Tỷ lệ thất thoát nước sạch tại TP.HCM thuộc hàng cao nhất cả nước – cứ 10 lít nước cung cấp ra thì mất trắng gần 4 lít. Điều vô lý là phần lớn thất thoát này người dân phải gánh chịu.
Thi công lắp đặt các đồng hồ tổng kiểm soát thất thoát nước tại giao lộ Trần Hưng Đạo – Hồ Hảo Hớn (Q.1) Ảnh: Văn Hải |
Mỗi ngày “trôi” gần 3 tỉ đồng
Theo Tổng công ty TNHH một thành viên cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hệ thống cấp nước của đơn vị này hiện có tổng công suất hơn 1,5 triệu m3/ngày nhưng thất thoát là 38,45%, tức mỗi ngày có gần 590.000m3 nước bị thất thoát. Nếu tính theo đơn giá thấp nhất hiện nay là 4.800 đồng/m3 nước sinh hoạt thì mỗi ngày TP.HCM để "trôi" mất gần 3 tỉ đồng, tương đương con số thất thoát 1.000 tỉ đồng/năm.
Theo Sawaco, bên cạnh tình trạng vỡ đường ống do thi công các công trình ngầm, đấu nối bất hợp pháp, gian lận trong sử dụng nước…, thì nguyên nhân chính là hệ thống đường ống quá cũ, gây rò rỉ và dễ vỡ (chiếm hơn 90% lượng nước thất thoát). Hiện TP có 3.350 km đường ống, trong đó hơn 700 km sử dụng trên 30 năm nên nhiều đoạn đã bị mục. Vì vậy, chỉ cần tăng áp lực nước là đường ống dễ dàng bị vỡ, dẫn đến thất thoát nước. Đơn cử, khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức tăng công suất từ 100.000 m3/ngày lên 300.000 m3/ngày đã tăng đáng kể lượng nước cung cấp cho TP, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng áp lực lên mạng lưới cấp nước, khiến nhiều ống bị vỡ, mất nhiều nước hơn.
Trong khi đó, công tác chống thất thoát nước hiện còn rất chậm, mỗi năm chỉ giảm được khoảng 1%. “Các nước trên thế giới đều ý thức đầu tư cho công tác chống thất thoát nước, trong đó đáng lưu ý là thu hút tư nhân tham gia. Chẳng hạn, trong vòng 10 năm từ 1999 đến 2009, TP Manila (Philippines) đã giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 54% xuống còn 18%. Trong khi tại TP.HCM, cũng ngần ấy thời gian, tỷ lệ này tăng từ 34% lên 42%, và đến nay, sau nhiều năm cũng chỉ giảm được khoảng 3%” – ông Đặng Văn Khoa – nguyên đại biểu HĐND TP.HCM dẫn chứng.
Dân “gánh”
|
Theo ông Khoa, điều bất hợp lý là phần lớn tỷ lệ thất thoát (29%) được tính vào giá thành để buộc người tiêu dùng phải “gánh”. Phần thất thoát còn lại được bù đắp bởi chi phí của Sawaco song bản chất vẫn là tiền ngân sách, là tài sản chung của xã hội. Vì cho phép được tính phần thất thoát vào giá thành nên ngành cấp nước thường chọn tăng giá nước hơn tập trung nguồn lực để kéo giảm thất thoát.
Trong lộ trình tăng giá nước từ 2010 – 2013 và sắp tới là đề án tăng giá nước giai đoạn 2014 – 2018, ngoài chi phí sản xuất, vận hành…, chúng ta thấy bóng dáng của con số thất thoát nước ở mức cao. “Sẽ là bất công nếu cứ tiếp tục bắt người dân phải gánh chịu những tổn thất, lãng phí thuộc về trách nhiệm của ngành cấp nước bằng cách đưa thẳng phần thất thoát vào giá thành” – ông Khoa nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Long – nguyên Giám đốc Công ty xây dựng cấp thoát nước số 2 (Bộ Xây dựng) – góp ý nên có sự khống chế mức trần tỷ lệ thất thoát được tính vào giá thành nhằm tạo động lực cho ngành cấp nước kéo giảm thất thoát.
Chẳng hạn, hiện nay được tính 29% tỷ lệ thất thoát vào giá thành nhưng cần đặt lộ trình giảm dần còn 25%, 20% trong một vài năm tới. Hiện nay quỹ lương của cán bộ, công nhân viên ngành cấp nước TP.HCM được tính dựa theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, đồng nghĩa với khi giá nước tăng thì lương cũng tăng. Chưa kể, đẩy giá nước lên cao sẽ có thêm khoản giá để bù vào lượng nước thất thoát mà không đòi hỏi tốn quá nhiều thời gian, công sức.
Điều này có thể tạo nên tình trạng thiếu động lực, thiếu trách nhiệm trong công tác chống thất thoát nước. Do đó, TP cần hết sức cân nhắc trước đề xuất tăng giá của ngành cấp nước. Một khi không được tăng giá, thu nhập bị giảm, chắc chắn Sawaco sẽ phải nỗ lực hơn trong việc kéo giảm chi phí đầu vào – trong đó có tỷ lệ thất thoát.
Phương Thanh
Theo TNO
Bình luận (0)