HS, SV cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội để giảm bớt những tiêu cực trong đời sống (ảnh HS, SV tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại TP.HCM) |
Tình trạng vi phạm pháp luật và phạm tội trong học sinh, sinh viên (HS, SV) ở thủ đô ngày càng gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Đó là lời cảnh báo của Đại tá Nguyễn Đức Chung (Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội) tại Hội thảo vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh thủ đô tổ chức sáng 30-11 ở Hà Nội.
Nhức nhối với lối sống tiêu cực của giới trẻ
PGS.TS Phạm Hồng Tung, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trên cơ sở phân tích kết quả các cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu của chúng tôi thực hiện đầu năm 2010, chúng tôi cho rằng hiện nay lối sống của thanh niên nước ta có 6 đặc điểm và xu hướng tích cực chủ yếu sau: Trân trọng và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; yêu nước, quan tâm đến tình hình đất nước; thực tế, thiết thực trong suy nghĩ, hoạt động và ứng xử hằng ngày; năng động, sáng tạo, luôn hướng tới cái mới, cái khác biệt; tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu thành tựu văn minh và tinh hoa văn hóa từ bên ngoài; có khát vọng, lạc quan, có tính tích cực chính trị – xã hội cao và có bản lĩnh chính trị khá vững vàng. Nhưng bên cạnh đó, PGS. Tung cũng đưa ra 4 đặc điểm và xu hướng lối sống tiêu cực của thanh niên Việt Nam hiện nay, đó là: lối sống buông thả bản thân; hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật; lối sống ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và nhiệt tình của tuổi trẻ; lối sống hời hợt, a dua theo các trào lưu “thời thượng”, tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa từ bên ngoài.
Trước lối sống của giới trẻ, nhất là HS, SV hiện nay, TS. Đoàn Hương cho biết, đây là vấn đề nhức nhối của xã hội. Chỉ vài năm nữa, các em sẽ bước vào cuộc sống. Vấn đề này không chỉ của riêng Việt Nam mà đây là vấn đề chung của nhân loại. Bởi thế hệ trẻ của các nước phát triển đang bị khủng hoảng do lớp trẻ không định hướng được đường đi. Các tệ nạn xã hội của thanh thiếu niên nhiều hơn so với thế kỷ trước. Trong khi đó, HS, SV cần phải xác định được rằng trong mạng internet của thế giới là một đống rác khổng lồ, phải có văn hóa mạng để chọn lọc. TS. Đoàn Hương cũng khẳng định, chúng ta đi lên từ đất nước nghèo, mọi vấn đề đều tập trung để tiến tới “đủ ăn” do đó, chúng ta đang phải trả giá cho vấn đề này. “Có cái lỗi hôm nay là do chúng ta, chúng ta đang quên thế hệ trẻ.”, TS. Hương cho biết.
Tội phạm học đường gia tăng
Theo Đại tá Nguyễn Đức Chung, từ năm 2008 đến nay, TP.Hà Nội đã phát hiện, xử lý 968 em còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi bạo lực trong học đường thời gian qua cũng có chiều hướng gia tăng, số vụ HS đánh nhau trong và ngoài nhà trường ở thành phố là 177. Vi phạm của HS, SV chủ yếu là xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người như giết cướp, cố ý gây thương tích, hiếp dâm… Nhiều vụ HS nữ đánh nhau, lột quần áo, dùng điện thoại ghi hình rồi phát tán lên mạng gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận. Lứa tuổi học đường còn tham gia các ổ nhóm cướp giật, trộm cắp tài sản; gây rối trật tự công cộng, tụ tập thành băng nhóm, dùng dao, kiếm… để giải quyết mâu thuẫn. Từ năm 2010 đến nay, TP.Hà Nội đã xảy ra 42 vụ HS tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người. Nguyên nhân chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập. Ngoài ra, một bộ phận HS còn vi phạm các quy định về pháp luật giao thông: như đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Ông Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp thêm, thống kê trên 10 quận nội thành có khoảng 5.000 HS đi xe máy không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đi vào đường cấm, đường ngược chiều… Ngoài ra số đông HS đi học bằng xe đạp thường đi không sát phần đường bên phải, dàn hàng ngang nói chuyện gây cản trở giao thông.
HS thích làm người lớn
TS. Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý học (Viện Tâm lý học) cho rằng, thanh niên ở độ tuổi THPT rất thích làm người lớn bởi các em chỉ nhìn thấy nhiều cái “được” ở người lớn như muốn đi đâu, làm gì không phải xin phép, làm sai không sợ mắng, có nhiều “quyền hành”… mà không thấy hết trách nhiệm của một người “lớn” thực sự. Vấn đề về giới cũng bắt đầu xuất hiện ở lứa tuổi HS hiện nay. Tình yêu đôi lứa ở thanh niên HS là tình cảm trong sáng và vô cùng mãnh liệt. Độ tuổi này các em thường tò mò, thích khám phá nên thường không lường hết được hậu quả, rủ nhau khám phá trong nhà nghỉ, khách sạn. Các em muốn cảm nhận cuộc sống như người lớn vì nghĩ rằng người lớn làm được thì mình cũng làm được. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi sai trái. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những thực trạng trên, TS. Đoàn Hương thì cho rằng, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức ở tuổi học trò lỗi trước hết ở người lớn. Học trò hiện nay chỉ 5-6 năm nữa sẽ bước vào xã hội, 15 năm nữa các em có thể trở thành những người lãnh đạo đất nước. TS. Hương cũng cảnh báo: Chúng ta đừng nhìn nhận các em là trẻ em nữa mà hãy xem đó là những người chủ tương lai. Bản thân HS cũng đừng coi mình là trẻ con nữa, phải lớn lên vì các em phải gánh vác vận mệnh đất nước. Lớp trẻ cũng phải tự định hướng được hành động và suy nghĩ của mình, nếu không như con tàu đi trên biển mà không có la bàn, có thể bị va vào đá ngầm bất cứ lúc nào.
Tìm ra giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng chúng ta cần tăng cường vai trò của gia đình với ý nghĩa là “rào cản” ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của HS, SV. Đồng thời xây dựng hệ thống phòng chống liên hoàn giữa 3 môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Phạm Văn Hậu cũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần quy định rõ trách nhiệm đối với các trường, giáo viên chủ nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng HS vi phạm trật tự an toàn giao thông, bạo lực học đường, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)