Công tác chấm thi tuyển sinh đại học (TSĐH) 2010 đã kết thúc. Đề thi và đáp án môn Ngữ văn năm nay được đánh giá cao vì hay, theo hướng đổi mới, phát huy được năng lực của thí sinh (TS), chống học vẹt, học tủ, văn mẫu… Thế nhưng, tất cả các trường đều cho biết, điểm số năm nay sẽ thấp.
|
Các thí sinh tham dự thi đại học vừa qua – Ảnh : Minh Đức |
Vẫn còn không ít những bài văn ngô nghê của các cô tú cậu tú mà khi đọc, giám khảo (GK) phải cười ra nước mắt. Một GK chấm thi TSĐH môn Ngữ văn tại TP.HCM đã ghi nhận lại một số đoạn trong bài làm của TS qua bài viết dưới đây.
Thanh Thảo yêu… cô gái di-gan
Có lẽ nhà thơ Thanh Thảo sẽ hết sức ngạc nhiên khi đọc được bài làm của một TS viết về ông và bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca: “Thanh Thảo sang Tây Ban Nha thi đấu bò tót gặp cô gái Di-gan man dại và yêu tha thiết, khi về được cô ấy tặng cây đàn bọt nước màu nâu nên về đến nhà ông nhớ da diết viết bài thơ này. Chỉ cần hai câu “tiếng ghi ta nâu – bầu trời cô gái ấy” nói hết chuyện đó, đọc vào là hiểu liền…”.
Một TS tỏ ra bài bản khi dẫn câu thơ đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” và bình luận: “Cây đàn gắn với Thanh Thảo nên khi chết tiếc chôn theo luôn làm kỷ vật, đó là ước muốn không chỉ riêng gì Thanh Thảo mà của bất cứ ai có vật gì gắn với mình, nhưng đâu phải cái gì cũng chôn được, giả tỉ thầy cô đi dạy chết chỉ chôn cây viết, cục phấn chứ làm sao chôn tấm bảng theo được, chỗ đâu mà chôn?…”.
Có TS thật thà: “Thầy của em nói bài thơ này hay lắm, em ráng nghe theo nhưng nói thiệt là em hổng hiểu gì hết, chỉ nhìn vào hình thức đã thấy sai chính tả vì đầu câu mà chẳng viết hoa, rồi thơ câu dài câu ngắn khó học thuộc quá nên làm sao mà hay được? Trả bài ở lớp hai lần bài này không thuộc mà giờ lại ra đề thi làm sao biết mà làm?”.
Một TS khác, có lẽ yêu bóng đá và hâm mộ đội bóng xứ sở bò tót nên chỉ viết vỏn vẹn “Tây Ban Nha vô địch!!!” trong bài làm cảm nhận về ba đoạn thơ của Thanh Thảo.
Chí Phèo và Hộ còn khổ hơn chị Dậu
Chính Bá Kiến đã tàn phá hết công lực của Chí Phèo nên anh chàng lực sĩ khỏe mạnh như con trâu tốt của làng Vũ Đại ra tù trở thành anh Chí tàn phế võ công, không ăn gì nổi chỉ thích ăn vạ…”; “Chí Phèo và Đời thừa là hai tác phẩm sử thi lãng mạn anh hùng tiêu biểu nhất của Nam Cao, nhờ đó mà ông đạt giải Nô-ben đầu tiên trong làng thơ ca thế giới”; “Chí Phèo khổ mới chịu ăn cháo hành chứ những thanh niên khác của làng Vũ Đại thì chỉ ăn cháo nghêu, cháo tôm…
Ghi nhận của một giám khảo chấm thi tuyển sinh đại học năm 2010 môn Ngữ văn tại TP.HCM.
