Sự kiện giáo dụcTin tức

Thấy gì từ vụ clip tiêu cực tại Bắc Giang?

Tạp Chí Giáo Dục

Các thí sinh tại Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) đưa tài liệu cho nhau chép. Ảnh: I.T

Sau khi clip được xác định là của Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang), trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho rằng thấy bất ngờ và đáng tiếc khi điều đó xảy ra.
Có hay không tính hệ thống?
Nhưng dư luận băn khoăn không biết đó là sự bất ngờ thật hay chỉ là câu nói xã giao. Bởi, theo thông tin của báo chí, thì thí sinh (TS) quay clip cho biết không chỉ riêng môn hóa mà những môn khác đều thế và clip còn rất dài. Nếu theo đúng lời TS nói thì sẽ phải có nhiều hơn hai giám thị vi phạm quy chế thi tốt nghiệp. Thực tế, trong ba ngày thi của kì thi tốt nghiệp THPT, Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô cũng đón một đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang đến giám sát tình hình thi. Nhưng nhiều TS khẳng định: “Chúng em chỉ thấy xe biển xanh vào trường và được giám thị nhắc nhở: “Ngồi nghiêm túc, cất “phao” đi”. Sau đó, không thấy thanh tra nào lên các phòng, tình trạng mở bài, ném “phao” lại diễn ra”. Theo xác nhận của nhiều TS dự thi ở Hội đồng thi Đồi Ngô, trong suốt ba ngày thi, các học sinh đều xác nhận, “được thầy cô ném “phao” ba môn và được giám thị cho chép bài ba môn còn lại. Lúc đầu giờ, các giám thị tỏ ra nghiêm túc nhưng chỉ 10-15 phút sau TS có thể quay bài mà không bị nhắc nhở. Còn trong các buổi thi trắc nghiệm và toán, giám thị để mặc cán bộ của trường vào tận phòng thi đưa đáp án photo sẵn cho các TS. Những người vào ném “phao” thi cho chúng em là giáo viên, văn thư và kế toán của trường. Có cô giáo đến cuối giờ thi còn vào phòng thu lại đáp án photo vừa phát cho TS trước đó”.
Đặc biệt, điều quan trọng là clip được chuyển cho Đỗ Danh Ngọc, nguyên giáo viên dạy thể dục Trường THPT DL Đồi Ngô đã bị chấm dứt hợp đồng năm 2010 rồi thầy giáo này đưa cho thầy Đỗ Việt Khoa để chuyển lên Youtube.
Ngày 7-6, có mặt tại Bắc Giang, nhiều phóng viên các báo đã phải lắc đầu ngán ngẩm vì không có cách nào tiếp cận được với lãnh đạo Sở GD-ĐT và UBND tỉnh Bắc Giang. TS quay clip thì đã bị công an triệu tập, clip cũng đã bị tịch thu để phục vụ công tác điều tra.
Từ góc độ pháp lí
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2012, TS sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định tại điều 20 của quy chế trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau).
Đối với cán bộ coi thi, tham gia công tác thi sẽ bị đình chỉ công tác thi ngay sau khi bị phát hiện; đồng thời xử lý cảnh cáo đối với người có một trong các hành vi sai phạm như: Thiếu trách nhiệm khi coi thi, để cho thí sinh quay cóp, mang và sử dụng tài liệu, vật dụng trái phép trong phòng thi…
Đặc biệt, sẽ đình chỉ công tác thi ngay sau khi bị phát hiện, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào khu vực thi trong lúc đang thi hoặc trực tiếp giải bài cho thí sinh trong lúc đang thi; gian lận thi có tổ chức…
Dưới góc độ pháp lí, bà Lê Thị Diệp, Trưởng văn phòng Luật sư An Gia (Thanh Xuân, Hà Nội), cho rằng: Hành động của TS quay clip gửi cho báo chí chưa đủ yếu tố cấu thành tội. Đành rằng TS này có vi phạm quy chế thi, nhưng tại thời điểm này chúng ta nên tập trung vào việc xử lí những vi phạm, thiếu sót trong việc tổ chức thi cử. Nếu chúng ta xử lí TS đã quay clip này mà không xem xét sự việc trên nhiều phương diện, nhiều khía cạnh thì dễ làm cho xã hội hiểu lầm là trù dập người đã dũng cảm tố cáo. Đi ngược lại với phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Cùng quan điểm, luật sư Ngọc Lan (Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta nên áp dụng quy chế thi mà xử lí. Đồng thời cần phải làm rõ, động cơ TS này mang điện thoại vào phòng thi nhằm mục đích gì. Ở đây, tôi mới thấy báo chí đụng đến khía cạnh thu mà không thấy nói đến việc thí sinh này có phát nội dung đề thi ra ngoài không? Nếu chỉ thu, không phát, thì TS này mang máy vào phòng thi không phải nhằm mục đích gian lận thi cử. Vậy theo quy chế thi, chỉ cần nhắc nhở TS này là đủ. Riêng với Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô, các cơ quan điều tra phải xác minh, làm rõ liệu đây có phải là tổ chức làm bài thi không? Nếu là có tổ chức, tôi kiến nghị tăng hình phạt”.
“Xét về lí và tình, TS này vừa có công vừa có tội. Nếu được đánh giá về công và tội của TS này, tôi đánh giá công của em là 9 phần, tội chỉ là 1 phần. Trước công và tội trên của em thì nên chăng những người có trách nhiệm xử lí vụ việc nên coi đây là một bài học kinh nghiệm, chỉ cảnh cáo nhắc nhở em là cũng đủ để em nhận ra được phần vi phạm của mình và không để hành vi này có thể diễn ra trong những kì thi tới”, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói.
Góc nhìn giáo dục
Dưới góc nhìn giáo dục, GS. Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng), cho biết: “TS mang các phương tiện ghi hình vào phòng thi là vi phạm quy chế thi. Khi TS quay phim ở trong phòng thi như vậy là bản thân em thêm một lần vi phạm nữa. Không ai đánh giá hành động của TS quay clip trong phòng thi là đúng. Hai cái đó phải phân biệt, em vi phạm kỷ luật rồi lại cho rằng làm việc đó vì mục đích tốt đẹp thì không chấp nhận được. Quan điểm của tôi không ủng hộ cho việc bỏ qua vi phạm của TS quay clip. Chuyện chống tiêu cực có nhiều biện pháp chứ không thể dùng một biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực. Bởi nếu chúng ta chấp nhận hành động đó sẽ có nhiều người lợi dụng để vi phạm, xã hội sẽ không có kỷ cương. Không thể nói tôi vi phạm pháp luật để tôi chống tiêu cực được. Còn với những bài thi của TS hôm đó, chúng ta phải nghiên cứu phương án xử lí, không thể vì một vài người vi phạm mà ảnh hưởng đến quyền lợi số đông TS. Phòng thi đó khi chấm thi có thể có chế độ chấm bài đặc biệt. Nếu có nhiều bài trùng một cách bất thường, không tự nhiên, thì cần xử lí theo đúng quy chế như trừ điểm hoặc hủy kết quả bài thi”.
Với cương vị là người đứng đầu một trường THPT, PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Đây chỉ là hiện tượng chứ không phải đặc trưng, phổ biến của ngành giáo dục. Dù chỗ này chỗ kia đôi khi còn những vi phạm, học sinh hay giám thị không làm tròn trách nhiệm, đều phải bị xử lí. Theo quan sát, tôi thấy có vẻ đây là vụ gian lận thi cử có tổ chức, có kế hoạch từ trước. Vì trong video, có cảnh giám thị chỉ cho học sinh làm bài, cảnh giám thị đứng ngoài hành lang buôn chuyện để học sinh làm gì thì làm, cảnh giám thị ném bài vào. Trong khi đó, khuôn viên trường thi kín cổng cao tường, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vậy, tôi suy đoán đây là tiêu cực từ bên trong. Có một tổ chức tiêu cực trong phạm vi trường thi. Ngay trong nội bộ Hội đồng coi thi tại trường này, có người ngồi làm bài giải để đưa ra. Quan điểm của tôi ai sai phải xử, sai đến đâu sẽ phải xử lí đến đó. Em TS quay video kia, cho dù tự mang máy quay vào phòng hay được thầy giáo trong phòng đưa máy nhờ quay, theo quy định đều phải bị xử lí. Nhưng không nên nhấn mạnh về tiêu cực của TS đó. Vì nếu em ấy không thực hiện quay phim, chúng ta không thể phát hiện được sự gian lận nghiêm trọng này. Còn với  cán bộ, giáo viên vi phạm quy chế coi thi có thể phải chịu mức kỷ luật cao nhất là bị đuổi khỏi ngành.
Thiên Lam

Bình luận (0)