Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chở chữ trên đôi chân khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

 

Toàn thân teo cơ từ nhỏ, hai chân bị liệt không thể di chuyển nhưng Chu Quang Đức đã vượt lên nỗi đau da cam, trở thành thầy giáo được nhiều học sinh và đồng nghiệp khâm phục, yêu mến.

Thầy Chu Quang Đức dạy học sinh tại trường THPT Mê Linh – Ảnh Chinhphu.vn

Khi chúng tôi đến, thầy giáo Chu Quang Đức đang cần mẫn dạy chữ trên chiếc xe lăn cho các em học sinh ở trường THPT Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

“Tự cứu lấy mình”
Trực tiếp dự một giờ dạy học, chúng tôi mới cảm nhận được sự nhiệt tình và tác phong chuyên nghiệp trong công việc của người thầy 28 tuổi này.
Anh cho biết, năm lên 4 tuổi, anh bị teo cơ toàn thân, hai chân bị liệt, không thể đi lại được do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha.
 Lúc đó, anh chỉ biết đặt đâu ngồi đó, mọi hoạt động đều cần đến sự giúp đỡ của người thân. Những lúc bệnh tật hành hạ, toàn thân anh đau nhức đến thấu xương. Gia đình đã đem anh đi chữa trị ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ những tất cả đều vô vọng.
Mặc cảm về bản thân, nhiều đêm anh khóc trong cô đơn và tuyệt vọng. Không đầu hàng số phận, chính trong lúc đau khổ nhất của cuộc đời, khát vọng được sống, được cống hiến lại bùng cháy trong anh mạnh mẽ.
“Nhìn bố mẹ vất vả chăm sóc tôi hàng ngày, tôi nghĩ, nếu mình buông xuôi số phận thì chỉ mang lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Phải tự cứu lấy mình, phải trở thành người có ích, tôi luôn tự nhủ”, thầy Đức nói.
Năm 1993, Chu Quang Đức mới bắt đầu đi học khi đã lên 10 tuổi. Việc học tập của anh cũng không hề dễ dàng chút nào. Chỉ riêng việc đơn giản là cầm bút để viết đối với anh cũng thật nặng nề và khó nhọc. Đôi tay bị teo cơ mền yếu và cong queo nên vừa mới viết được vài chữ chiếc bút lại rơi ngay khỏi tay. Sau một năm vất vả rèn luyện, anh mới có thể cầm bút.
12 năm học phổ thông cũng là gần ấy năm anh phải chống chọi những cơn đau đớn hành hạ mỗi ngày. Thế nhưng chính ý chí và nghị lực phi thường đã giúp anh vượt qua những gian khó và khổ đau của bệnh tật. Suốt những năm học phổ thông, anh đều là học sinh giỏi và tiên tiến.
Năm 2005, anh trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại, anh được nhận vào giảng dạy tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chiến tranh Thành phố Hà Nội. Sự nghiệp trồng người của anh cũng bắt đầu từ đây.
Gieo chữ trên chiếc xe lăn
Những ngày đầu đứng trên mục giảng, anh gặp không ít khó khăn, thử thách, bởi học sinh là các em khiếm khuyết, bị nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ. “Mình cũng là nạn nhân chất độc da cam nên mình hiểu được nỗi đau của các em. Mình dạy bảo các em bằng cả trái tim và sự nhiệt huyết với mong muốn truyền ngọn lửa tinh thần để các em vượt qua sự bất hạnh của số phận”, thầy Đức tâm sự.
Khi trường THPT Mê Linh thi tuyển giáo viên dạy tin học, anh nộp hồ sơ và trúng tuyển. Từ tháng 10/2010, anh trở thành giáo viên chính thức.
Hình ảnh một người thầy teo cơ toàn thân, nằm lọt thỏm trong chiếc xe lăn, đôi tay cong queo những vẫn miệt mài lên lớp mỗi ngày đã khiến nhiều học sinh và thầy cô ở trường THPT Mê Linh cảm động và nể phục.
Em Trần Thị Hương học sinh lớp 11A7 không giấu nổi niềm xúc động khi nói về người thầy của mình: “Thầy Đức không chỉ nhiệt tình dạy bảo học sinh mà còn trở thành tấm gương về ý chí và nghị lực vượt lên để em và các bạn noi theo”.
Với những thành tích nổi bật của mình, tháng 7/2011, anh đã được chọn là một trong những đại biểu của Thành phố Hà Nội tham dự  Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc nạn nhân chất độc da cam. Anh cũng được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” tổ chức vào tháng 10 vừa qua.
“Điều quan trọng là các bạn phải tin vào bản thân mình, nhất là những người khuyết tật phải vượt qua mọi gian nan, thử thách để thực hiện cho bằng được ước mơ của mình”, thầy Đức nói.
Theo Nguyễn Thắng
 

(Chinhphu.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)