Giáo viên Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh) tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh có con chuẩn bị tốt nghiệp THCS |
Các năm gần đây, hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, theo ThS. Phạm Đăng Khoa (Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), hoạt động này vẫn còn một số hạn chế.
Rộng nhưng chưa sâu
Hoạt động GDHN hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ở một số trường chỉ xem đây là hoạt động phụ.
Khi được hỏi về sự quan tâm của cán bộ quản lý GD đối với hoạt động GDHN, có 67,5% ý kiến (có 120 cán bộ quản lý ở các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố được hỏi ý kiến – PV) bày tỏ mức độ là nhiều và rất nhiều; 6,2% cho là ít hoặc rất ít quan tâm. Nhận thức của họ về hoạt động này cũng khác nhau, 99,6% cho rằng có ý nghĩa quan trọng và rất quan trọng, tạo điều kiện phân luồng hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội học tập. Tương tự, có 97,7% cho rằng GDHN tạo điều kiện để HS lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội một cách có ý thức… Tuy nhiên, còn một số ý kiến đánh giá thấp sự tồn tại của hoạt động này. Cụ thể, có 10,2% ý kiến cho rằng những hoạt động này có ý nghĩa bình thường trong việc giáo dục HS có thái độ đúng đắn, góp phần giáo dục toàn diện các em; 0,7% nghĩ là không quan trọng trong việc phân luồng HS.
Hiện nay, phương thức tổ chức thực hiện hoạt động GDHN đã được hầu hết các trường làm đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, hoạt động này ở mức độ khác nhau. Có các nội dung nhà trường thường xuyên tổ chức như giảng dạy bộ môn hoạt động GDHN (66,7%), thành lập phòng tư vấn tâm lý hướng nghiệp tại trường (59%), phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp (54,3%)…
Các trường đã huy động mọi lực lượng tham gia, trong đó tỷ lệ tham gia của hiệu trưởng là 57,3%; giáo viên chủ nhiệm là 65%; giáo viên bộ môn là 91,8%; giáo viên môn nghề phổ thông là 66,7%… Ngoài ra, nhà trường có phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS là 84,1%; hội cựu HS là 89,6%; các trường ĐH, CĐ là 79,3%, các trường TCCN, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp của quận là 69,6%… Mặc dù huy động được đông đảo lực lượng tham gia hoạt động hướng nghiệp nhưng hiện các trường vẫn còn thiếu giáo viên chuyên trách công tác GDHN (47,7%) nên có phần hạn chế trong chuyên môn làm ảnh hưởng không ít đến hiệu quả hoạt động.
Cần có những biện pháp quản lý cụ thể
Từ những mặt mạnh cũng như các hạn chế trên khiến HS ở một số trường chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc định hướng nghề nghiệp. Vì thế nhà trường cần có những biện pháp cụ thể trong quản lý hoạt động này. Rất nhiều cán bộ quản lý GD cho rằng, biện pháp đẩy mạnh dự báo nhu cầu phát triển nhân lực của thành phố và cả nước, thông tin thường xuyên đến HS là điều rất cần thiết (62,9%) và khả thi (67,8%). Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội – ĐH không phải là con đường duy nhất đi đến thành công, tránh tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ cũng được đánh là rất cấp thiết (50,7%) và khả thi (62,1%). Biện pháp xây dựng nội dung GDHN riêng cho TP.HCM, tập trung giới thiệu những ngành nghề mũi nhọn theo nhu cầu nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020 được nhận xét rất cấp thiết (51,5%), đem lại hiệu quả khả thi cao (97,6%). Giải pháp đa dạng hóa các loại hình trường lớp, phát triển mạnh hơn loại hình trường trung học nghề, trường TCCN là cần thiết (53,7%) và khả thi 74,7%). Và để hoạt động này có hướng khả quan, cần hoàn thiện chính sách quốc gia về GDHN và xây dựng bộ máy tổ chức, quản lý GDHN tại mỗi trường THPT. Đồng thời, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy này….
Minh Châu (ghi)
Bình luận (0)