Một tiết học Anh văn của sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Ảnh: N.H |
Không chỉ thực hiện đối với các trường phổ thông mà Đề án ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2010-2020 còn “vươn” tới cả các trường ĐH. Có như vậy, việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam mới thông suốt và hy vọng sinh viên Việt sau khi ra trường không bị “ngọng” ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng giống như đối với các trường phổ thông, việc dạy ngoại ngữ trong các trường ĐH cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Đủ thứ khó khăn
Theo mục tiêu mà Đề án ngoại ngữ quốc gia đặt ra đối với các trường ĐH thì đến năm 2020, các ngành học không chuyên ngữ, sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ. Đối với các ngành chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp CĐ phải đạt trình độ bậc 4, tốt nghiệp ĐH phải đạt trình độ bậc 5 đồng thời được đào tạo ngoại ngữ 2 đạt trình độ bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ… Trước đó, đến năm 2015, 100% đội ngũ giảng viên ngoại ngữ được đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm và 100% các cơ sở giáo dục ĐH đều có các phòng học tiếng nước ngoài, có phòng nghe nhìn, phòng đa phương tiện và có các trang thiết bị thiết yếu đảm bảo đáp ứng cho việc dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, các trường và lãnh đạo Bộ GD-ĐT đều nhận định, để đạt được mục tiêu này là điều rất khó khăn. Hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường ĐH còn nhiều hạn chế. Theo TS. Dương Bạch Nhật, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Duy Tân, việc dạy học ngoại ngữ tại Trường ĐH Duy Tân gặp khó khăn trước hết do sinh viên khi vào ĐH có trình độ ngoại ngữ rất khác nhau và kỹ năng nghe – nói – viết luận của các em kém. Theo TS. Dương Bạch Nhật, các bộ giáo trình cấp II và III đều được biên soạn công phu gồm 4 kỹ năng nhưng do các bài kiểm tra giữa và cuối kỳ, thậm chí cả thi tốt nghiệp và thi ĐH đều chỉ tập trung vào bài đọc hiểu và viết câu, ngữ pháp nên học sinh không có nhu cầu luyện tập các kỹ năng nghe – nói – viết. Thêm nữa, sinh viên còn không quen phát âm – ngữ điệu, không quen phong cách giao tiếp của người nước ngoài; ít vốn từ vựng; ít nắm được cấu trúc câu trong tiếng Anh; lạm dụng các công cụ hỗ trợ mà chưa chủ động tư duy; chưa quen phương pháp học tập… Bên cạnh khó khăn từ phía sinh viên còn có khó khăn từ phía giảng viên, tài liệu giảng dạy và trang thiết bị hỗ trợ dạy học… Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường ĐH trong việc dạy và học ngoại ngữ. Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định qua hai năm thực hiện đề án, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông còn yếu, chỉ khoảng 10% đạt yêu cầu. Điều này cho thấy cần nhìn nhận lại trách nhiệm của các trường ĐH đào tạo ra giáo viên dạy ngoại ngữ, trước hết là môn tiếng Anh. Hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường ĐH còn nhiều hạn chế. Đó cũng là nhận định của rất nhiều chuyên gia. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận Thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho rằng, thực tế dạy và học ngoại ngữ trong các trường ĐH chưa hiệu quả, thời lượng khung dạy ngoại ngữ chưa nhiều, ngoại ngữ vẫn được dạy như một môn kiến thức chứ không phải môn kỹ năng, phương pháp dạy học chưa lấy người học làm trung tâm. Quá trình dạy và học chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi, tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch. Cách giảng dạy trong các cơ sở đào tạo còn chưa hiệu quả, dạy nhiều lý thuyết mà bỏ quên phần luyện tập, quá chú trọng văn bản mà bỏ quên ngôn ngữ bản địa. Giáo viên tiếng Anh từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều người không có năng lực sư phạm. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học, chưa có phần mềm phù hợp…
Sẽ đổi mới trong năm 2012
Để đề án có thể đi được tới đích, ngay từ 2012, hàng loạt các công việc sẽ được triển khai như: Thành lập khoa đào tạo ngoại ngữ ở những trường ĐH, CĐ đủ điều kiện; phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ CĐ, ĐH ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL, Đông Nam bộ; xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút người tham gia dạy ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo; xây dựng và ban hành các chính sách đầu tư, các tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ; xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh 15 môn của một số ngành; mở các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ sư phạm ngoại ngữ… Từ năm học 2011-2012 sẽ triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho khoảng 10% số sinh viên CĐ, ĐH; 60% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2019-2020. Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, chúng ta phải bắt đầu từ việc đánh giá hiện trạng và nhìn thẳng vào sự thật. Sau đó là xây dựng đề án đổi mới dạy và học ngoại ngữ cho các đối tượng trong trường; đặt ra mục tiêu và lộ trình thích hợp; có các chế độ, chính sách khuyến khích. Cùng với đó, tìm các nguồn lực cho đề án của trường… Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, để thực hiện thành công đề án, phải giải quyết được khâu giáo viên với năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học. Việc thực hiện không thể đồng loạt mà phải có giai đoạn quá độ, tuy nhiên, cái chính yếu quyết định sự thành công chính là vai trò chủ động từ phía các nhà trường.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)