Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ: Tình thương cao hơn trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu chỉ cần trách nhiệm, có những giáo viên như cô Hương, cô Linh, cô Phương không phải vất vả đến thế. Còn nếu nói vì tiền, thì học sinh bị tự kỷ của họ toàn là những em có hoàn cảnh khó khăn. Vậy họ vì cái gì? Điều đó chỉ có thể lý giải đó là vì tình thương đối với những học sinh chẳng may bị khuyết tật.
Trốn chạy hiện thực
Có mặt tại Trường Tiểu học Đồng Nhân, Hai Bà Trưng trong một ngày Hà Nội đổ nồm. Sân trường, phòng học đều ẩm ướt và trơn trượt. Các bác lao công phải làm việc liên tục những lúc học sinh vào học để đảm bảo hành lang luôn sạch sẽ và đỡ ẩm khi học sinh nghỉ giải lao. Ở cuối dãy hành lang tầng hai là lớp học của P.A. P.A “nổi tiếng” ở trường không phải vì là học sinh xuất sắc mà là học sinh đặc biệt.  Lẽ ra năm nay, P.A đã lên lớp 3 nhưng em vẫn phải ngồi lớp 1. Cô Nguyễn Thu Hương, chủ nhiệm lớp P.A cho biết P.A bị tự kỷ loại nặng. Dù đã chủ nhiệm P.A hai năm nhưng ngay bản thân cô, nếu hỏi không khéo, P.A sẽ không trả lời. Về trường hợp của P.A, cô Đinh Thị Quý, Hiệu trưởng nhà trường còn cho biết thêm, lúc đầu, khi P.A vào lớp 1, giáo viên trong trường đã rất ngạc nhiên vì em đi học muộn hơn một năm so với các bạn dù nhà ở rất gần trường. Nhưng khi hỏi thì gia đình lại nói do cháu về quê. Sau khi vào học một tháng, nhà trường thấy khả năng nhận thức của em chậm hơn rất nhiều so với các bạn trong lớp nên có mời gia đình lên trao đổi. Lúc đầu gia đình còn quanh co nhưng sau đó, cũng phải thừa nhận P.A gặp vấn đề về nhận thức. Đấy là đối với P.A, dù muộn nhưng dẫu sao gia đình cũng đã chấp nhận sự thực. Nhưng với T.T.T, học sinh lớp 2 của trường thì gia đình hoàn toàn phủ nhận. Cô Nguyễn Thị Việt Phương, chủ nhiệm lớp của T. cho biết T. hầu như không nói, học toán rất tốt nhưng ngôn ngữ rất kém. Nhưng điều cơ bản là gia đình hoàn toàn phủ nhận việc T. đang gặp vấn đề về nhận thức và giao tiếp. Thậm chí, mẹ của T. còn khẳng định với cô Phương là về nhà con nói rất nhiều và sinh hoạt bình thường. Nhưng có một điều may mắn là bà của T. từng là giáo viên trong trường nên các cô thường phải tác động qua bà để phối hợp với gia đình giúp đỡ T.
Không chỉ có T., hay P.A gia đình không chấp nhận sự thật về con em mình mà theo cô Quý, ở trường có tới 7 em (cả tăng động và tự kỷ) thì chỉ có một, hai em được sự ủng hộ, hậu thuẫn của gia đình, những em còn lại, gia đình
đều không thừa nhận. Điều này theo cô Quý thực sự khó khăn. Bởi giáo dục trẻ bị tăng động, hoặc tự kỷ rất cần sự chung tay của gia đình và bác sĩ, nếu không sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
Nơi tình thương bắt đầu
Lớp học của P.A có trên 40 bạn. Dù lớn tuổi nhất nhưng P.A luôn được coi là “em út” trong lớp và nhận được mọi sự giúp đỡ từ các bạn. Trong giờ học, luôn có một bạn  ngồi bên cạnh để cùng P.A đọc bài. Giờ nghỉ giải lao, cô Hương luôn cho P.A ra sân chơi cùng các bạn. Đó là cách để P.A có thể hòa đồng với các bạn. Nhưng dù cố gắng thì P.A vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Bởi về toán, em hầu như không biết số nào, bảng chữ cái cũng chỉ thuộc được 5 chữ đơn giản nhất. Nhưng đó cũng là những nỗ lực không mệt mỏi của cô Hương và các thầy cô trong trường. Không chỉ giúp P.A học, những ngày đầu, mọi sinh hoạt cá nhân của em đều phải dựa vào giáo viên chủ nhiệm. Cô Hương cho biết, em không nói nên cô chỉ có thể nhận biết tín hiệu của em từ hành động tự nhiên đang ngồi trong lớp em đứng lên hoặc có “mùi lạ”. Rồi dần dần, “căn” giờ để cho em đi vệ sinh. Dù được dặn dò từng li từng tí nhưng nếu thấy đi  ra ngoài lâu lâu là cô Hương lại phải đi xem tình hình thế nào. Chuyện lau rửa cho P.A là công việc cô làm thường xuyên. Không kêu ca, không phàn nàn. Bởi cô cũng có con nhỏ trước khi bước vào nghề nên cô hiểu, cô thương những đứa trò nhỏ của mình. Dù nhà P.A sát trường, buổi trưa P.A vẫn ăn bán trú. Nhưng cô không nghĩ đó là mình thêm gánh nặng mà là thêm niềm vui bởi P.A có cơ hội được ăn, ngủ cùng bạn, thêm cơ hội để nói chuyện. Thật lạ, những học sinh khác thì cô luôn muốn các em phải trật tự, nhưng với P.A, cô lại muốn em nói nhiều, muốn được nghe em nói.
Với T. cũng thế. Cô Việt Phương luôn dành nhiều thời gian cho T. hơn. Vốn từ của T. rất hạn chế, do đó, trong giờ học, T. luôn được cô gọi lên trả bài. Bài mới nhưng cô luôn giảng từ dễ đến khó. Không chỉ khả năng ngôn ngữ kém, khả năng vận động của T. cũng không tốt. T. thường xuyên bị ngã. Do đó cô luôn phải “để mắt” đến T. kể cả giờ giải lao.
Vất vả, không được sự đồng thuận của gia đình, nhưng đối với những giáo viên như cô Hương, cô Phương, các lớp học hòa nhập luôn là cơ hội rất tốt để cho những học sinh như P.A, T. có cơ hội phát triển bình thường. Phương pháp dạy của các cô chỉ là lấy bệnh án của cháu từ bác sĩ để xem ứng dụng gì được trong giờ học. Quan tâm tới trẻ sâu hơn, sống cùng với trẻ. Các cô cũng chưa một lần được tập huấn để xem dạy trẻ tự kỷ thì phải như thế nào. Nhưng P.A hay T. đều đã tiến bộ. Chỉ đơn giản có thế, các giáo viên đã thành công.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)