|
Đó là khẳng định trong một bài làm của sĩ tử khi cảm nhận về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ. TS này viết: “Trước khi đọc Chí Phèo và Đời thừa em cứ nghĩ trong xã hội chị Dậu là người khổ nhất vì chị bán bầy chó và bầy con vẫn không đủ tiền nộp thuế cho chồng và chuộc người đã chết. Nhưng khi học xong hết em mới rút ra một kinh nghiệm hết sức bổ ích là Phèo và Hộ còn khổ hơn Dậu vì không có gì để bán nên Chí Phèo đi bán cháo hành, Hộ làm nhà văn mà chẳng viết được tác phẩm nào phải đi phụ vợ bán nước, rồi chuyện cơm áo đè lên khiến anh phải bán luôn cái ấm trong khi nước đầy và hãy còn ấm trên bếp… Thử hỏi có ai trong chúng ta khổ hơn không chứ?…”. Bài làm này còn hào hứng đi vào phân tích cách thức… nấu cháo hành “…Muốn nấu cháo hành thì phải có gạo, có nước, có nồi, có bếp mà hồi đó toàn dùng bếp củi làm gì có bếp ga bếp điện như bây giờ nên phải có củi, đặc biệt cháo hành thì hiển nhiên thứ vật dụng không thể không cho vào nồi cháo là hành…”.
Hoàn cảnh và địa điểm gặp gỡ của Chí Phèo và Thị Nở được TS “sáng tạo” đến bất ngờ: “Chí Phèo thấy Thị Nở trôi dạt trên chiếc thuyền nhỏ, ghé mắt vào nhìn thấy nàng nằm tênh hênh trống hoác có gì thôi thúc như là tình yêu. Họ ăn nằm với nhau lênh đênh trên biển qua đêm. Sáng tỉnh dậy Thị Nở thấy Chí Phèo mệt đừ, nằm co ro một chỗ… Không đẹp bằng chị bằng em nhưng Nở dịu dàng, chăm sóc Chí Phèo chu đáo khiến anh xúc động khóc. Thấy vậy Thị Nở mần liền mấy món ngon đãi nhưng Chí Phèo chọn ngay tô cháo hành vì từ hồi nào tới giờ ở tù đâu được ăn cháo hành nên ai chưa ăn thì không biết nó ngon cỡ nào…”.
Muôn kiểu “ngạc nhiên”
Cách trả lời các câu hỏi trong đề thi của TS đã khiến GK “đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”, như cách nói của một GK chấm chung với chúng tôi. Xin liệt kê ra đây vài dẫn chứng minh họa: “…chính Bá Kiến đã tàn phá hết công lực của Chí Phèo nên anh chàng lực sĩ khỏe mạnh như con trâu tốt của làng Vũ Đại ra tù trở thành anh Chí tàn phế võ công, không ăn gì nổi chỉ thích ăn vạ…”; “Chí Phèo ra tù đến thẳng nhà Bá Tra đòi nợ…”; “Chí Phèo và Đời thừa là một tác phẩm sử thi lãng mạn anh hùng tiêu biểu nhất của Nam Cao, nhờ đó mà ông đạt giải Nô-ben đầu tiên trong làng thơ ca thế giới…”; “Người lái đò sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế Tây Tiến dài tám năm của Nguyễn Tuân!". Nhiều TS không ngại ngần gì khi xếp cả Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nam Cao… là “cây bút tiêu biểu của phong trào Thơ mới” (!)
Hai đoạn thơ khá hay của Hàn Mặc Tử và Huy Cận được TS cảm nhận thật… độc “…Năm ngoái cô giáo bảo rằng Huy Cận buồn khi ngắm cảnh sông Đà mênh mông sóng biếc. Sau hai năm miệt mài nghiên cứu em thấy cô chưa chắc đã đúng. Khi đọc hai câu thơ “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa – Lòng quê dợn dợn vời con nước” thì thấy rõ Huy Cận đang ngắm chim nghiêng và con nước chứ có ngắm cảnh đâu? Huy Cận phải vận hết công lực mới nhìn thấy được vì chim nhỏ, ở rất xa, bay nghiêng chứ không bay đứng, chiều tối mịt mù thì làm sao thấy?… Hàn Mặc Tử buồn vì cô gái chèo thuyền trên sông Hương mà không biết là ai, có phải người yêu năm cũ không (thuyền ai đậu bến sông trăng đó?), Huy Cận thì buồn vì thấy chim nghiêng khi chiều khuất bóng. Một bên buồn vì con người một bên buồn vì động vật thì đâu có gì giống nhau ngoài chữ buồn…”.
