Sự kiện giáo dụcTin tức

Khối ngành văn hóa nghệ thuật: Các trường muốn được thi môn văn đề riêng

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ giải lao của thí sinh thi vào khối thi ngành VHNT năm 2011 tại TP.HCM

Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, khối các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) có ý kiến nên bỏ thi môn văn hoặc cho các trường thi môn văn theo đề riêng.
Nghệ sĩ cũng phải có phông văn hóa
PGS.TS Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, cho biết từ năm 2009, khi Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường VHNT thi chung đề môn văn với các trường ĐH khác thì ở trường cũng có hiện tượng thí sinh đỗ năng khiếu thì trượt văn, ngược lại đỗ văn thì trượt năng khiếu. Trong khi đối với những trường này, yêu cầu năng khiếu là vô cùng quan trọng. Ông Hiệp đề nghị bộ bỏ thi  môn văn với các trường khối VHNT. Ngược với quan điểm này, NGƯT.NS Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH VHNT Quân đội, cho rằng không thể bỏ thi môn văn đối với các trường VHNT. Bởi môn văn rất quan trọng, có thể điểm sàn thấp hơn so với các ngành khác nhưng không thể bỏ, mặt bằng văn hóa phải có. NS. Đức Trịnh cũng cho biết, thực tế ở trường ông, có tình trạng người có năng khiếu tốt nhưng trượt văn, người đạt điểm văn thì trượt năng khiếu. Điều này là đương nhiên. Nhưng dù sao thì vẫn phải có mặt bằng về văn hóa mặc dù điểm sàn văn hóa của khối VHNT bao giờ cũng thấp. Tuy nhiên, ông Trịnh cho rằng số thí sinh bị trượt do môn văn không nhiều. Nó không thay đổi cục diện. Bởi điểm sàn văn hóa của các trường văn hóa không cao.
“Tóm lại, tôi thấy việc thi này cũng hơi hình thức. Vì các trường VHNT đa số lấy điểm văn không cao. Nói thật, đối với các trường VHNT, để có điểm văn khá là hơi hiếm”, ông Trịnh nói.
Cần đề thi riêng
Làm thế nào để các trường VHNT vừa tuyển được những thí sinh có năng khiếu đồng thời phải có phông văn hóa nhất định? Đây là một câu hỏi khó. NGƯT.NS Đức Trịnh cho biết ở Trung Quốc hay một số nước khác, họ tổ chức thi năng khiếu trước, thí sinh nào qua thì mới kiểm tra văn hóa. Giống như thi khối V ở Trường ĐH Xây dựng như hiện nay, thí sinh phải qua bài điều kiện vẽ thì mới được tiếp tục thi các môn còn lại. Giải pháp này, theo ông Trịnh là hợp lý, không thiệt cho thí sinh, họ có thời gian để lựa chọn khối thi khác nếu thi năng khiếu không đỗ. Còn như hiện nay, ở các trường nghệ thuật, thí sinh thi văn hóa trước rồi tiếp tục thi năng khiếu. Do đó nếu trượt, thí sinh rất mất công và có nguy cơ trắng tay vì không còn trường nào tuyển.
Do đó, ông Trịnh đề nghị nếu được thì các trường VHNT sẽ tổ chức thi năng khiếu trước còn văn hóa sẽ thi cùng đợt với các trường ĐH khác. Ông Trịnh cũng đưa thêm giải pháp, đó là bộ nên cho các trường VHNT thi đề môn văn riêng. Bởi sinh viên học VHNT ra không phải để trở thành nhà văn hay giáo viên dạy văn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội Nguyễn Văn Cương cũng kiến nghị, đối với các trường VHNT nên cho phép tuyển sinh đặc thù. Khi đó, các trường tự ra đề, tuyển sinh thành nhiều đợt, tuyển thẳng những sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp CĐ VHNT và những thí sinh đã lọt vào chung kết các cuộc thi nghệ thuật. Đồng ý với kiến nghị môn văn chỉ nên là môn điều kiện đối với thí sinh thi vào các trường nghệ thuật, nhưng Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa lại đánh giá, văn học có vai trò rất lớn không chỉ với khối nghệ thuật mà ở tất cả ngành. Ông Hòa giải thích, văn học từ xưa đã là nhân học, các nghệ sĩ đều là người giỏi văn và các ca khúc cũng được tạo nên từ ca từ. Nếu như chỉ tuyển sinh năng khiếu mà bỏ qua môn văn, học sinh không thể phát triển tốt bởi “viết không nên câu thì còn làm được gì?”.
“Thực tế ở Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, có những em đã thi vào được rồi nhưng trình độ môn văn vẫn rất tệ, viết cái đơn cũng không được nên chúng tôi phải dạy thêm môn tiếng Việt thực hành để các em viết được câu có đủ chủ vị”, ông Lê Hòa cho hay.
Trước ý kiến của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các trường. Bộ sẽ có buổi làm việc với các trường VHNT để thống nhất lại tất cả các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và cắt bỏ hệ trung cấp ở các trường ĐH.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
“Bộ GD-ĐT nên cho phép các trường nghệ thuật tuyển sinh theo hai hướng, hoặc là thi năng khiếu và xét điểm môn văn theo học bạ (với điều kiện phải làm tốt giáo dục phổ thông, điểm là thực chất). Cách khác là vẫn tổ chức thi môn văn nhưng đề thi có thể dễ hơn đề khối C bởi những ngành cần trình độ khác nhau thì đề thi không cần giống nhau”, ông Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương – đề xuất.

Bình luận (0)