Hiện nay, tại Hà Nội, người lao động qua đào tạo mới đáp ứng 35% nhu cầu sử dụng. Doanh nghiệp thiếu lao động có tay nghề, nhưng các trường dạy nghề lại không thu hút được học sinh.
Lớp học nghề dệt len tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội)
|
Ðầu tư lớn
Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ðình Ðức, những năm gần đây, công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng dạy nghề đã được thành phố quan tâm. Tính đến tháng 10-2011, toàn thành phố có 261 cơ sở dạy nghề, trong đó có 20 trường cao đẳng nghề, 46 trường trung cấp nghề, 56 trung tâm dạy nghề… Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng bốn trường cao đẳng và trung cấp nghề công nghệ cao. Nhờ đó, số lao động được dạy nghề từ 117 nghìn lao động năm 2008, đến năm 2010 tăng lên 140 nghìn lao động. Ngoài ra, có gần 30 nghìn lao động nông thôn và người nghèo, người tàn tật được dạy nghề, truyền nghề.
Nguồn lực đầu tư cho công tác dạy nghề giai đoạn 2006 – 2008 đạt 550.000 triệu đồng, trong đó chú ý đầu tư cho việc tăng cường trang thiết bị dạy và học nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng đổi mới giáo trình… Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt hơn 95%, tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp đạt hơn 70%, nhiều trường dạy nghề đạt 100% số học sinh ra trường có việc làm.
Vẫn thiếu lao động lành nghề
Cũng theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hà Nội có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước, với 35% nhưng việc phân bố lao động qua đào tạo không đều. Lao động qua đào tạo chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, các quận nội thành, trong khi ở khu vực nông thôn có tới hơn 84% lao động chưa qua đào tạo. Ðó là chưa kể cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp. Ðiều đó cho thấy cơ cấu lao động qua đào tạo của thành phố còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ cấu này cũng cho thấy Hà Nội cũng như cả nước đang trong tình trạng thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đã qua đào tạo bài bản.
Theo Phó Trưởng phòng nhân sự Công ty Canon Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện nay công ty chỉ có 570/10 nghìn lao động đã qua đào tạo, chiếm 5,8% số lao động trong công ty. Trong đó, nhược điểm lớn nhất của các công nhân là thường bỏ qua các thao tác an toàn trong lao động vì không được giảng dạy, khuyến cáo, trong khi công ty này lại rất coi trọng những thao tác an toàn.
Giải thích về tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Trần Văn Ðông cho biết, tâm lý của nhiều thanh niên hiện nay là thích học đại học hơn học nghề, cho nên nhiều trường dạy nghề đã không thu hút được đủ số lượng học sinh. Bên cạnh đó, việc đăng ký các nghề để học dường như vẫn theo phong trào, trong đó lĩnh vực nghề nông nghiệp như trồng trọt, thú y, thủy lợi… hầu như không có người học. Tương tự, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Việt-Úc Cao Ðình Ðức cho biết, hiện nay công tác hướng nghiệp đối với lao động học nghề còn hạn chế. Phần lớn người học nghề không nắm được thị trường lao động, không biết nhu cầu của người sử dụng dẫn đến không định hướng được tương lai của mình… Một hạn chế khác là trường nghề chưa tạo ra được thị trường riêng do chưa biết phân tích thị trường lao động.
Cần có cơ chế thu hút
Ðể giải quyết vấn đề đào tạo nhằm đáp ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ðình Ðức cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo hướng tăng nhanh về quy mô và nâng cao chất lượng, trong đó tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực quan trọng của thành phố như: du lịch, thương mại, vận tải, kho bãi, điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin…
Thành phố sẽ gắn kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực lao động với mục tiêu phát triển, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo; xây dựng cơ sở vật chất; bồi dưỡng nâng cao kiến thức và đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Trần Văn Ðông, để thu hút người lao động học nghề, cần có cơ chế khuyến khích người học nghề; phải có chính sách ràng buộc giữa doanh nghiệp với các trường đào tạo. Thành phố Hà Nội cũng cần có cơ chế mở để đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Phó Trưởng phòng Nhân sự Công ty Canon Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền lại cho rằng, để công tác đào tạo nghề đạt chất lượng, giáo viên không nên nói nhiều đến trình độ hoặc vẽ ra viễn cảnh quá tốt đẹp cho học sinh. Bởi thực tế, Công ty Canon Việt Nam không đánh giá cao lao động "hàn lâm" mà coi trọng lao động được đào tạo thực tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi, Hà Nội có lợi thế lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ giáo viên. Ðể đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, Hà Nội cần định hướng nghề nghiệp và tổ chức đào tạo bài bản. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới công tác quản lý, Hà Nội sẽ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, mục tiêu mỗi năm đào tạo từ 140 nghìn đến 150 nghìn lao động nông thôn. Ðặc biệt, từ năm 2012 sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng, nghiệm thu theo sản phẩm đặt hàng. Hà Nội sẽ thí điểm hai mô hình, trong đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đào tạo 3.600 lao động. Các doanh nghiệp sẽ ký kết đào tạo cho 4.000 lao động. Thành phố sẽ quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp và các trường dạy nghề chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo đối với các nghề mới.
Theo NAM BẮC
(NDDT)
Bình luận (0)