TS khác thì bảo rằng “hai nhà thơ có điểm giống nhau là cùng đi chinh chiến xa nhà, nhìn cái gì cũng nhớ quê hương, nhất là nhớ người yêu. Huy Cận hóa thân vào cánh chim bay về phương Bắc xây tổ yêu thương, Hàn Mặc Tử ví mình như ánh trăng soi sáng trên bầu trời đêm trở về dòng sông tìm người con gái hò hẹn…”.
Các GK nhận định, so với những năm trước, năm nay TS viết sai chính tả có ít hơn nhưng việc dùng từ sai, viết câu què câu cụt, diễn đạt rối rắm dây cà ra dây muống, không nắm nội dung tác phẩm tăng đáng kể. Không hiểu nổi học hành kiểu ấy mà sao các sĩ tử này đi qua trót lọt 12 lớp, có trong tay tấm bằng tú tài để bước chân vào phòng thi TSĐH?
Đi tìm nguyên nhân
Cần khẳng định ngay rằng đây là một bộ phận (mà là bộ phận đáng kể chứ không phải nhỏ) TS không biết viết chữ, không biết đặt câu chứ đừng nói chi đến dựng đoạn, làm văn; kiến thức thì trống rỗng… Tại sao lại có những “sản phẩm” kỳ quái ấy? Rõ ràng, những bài làm như trên không phải chỉ thể hiện trình độ non kém mà ở cả ý thức trách nhiệm đối với bộ môn, tinh thần thái độ học tập của mỗi TS.
Một HS yếu nhưng nếu có cố gắng, có tinh thần học tập thì có thể bài làm thiếu ý, chưa hay chứ chắc chắn không đến nỗi bịa đặt, lan man như vậy được. Một thầy giáo có trên 40 năm gắn với giảng đường ĐH nhận xét, rất có thể đó là bài làm của những TS tự do, vì bỏ lâu nên kiến thức rơi rụng dần. Cũng có người bảo, đây là những HS vùng sâu vùng xa ít có điều kiện học tập và tiếp cận sách tham khảo nên không đảm bảo kiến thức.
Hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành TP.HCM, đã nghỉ hưu, lại cho rằng HS vùng sâu vùng xa nếu đã học đến lớp 12 thì đa phần là có chí, sẽ rất hiếm xảy ra hiện tượng này, những lỗi ngớ ngẩn đó chính là của đám con nhà giàu không lo học, chỉ chơi bời lêu lổng. Cũng có thầy cô là GK nhiều năm kết luận: không ít em không thích thi ĐH nhưng bị gia đình ép buộc nên không đầu tư, vào làm bài phải nói nhăng nói cuội thôi! Một TS đã bộc bạch ngay trong bài thi những tâm sự “em biết mình có làm bài cũng không đậu vì không có khả năng, không thích thi đại học nhưng cả nhà bảo phải thi nên không dám cãi…”.
Có người cho rằng, lối dạy và học văn, cách kiểm tra thi cử như lâu nay đã khiến cho HS quen với đọc chép, học thuộc lòng, học vẹt, văn mẫu, mất tính sáng tạo, chây lười suy nghĩ. Nay đột ngột thay đổi theo hướng mới một chút là TS “chết đứng”! Có người bảo, nội dung chương trình quá nặng, HS học nhiều nên bị bão hòa. Nhiều người còn quy trách nhiệm cho tinh thần, thái độ học tập, sự quan tâm đầu tư của TS đối với môn học được xem là “nhân học” này còn quá kém…
Cho dù có thế nào thì ngành giáo dục cũng không thể không sớm xem lại cách dạy và học môn Văn hiện nay, đừng để cứ đến hẹn lại lên, đến mùa thi là lại gặp vô số những bài văn ngô nghê như thế. Chịu trách nhiệm lớn nhất về “hiệu quả giáo dục” đó không thể là các em học sinh.
Nhà giáo HIẾU HẠNH
(Giám khảo chấm thi TSĐH môn Ngữ văn tại TP.HCM)
Theo Báo Phụ nữ TP.HCM
Bình luận (0)