Mỗi lần kết thúc năm học cũ, chuẩn bị năm học mới là nhà trường lại tổng kết và phát động thi đua. Chúng ta phải nhận thức và thực hiện như thế nào để phong trào thi đua có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực trong nhà trường? Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) xung quanh vấn đề này. Ông Minh nói:
Theo TS. Huỳnh Công Minh, thi đua là phong trào để mọi thành viên trong nhà trường đem hết khả năng của mình cùng thúc đẩy lẫn nhau để dạy tốt và học tốt (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
– Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: “Thi đua là cùng nhau đưa hết khả năng ra làm nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong một hoạt động nào đó”.
Thật vậy, thi đua trong nhà trường là phong trào để mọi thành viên nhà trường đem hết khả năng của mình cùng thúc đẩy lẫn nhau để dạy tốt và học tốt. Đây là phong trào có giá trị lịch sử, xuyên suốt trong từng giai đoạn thời gian từ trong kháng chiến gian khổ đến lúc thanh bình, vượt bao khó khăn thử thách để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà không ngừng phát triển.
Nhưng cũng chính thi đua, nếu người tổ chức không nhận thức đúng và không thực hiện một cách tinh tế và khoa học, sẽ dễ dẫn đến những tác hại khôn lường! Thi đua không phải cho chỉ bản thân mà cho tập thể đơn vị, “tác động lẫn nhau” để cùng phát triển… Không làm đúng theo định hướng tôn chỉ này, tính tự tôn cá nhân phát triển, đố kỵ ghen ghét trong quan hệ đồng nghiệp hình thành, sự đối phó hình thức phát sinh. Trường học một số nước, đặc biệt là Phần Lan không đánh giá thi đua, họ cho rằng khen người này là gián tiếp coi thường người khác, tạo ra tâm lý thua cuộc, tự ti, mặc cảm trong nhiều người!
PV: Như vậy thì nhận thức và tổ chức thi đua như thế nào cho đúng trong nhà trường, thưa ông?
– Như trên đã đề cập, thi đua là “cùng nhau” đưa hết khả năng ra làm nhằm thúc đẩy “lẫn nhau” đạt thành tích tốt nhất, không phải làm một mình, hưởng thành tích một mình, thậm chí tranh công của người khác! Nên nhận thức thi đua phải xuyên suốt trong toàn thể đơn vị là tôn vinh những người có ảnh hưởng thật sự cho phong trào chung được tập thể tín nhiệm, cảm phục!
Trong thực tế, có những nhà giáo rất tâm huyết, luôn miệt mài học tập, nghiên cứu sáng tạo trong sự đam mê yêu nghề, yêu trẻ sâu sắc, họ có sức thuyết phục đặc biệt với đồng nghiệp, là nhân tố cốt lõi chất lượng cho hoạt động chuyên môn của nhà trường. Đó chính là những người mà phong trào thi đua hướng tới tôn vinh. Họ làm chỉ vì yêu nghề, yêu trẻ, vì lương tâm, trách nhiệm và vì danh dự của tập thể nhà trường không phải vì danh hiệu thi đua!
Về mặt tổ chức thực hiện, nhà trường cần dựa trên những yếu tố tâm lý vốn có của nhà giáo mà khắc phục hiệu quả những giải pháp hành chính không phù hợp. Như có trường hợp rất xuất sắc, được tập thể tôn vinh trong năm học nhưng cuối năm không được xét tặng danh hiệu thi đua vì đầu năm người ấy không đăng ký! Người am hiểu về ý nghĩa của thi đua họ còn mong muốn cấp quản lý phải đánh giá được công sức và hiệu quả của cộng sự trong suốt năm học mà không cần yêu cầu người được tôn vinh phải tự báo cáo thành tích của mình! Bên cạnh đó, chuẩn mực phấn đấu phải rõ ràng, cụ thể, khả thi; phương thức đánh giá phải khoa học, biện chứng, thuyết phục; người đánh giá phải khách quan, không định kiến, đố kỵ, am hiểu quá trình lao động và có năng lực nghiệm thu kết quả đạt được của quá trình lao động ấy. Ở đó, sức lan tỏa trong đơn vị của người được tôn vinh là tiêu chí quan trọng nhất.
Ông có nhận xét gì về phong trào thi đua hiện nay trong nhà trường?
– Với đặc điểm của môi trường sư phạm vốn có, hoạt động thi đua trong nhà trường nhiều năm qua đã đi vào nề nếp và chất lượng, đã thúc đẩy đội ngũ sư phạm nhà trường vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vấn đề cần quan tâm khắc phục hiện nay là ở một số đơn vị, cán bộ quản lý chưa chú ý chỉ đạo phong trào thi đua đúng mức, còn nặng tính hành chính, chưa thuyết phục được đội ngũ. Tiêu chí đánh giá còn chung chung, thiếu cụ thể; phương thức đánh giá thiếu khoa học, nặng cảm tính; người đánh giá chưa có cái nhìn toàn diện, chưa quan tâm đầy đủ đến các mối quan hệ tương quan!
