Từ nhiều năm nay, nhất là từ sau 2007, khi Việt nam chính thức tham gia WTO, kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn. Các ngành khối kinh tế liên tục thu hút số thí sinh dự thi Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) hàng năm. Theo thống kê đến hết ngày 17/4/2012, tỷ lệ thí sinh thi vào khối ngành kinh tế tiêu biểu là Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng,.. có tỷ lệ áp đảo so với khối ngành khác. Lý giải về điều này có những nguyên nhân sau:
Lý do chọn ngành kinh tế
1. Sau 20 năm đổi mới và mở cửa, các ngành dịch vụ, thương mại có tốc độ phát triển nhanh, thu hút lượng lớn nguồn nhân lực. Ngoài ra với mức thu nhập cao trong giai đoạn cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000, khối nhân viên cổ trắng (white collar) trong ngành tài chính, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng,,..luôn là ước mơ của rất nhiều học sinh lớp 12.
Th.s Trần Thanh Hải |
2. Các ngành này thu hút nhiều học sinh nữ, vốn chiếm tỷ lệ cao trong khối học sinh trung học (THPT). Bên cạnh đó, khối học sinh nam, muốn có nghề nghiệp thời thượng, theo đàn anh, đàn chị những thập kỷ trước, cũng muốn nối nghiệp. Ngoài ra, sự ‘sạch sẽ’ trong những ngành này còn sự hấp dẫn của các nam sinh.
3. Khối thi vào các ngành kinh tế hiện nay được các trường đang áp dụng phổ biến là khối A và D, được thi 2 đợt khác ngày nhau. Trong khi đó, khối ngành công nghệ chỉ chọn được khối A, thi có 1 đợt.
4. Các chương trình sau ĐH khối ngành kinh tế như MBA, MA,…có sẵn và rất đa dạng từ trong nước đến quốc tế. Do vậy rất nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp khối ngành kinh tế dễ dàng theo học MBA hơn SV ngành công nghệ theo học ngành này (phải học bổ sung nhiều môn hơn,…).
5. Các chương trình du học bán phần tại Việt Nam từ các nước trong khu vực hay các quốc gia có nền công nghệ mạnh như Mỹ, Châu âu, …cũng tập trung phần lớn trong khối ngành kinh tế.
6. Trình độ cập nhật kiến thức quốc tế của khối ngành kinh tế nhanh hơn khối ngành công nghệ; trang bị thực hành của khối ngành này cũng không đòi hỏi quá tốn kém. Từ đó việc liên thông ĐH, sau ĐH với các trường ĐH lớn trên thế giới rất dễ hơn khối ngành công nghệ khi việc cập nhật kiến thức và trang thiết bị khối ngành công nghệ thường ‘hụt hơi’ so với mặt bằng của khối ngành kinh tế.
7. Học khối ngành kinh tế còn có khả năng kiếm việc làm dễ hơn trong các cơ quan quản lý hành chính sự nghiệp ‘hot’ như Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Thuế, Hải quan, Tài nguyên Môi trường, …hay các Ban quản lý dự án (PMU) vốn cũng đòi hỏi lượng lớn kỹ sư kinh tế, quản lý dự án đầu tư đáng kể.
Những hệ quả
Qua khảo sát của các doanh nghiệp ngành tài chính-chứng khoán-ngân hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy:
1. Nhu cầu chọn lựa nhân sự các ngành này đòi hỏi rất khắt khe về kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, ngoài những kiến thức được trang bị tại các trường. Cụ thể thường các nhân viên mới tốt nghiệp ĐH, CĐ chỉ được giao một nhiệm vụ cụ thể trong khâu, chuổi công việc của doanh nghiệp như làm nhân viên kế toán thanh toán (ngành kế toán); nhân viên giao dịch khách hàng (ngành quản trị kinh doanh); nhân viên tư vấn-thẩm định (ngành Tài chính-Ngân hàng); làm nhân viên bán hàng (ngành marketing/quản trị kinh doanh),…Việc học ‘tổng hợp’ nhưng khi làm việc chỉ làm 1 khâu công việc nhưng chủ doanh nghiệp đòi hỏi ở mức độ chuyên sâu, do đó không ít ‘cử nhân tài năng’ bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc vì khả năng thích ứng công việc không cao. Bên cạnh đó trình độ vi tính văn phòng (word, excel, powerpoint, internet,…) còn yếu; tiếng Anh để đọc –hiểu những tài liệu thông thường hay tra cứu thông tin trên mạng còn hạn chế. Theo thống kê chưa đầy đủ, không dưới 20% bỏ việc ngay trong giai đoạn này.
