Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo tín chỉ ở ĐH Đà Nẵng: Người sử dụng lao động chưa biết, sinh viên chịu thiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 9-12, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức tổng kết 5 năm đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Nhờ tính linh hoạt của hình thức đào tạo tín chỉ, ĐH Đà Nẵng đã có hàng trăm SV học chương trình 2 tại trường – chỉ riêng ĐH Kinh tế có gần 500 SV, và hàng chục SV học chương trình 2 tại trường thành viên khác (năm 2011 có 41 SV ĐH Bách khoa và 2 SV ĐH Sư phạm đăng ký học chương trình 2 tại ĐH Kinh tế). Tỉ lệ SV tốt nghiệp khá, giỏi cũng tăng lên với 79,31% trong 5 năm đào tạo theo học chế tín chỉ.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐHĐN, bên cạnh những ưu điểm đáng ghi nhận, hình thức đào tạo tín chỉ còn có nhiều điểm chưa thực sự hợp lí gây ảnh hưởng cho sinh viên. Ngoài việc, do đặc thù phương thức đào tạo mà sinh viên ít được tiếp xúc với nhau dẫn đến việc đánh giá hạnh kiểm thiếu chính xác; ĐHĐN cho phép sinh viên học chương trình 2 tại trường thành viên khác nhưng chưa có quy định hướng dẫn về đánh giá điểm rèn luyện của các sinh viên dẫn đến việc xét tốt nghiệp gặp khó khăn. Điểm đáng chú ý nhất là xã hội, người sử dụng lao động còn chưa biết nhiều về đào tạo tín chỉ và cách đánh giá kết quả của phương thức đào tạo này (thang điểm đào tạo tín chỉ khác với đào tạo niên chế) nên khi nộp đơn xin việc nhà tuyển dụng so sánh ngang bằng hai thang điểm này dẫn đến sự thiệt thòi cho SV học theo tín chỉ.
Vĩnh Yên

Bình luận (0)