Một nhà trường như thế nào sẽ được đánh giá là tổ chức phong trào thi đua tốt, thưa ông?
– Thi đua là cùng nhau làm tốt, thúc đẩy lẫn nhau phát triển tốt nhất, nên tổ chức phong trào thi đua tốt là nhà trường có tập thể sư phạm đoàn kết ra sức dạy và học tốt nhất. Mỗi nhân tố được tôn vinh trong phong trào thi đua của nhà trường là những người được tập thể mến phục thật sự có tác động lan tỏa thúc đẩy tiến bộ. Và, những chuẩn mực tôn vinh là những giá trị văn hóa, là yêu cầu phấn đấu một cách tự giác của mọi thành viên nhà trường. Mọi người đều biết trân trọng những thành quả của nhau dù thành quả ấy là nhỏ nhất.
Có ý kiến cho rằng chính phong trào thi đua đã tạo nên chủ nghĩa thành tích và sự mất đoàn kết trong nhà trường! Vì vậy không nên tổ chức thi đua nữa. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
– Tôn vinh những giá trị cao quý trong cuộc sống là nhu cầu cần có của con người, thi đua là một hoạt động tôn vinh cần có đó. Vấn đề là phương thức tổ chức tôn vinh như thế nào cho chính xác, xứng đáng và thuyết phục. Ý kiến đề xuất bỏ thi đua nói trên là phản ánh một thực tế tổ chức thi đua chưa tốt, cần phải nghiêm túc khắc phục để phong trào thi đua phát triển đúng mục đích và ý nghĩa của nó.
Cũng có ý kiến cho rằng tham gia phong trào thi đua là sự tự nguyện, xuất phát từ sự vận động lẫn nhau, tại sao chủ tịch hội đồng thi đua nhà trường là hiệu trưởng không phải là chủ tịch công đoàn?
Có ý kiến cho rằng giá trị thưởng trong nhà trường thường quá nhỏ nên khó phát động phong trào thi đua, có khi không bằng 1% giá trị phần thưởng của một gameshow. – Tất nhiên, nếu giá trị thưởng có điều kiện cao hơn thì tốt hơn, như giải “Viên phấn vàng” được Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng từ năm học 1996-1997 và phát triển thành giải “Võ Trường Toản” sau này. Nhưng chúng ta không thể so sánh danh hiệu thi đua trong nhà trường với gameshow được, vì danh hiệu thi đua trong nhà trường gắn bó chặt chẽ với quá trình hành nghề, xác định đẳng cấp của cán bộ quản lý, của giáo viên và nhân viên. |
– Đúng là như vậy, thi đua là một cuộc vận động nên thường chủ tịch công đoàn là người phát động. Nhưng khi điều hành việc đánh giá khen thưởng phải là người hiệu trưởng vì với cương vị thủ trưởng nhà trường, người hiệu trưởng có chức năng quản lý toàn diện, đủ điều kiện để thực thi nhiệm vụ quan trọng này một cách thuận lợi.
Ở một khía cạnh khác, tầm quan trọng cũng không kém là sự sâu sát ghi nhận tâm tư tình cảm của đội ngũ từ các tổ công đoàn cơ sở để cho ý kiến có ý nghĩa quyết định trong hội đồng thi đua với tư cách là phó chủ tịch hội đồng thi đua) của chủ tịch công đoàn cơ sở nhà trường.
Trong nhà trường có những người có danh hiệu thi đua nhưng không được mọi người nể phục, ngược lại có người rất được nể phục nhưng không có danh hiệu thi đua. Thực tế ấy là do đâu, thưa ông?
– Đây là hệ quả của việc tổ chức thi đua chưa đạt yêu cầu, xuất phát từ việc tôn vinh trong thi đua chưa đúng đối tượng do nể nang trong đánh giá; do không quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, không vận động mọi người tham gia đầy đủ, nhất là những người xứng đáng được tập thể tín nhiệm.
Trong hội nghị tuyên dương khen thưởng, số người được thưởng thường là cán bộ quản lý nhiều hơn giáo viên, nhân viên. Có ý kiến bảo đó là hội nghị “quan thi đua” chứ không phải hội nghị “chiến sĩ thi đua”. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
– Đây là ý kiến cần làm rõ giữa tiêu chí thi đua của cán bộ quản lý và tiêu chí thi đua của giáo viên, nhân viên. Chúng ta thường nhầm lẫn, lấy tiêu chí giáo viên, nhân viên để đánh giá cán bộ quản lý nên có tình trạng nói trên.
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)