2. SV mới tốt nghiệp ĐH, CĐ, đặc biệt là các ĐH tốp trên của khối ngành kinh tế như ĐH Kinh tế, Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia), Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân Hà nội,…cũng thường rất ‘chảnh’ khi chọn công việc. Thông thường chủ doanh nghiệp hay thủ trưởng không dễ dàng giao những công việc quan trọng, có tính bí mật cho nhân viên mới. Do vậy, trong thời gian đầu các tân cử nhân những ĐH top trên này thường rất dễ chán nản, hay bi quan về môi trường làm việc với cơ quan đơn vị, và đôi khi với Thủ trưởng. Các em này thường so sánh và nghĩ rằng mình phải làm được cái này, cái kia trong cơ quan, đơn vị. Từ tâm lý này, các em SV mới ra trường từ các ĐH lớn hay có tâm lý trông núi này, núi nọ, rồi so sánh. Các em này không biết là thủ trưởng đang quan sát khả năng hoàn thành và thích ứng công việc, thái độ làm việc để cất nhắc sau này,…và vô tình (hay cố ý) nếu các em chểnh mảng công việc, nói xấu cơ quan, đồng nghiệp kết cục bị sa thải là dễ hiểu.
3. Ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh. Do đó các kiến thức học ở trường rất dễ bị lạc hậu nếu không biết tự đào tạo. SV tốt nghiệp ngành kinh tế, nếu không biết tự đào tạo, thường dễ dàng bị thay thế bởi các tân SV đàn em chỉ trong giai đoạn 2-3 năm!
Từ những lý do trên cho kết quả là tỷ lệ bỏ việc, làm trái ngành nghề trong khối ngành kinh tế là không nhỏ. Điều này dẫn đến lãng phí công sức người học, gia đình, nhà trường, và xã hội.
Định hướng tương lai cho chính mình !
Việc học sinh tập trung vào khối ngành kinh tế là một đặc trưng của giới trẻ hiện nay. Các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục cần nhìn thẳng vào thực trạng, lợi thế cạnh tranh của thế hệ trẻ để định hướng cho con em mình, dự kiến theo các hướng:
Công tác hướng nghiệp trước hết phải xuất phát từ sở thích, năng khiếu của các em học sinh. Việc bồi dưỡng và hướng nghiệp phải xuất phát từ sự yêu thích, khả năng học hỏi, tiếp thu từ tất cả các môn học ở bậc phổ thông hơn là chỉ định hướng ngành này ‘chọi nhiều hay chọi ít”!.
Các cơ sở đào tạo khối ngành kinh tế cần nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khối ngành kinh tế, chất lượng chủ yếu đến từ người Thầy. Có người Thầy tốt, có trình độ, tận tâm thì SV sẽ có bài giảng tốt, phương pháp truyền đạt sinh động, kiến thức thực tế phong phú, kiến thức hàn lâm vững chắc,….Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nên tăng cường khả năng tin học và tiếng Anh cho SV khối ngành này cũng tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho SV tốt nghiệp. Một khi đã có người Thầy giỏi cùng tiếng Anh và vi tính giỏi, các cử nhân khối ngành kinh tế sẽ khó sợ thất nghiệp vì nhu cầu hiện còn rất lớn cả ở trong nước, khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo của các Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu lao động qua đào tạo của khối ngành kinh tế là gần 15 triệu vào năm 2020, trong khi đó cùng thời điểm này thì khối ngành xây dựng cần xấp xỉ 5 triệu và ngành nông, lâm ngư nghiệp là 13 triệu người.
Cuối cùng, ông bà ta có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cho thấy rằng các em học sinh nên cố gắng học lấy 1 nghề cho thành thạo, tránh đăng ký học theo phong trào hay không xuất phát từ năng lực và sở thích nội tại.
Trần Thanh Hải
Th.S, NCS Tiến sỹ ĐH Illinois, Chicago, Hoa kỳ
Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính-Chứng khoán TP.HCM
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn đông, TP.HCM
Bình luận (0)