sò huyết. Sò huyết Ô Loan trước đây nhiều vô kể. Nó là thứ sản vật nuôi sống người dân quanh đầm từ hàng trăm năm nay. Nhiều năm trước, bà con ở đây gọi sò huyết Ô Loan là loại sò xóa đói giảm nghèo. Điểm khác biệt so với sò huyết các vùng, miền khác là sò huyết Ô Loan tròn trùng trục, thịt có mùi thơm, hơi giòn và béo ngậy. Theo kinh nghiệm của người dân, muốn nướng sò huyết Ô Loan cho ngon thì đặt miếng ngói trên lò than vừa đủ nóng rồi bỏ sò lên. Sò vừa hé miệng nước kêu xèo xèo là ăn được. Điều đặc biệt là dưới lòng đầm có cát pha lớp bùn phiêu sinh nên thịt sò rất đặc trưng.
Ông Nguyễn Đình Hoan, nguyên cán bộ ngành thủy sản của huyện Tuy An, người hơn 30 năm qua gắn bó với cái đầm này buồn rượi khi nghe chúng tôi nhắc đến sò huyết Ô Loan. Là người trong ngành, hơn ai hết ông hiểu mai này sò Ô Loan sẽ không còn vì nạn khai thác bừa bãi, cũng như môi trường nước đầm ô nhiễm. Ông Hoan nghĩ bằng mọi cách phải cứu lấy sò huyết Ô Loan. Vào ngày nghỉ, ông đạp xe hơn 10 cây số đến đầm bắt từng con sò về nghiên cứu nhân giống và thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước. Sau nhiều năm, kết quả cho thấy nguồn nước ô nhiễm nặng là nguyên do đẩy sò huyết Ô Loan đến gần nguy cơ hủy diệt. Thế nhưng, mình ông Hoan với kết quả kia chẳng thể “cứu” sò huyết Ô Loan. Ông lại đi gõ cửa cơ quan chức năng với tư cách là một người trong ngành, muốn bảo tồn và đẩy mạnh nguồn lợi cho địa phương để trình bày về “án tử” của sò huyết Ô Loan. Nhiều lần, ông bị người ta từ chối tiếp xúc và còn cho rằng ông là một người… rỗi hơi. Bao năm nghiên cứu, ông Hoan đành ngậm ngùi xếp hàng xấp tài liệu vào ngăn kéo.
Ông Hoan nói: “May mà về sau Sở Thủy sản cũng đã lên kế hoạch bảo tồn, phát triển sò huyết Ô Loan. Lúc đó tôi mừng vì nghĩ rằng dù muộn còn hơn không nhưng chẳng hiểu sao đến giờ nó vẫn chưa được triển khai. Nếu như trước đây sản lượng thu hoạch sò ở đầm Ô Loan mỗi năm trên dưới 40 tấn thì nay, con số ấy giảm đi rất nhiều lần”. Mới đây, Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên đã nhập về 500kg sò giống từ Bến Tre để nuôi thử nghiệm. Song, việc làm này chẳng giúp được mấy người vui vì cái người ta cần là thương hiệu sò huyết mang tên đầm Ô Loan chứ không phải sò huyết của những nơi khác. Sò huyết Ô Loan được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Có thời điểm, một số thương gia người Nhật đến tìm hiểu và nuôi loại sò này nhắm đến những thị trường tiềm năng. Nhưng, dự án này không khả thi chỉ vì môi trường nước ô nhiễm thẩm thấu dưới lớp bùn sâu khiến sò chết hàng loạt.
Mặt nước vẫn lặng như tờ, nhưng…
Ông bạn khá thân của tôi là cư dân đầm Ô Loan chính hiệu. Ngay từ những ngày còn học tiểu học, ông đã kiếm được nhiều tiền từ việc bắt sò. Lên cấp 2, ông còn dắt đám bạn nghèo từ các xã lân cận đến đầm để mưu sinh. 30 năm sau, ông vẫn còn nhớ như in khu vực nào có nhiều sò nhất đầm và tự tin nói vỏ con sò ở khu đó có màu trắng đục hay đen sẫm. Nhưng bây giờ, ở cái nơi mà ông khẳng định có nhiều sò nhất cũng không còn nữa.
