Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hồ Xuân Hương đang bị “bôi dơ”

Tạp Chí Giáo Dục

Nói một cách ví von thì hồ Xuân Hương chính là “trái tim” điều tiết khí hậu, sinh thái của thành phố Đà Lạt. Thế nhưng giờ đây thắng cảnh này đang bị “bôi dơ”, ngày càng có nguy cơ ô nhiễm hơn.
Với diện tích mặt hồ trải rộng trên 32ha, dung tích 0,72 triệu m3 nước, hồ Xuân Hương được bao quanh bởi chu vi 5,5km với cỏ xanh và những hàng thông tuyệt đẹp. Từ năm 2005, hiện tượng tảo nở hoa hay sự bùng nổ của tảo độc như một cơn ác mộng đối với thắng cảnh này.
Ô nhiễm bủa vây hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương không phải là hồ nước đọng mà luôn được cung cấp nước bởi những dòng suối, con mương bắt nguồn từ thượng nguồn đổ về với tổng lưu vực trải rộng trên 2.800ha, sau đó nước đổ ra thác Cam Ly. Các nguồn nước này đi qua vùng sản xuất nông nghiệp, khu dân cư và cuốn về mọi thứ chất thải ô nhiễm khiến hồ Xuân Hương thành một “túi” chứa nước ô nhiễm khổng lồ giữa TP Đà Lạt.
Diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), trên địa bàn hiện có trên 22.000ha rừng, trong đó có gần 15.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Mặc dù diện tích rừng của thành phố Đà Lạt tăng trên 170ha so với năm năm trước, nhưng ngược lại diện tích và chất lượng của rừng tự nhiên lại suy giảm nghiêm trọng, với tổng diện tích bị phát phá và lấn chiếm lên đến 250ha.
Đáng chú ý trong tổng số 431ha rừng thông nội ô do Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt quản lý, hiện chỉ còn 284ha, mất 147ha trong 10 năm qua.
Từ cầu Sắt, chúng tôi đi ngược lên khu hồ lắng số một được xây dựng trên nhánh suối Cam Ly. Đây là khu vực dẫn nước về hồ Xuân Hương lớn nhất. Hai bên bờ nhánh suối Cam Ly là khu dân cư xen lẫn những vườn rau bạt ngàn.
Trái với hình ảnh xanh mướt của những vườn rau, nước dưới nhánh suối Cam Ly lại nhờ nhờ xanh và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đi sâu hơn nữa, chúng tôi bắt gặp cống rãnh, con nương nước từ khu dân cư thuộc phường 8, 9 (TP Đà Lạt) đổ thẳng ra suối Cam Ly.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở P.9), đang nhổ cỏ bên vườn dâu vứt thẳng xuống con mương trước mặt, kể hồi trước nơi này nhiều cá nhưng rồi ô nhiễm giờ không còn gì. Chị Hoa vô tư phân trần ô nhiễm là do từ đầu nguồn chứ còn chị “mỗi tuần xịt thuốc có hai lần” sao mà ô nhiễm!
Tại khu vực hồ lắng thứ hai nằm trên nhánh suối thuộc địa phận ấp Hồng Lạc, giữa đoạn đầu đường Yersin và Phạm Hồng Thái, dòng nước cũng nhờ nhờ đen đang đổ vào hồ Xuân Hương. Đây là khu dân cư đông đúc nhất thuộc phường 9, 10, 12… và cũng là khu vực canh tác rau, hoa lớn nhất gần hồ.
Ngoài ra, những khu dân cư trên nhánh suối khu vực đường Bùi Thị Xuân, hồ Đội Có thuộc địa phận phường 1, 2, 3 cũng như phía sau công viên hoa… cũng là tác nhân gây ô nhiễm.
Giải pháp căn cơ
Theo ThS Hoàng Khánh Hòa, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, hiện có khoảng 75.000 người sống và sinh hoạt xung quanh lưu vực hồ Xuân Hương nên một năm phát sinh gần 300 tấn nitơ và 60 tấn phốtpho. Theo ông Hòa, đây chính là nguồn ô nhiễm dinh dưỡng tiềm tàng, nếu không kiểm soát chất thải sinh hoạt tốt thì không thể khống chế được quá trình tích lũy cặn lắng và chất dinh dưỡng làm cho tảo phát triển mạnh. Đây là một trong những cảnh báo tại hội thảo “Các giải pháp xử lý bền vững ô nhiễm hồ Xuân Hương” được tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại Đà Lạt.
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Trần Hương Giang – khoa môi trường Trường đại học Đà Lạt – đề xuất giải pháp trước mắt là cần cải tạo để nâng cao công năng cho bốn hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương này bằng công nghệ đất ngập nước kiến tạo. Có nghĩa tại vị trí bốn hồ lắng này sẽ được xây dựng và cải tạo thành những khu đất ngập nước như trong môi trường tự nhiên để sau đó trồng những loại cây thực vật thủy sinh để trở thành những trạm xử lý nước thải theo công nghệ đất ngập nước kiến tạo trước khi chúng đổ xuống hồ Xuân Hương.
Thế nhưng theo ông Lương Văn Ngữ, phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng: “Nếu muốn khắc phục ô nhiễm của hồ Xuân Hương thì phải giải quyết được ô nhiễm của nguồn nước từ phía thượng nguồn trước khi đổ về hồ”.
ĐỨC THUYÊN – QUANG SÁNG
Hồ Xuân Hương – thắng cảnh của Đà Lạt – đang bị ô nhiễm – Ảnh: QUANG SÁNG
Kết quả quan trắc mới nhất của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng cho thấy nguồn nước hồ Xuân Hương đang bị ô nhiễm nặng: Có đến 18/20 mẫu quan trắc vượt quy định của quy chuẩn VN từ 1,5 – 6 lần cho phép.
Hiện tại các nguồn nước thải trực tiếp dẫn đến hồ Xuân Hương gồm: nguồn nước thải từ sân golf khu vực đồi Cù; từ khu vực dân cư Bùi Thị Xuân và nhà máy nước cũ, nước thải từ cống lớn cạnh công viên hoa Đà Lạt; nước thải từ cống nhỏ, từ khu vực cầu sắt, khu vực ngã năm Trần Quốc Toản – Thống Nhất – Hồ Tùng Mậu…
 Ngoài ra còn có các nguồn nước thải xả trực tiếp vào hồ Xuân Hương: nhà hàng Thanh Thủy, nhà hàng Thủy Tạ, khách sạn Hương Trà, khách sạn Du lịch Công Đoàn và một số khách sạn trên đường Lê Thị Hồng Gấm…
Theo TTO

Bình luận (0)