Anh Nguyễn Thanh Xề, người có trên 20 năm trầm mình dưới đầm bắt ngao, sò huyết và hàu tâm tư: “Trước đây, chỉ một giờ đồng hồ thôi đã kiếm đủ tiền chợ, tiền gạo cho cả gia đình năm miệng ăn. Còn bây giờ, lặn hụp cả ngày chưa chắc đủ tiền mua một ký gạo”. Như để minh chứng cho điều mình vừa nói, anh Xề mở miệng chiếc túi lưới chìa cho chúng tôi xem. Bên trong có khoảng chục con sò huyết và dăm con hàu. Đó là kết quả sau gần bảy tiếng đồng hồ anh Xề ngâm mình dưới làn nước ô nhiễm.
Từ đầu đầm, chúng tôi ngồi sõng (tức xuồng) xuôi về hướng biển Đông, thuộc xã An Hải, huyện Tuy An. Thủy triều đang dâng nhưng mặt đầm vẫn lặng yên, không chút sóng gợn. Anh Võ Văn Thạo, người tình nguyện bơi sõng đưa chúng tôi tham quan cho biết, những năm 90, người dân quanh đầm chủ yếu sống bằng nghề bắt sò huyết. Nay hầu hết họ đã lên bờ tìm công việc khác mưu sinh. Ghé vào một căn chòi nổi trên mặt nước đầm Ô Loan, anh Thạo giới thiệu: “Muốn mua sò huyết Ô Loan thì đến đây”. Điểm mà chúng tôi ghé vào là một đại lý thu mua sản vật đầm Ô Loan, mà chủ yếu là sò huyết, ngao và hàu. Đây là vựa lớn chuyên cung cấp sản vật Ô Loan cho các nhà hàng, quán ăn trong tỉnh. Chiếc sõng của chúng tôi vừa cập bến, cô bé ước chừng 13 tuổi, mái tóc hoe vàng vì nắng đon đả mời khách: “Sò 110 ngàn đồng/kg, chú tự vớt và lựa thoải mái”. Anh Thạo cầm con sò trên tay, nói: “Thấy chưa, như vầy mới là sò huyết Ô Loan. Cỡ này khoảng 15 con/kg”. Anh Thạo nói, có thời gian, những hàng quán trong tỉnh mua sò ở nơi khác về rồi quảng cáo là sò Ô Loan. Tuy nhiên, chiêu lừa này không thể qua mặt những thực khách sành ăn bởi sò Ô Loan thịt ngọt, giòn không lẫn vào đâu được.
Thời điểm vào mùa sò (từ tháng giêng đến tháng 8 hàng năm), người dân ở các xã như An Hải, An Ninh Đông và An Cư lại kéo đến đầm Ô Loan mưu sinh. Bé Hạnh, 12 tuổi, đến từ xã biển An Ninh Đông, từ năm lên bảy đã ngồi sõng theo cha đi bắt sò. Nhà nghèo không có tiền học tiếp, Hạnh trở thành lao động chính trong gia đình kể từ ngày ba bị tai biến liệt nửa người. Dù chỉ mới theo nghề nhưng Hạnh có vẻ am hiểu về công việc chẳng kém người kinh nghiệm lâu năm. Hạnh chia sẻ: “Đầm Ô Loan rộng nhưng nước không sâu lắm nên việc mò bắt tương đối dễ. Ở nơi nước cạn, có thể dùng chân để dò và gắp lên, còn nơi nước sâu phải hụp xuống mới mò bắt được”.
Sau hàng trăm năm, mặt nước Ô Loan vẫn lặng như tờ, vẫn thản nhiên như xưa nhưng trên khuôn mặt của người dân quanh năm bám đầm mưu sinh chất chứa nỗi buồn sâu lắng. Nhiều gia đình phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn vì tặng phẩm của thiên nhiên ngày một cạn kiệt dần.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)