Năm 1992, trước sự phát triển nhanh của thành phố với nhiều khu dân cư mới xuất hiện, để đáp ứng nhu cầu chỗ học cho học sinh, UBND TP.HCM đã quyết định xây dựng mới một ngôi trường THPT trên địa bàn khu dân cư Bình Thới (Q.11). Đây là ngôi trường THPT đầu tiên được thành phố xây mới sau ngày giải phóng.
Trường được khởi công xây dựng ngày 2-5-1992 với tên trong dự án “Trường THPT Bình Thới”. Sau hơn một năm xây dựng, đến ngày 8-7-1993 trường xây dựng xong và đưa vào sử dụng đón học sinh khối 10 đầu tiên với tên gọi mới – Trường THPT Nguyễn Hiền – tên một danh nhân văn hóa. Mặc dù đã đưa vào sử dụng, nhưng phải sau mấy tháng sau các công trình phục vụ việc dạy và học mới hoàn thiện. Đến năm 2001, từ yêu cầu phải nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng việc nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời đưa qui mô nhà trường lên một bước, Trường THPT Nguyễn Hiền tiếp tục được đầu tư nâng cấp mở rộng qua việc xây thêm 2 dãy nhà mới và nhiều phòng chức năng phục vụ dạy và học (từ chỗ chỉ có 24 phòng học, sau khi nâng cấp trường có 40 phòng học và nhiều phòng thực hành, thí nghiệm, phòng học bộ môn…). Ra đời giữa một khu dân cư mới, nơi mà trước đây là nghĩa trang Nhị Tỳ (Quảng Đông) với đa số là dân lao động nghèo, sản xuất tiểu thủ công, có trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của thành phố; tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để xây dựng, phát triển nhà trường vững chắc, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục và từng bước khẳng định uy tín của nhà trường.
Năm học đầu tiên 1993-1994, trường chỉ tuyển được sáu lớp 10, chủ yếu là số học sinh còn sót lại sau khi các trường khác đã tuyển sinh. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ có 24 người với chi bộ gồm 3 đảng viên; các thầy cô giáo từ nhiều nơi khác chuyển về và nhiều thầy cô giáo là giáo sinh Đại học Sư phạm TP.HCM mới ra trường – trẻ trung và năng động, nhiệt huyết. Đến năm học 1995-1996 trường mới có đủ 3 khối lớp và kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên (1996), trường đã đạt kết quả khá tốt trong khu vực. Từ đó đến nay, dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường đã có những bước tiến vững chắc, tạo lập được uy tín với địa phương, với cha mẹ học sinh và cả với ngành. Tập thể sư phạm của trường là một khối đoàn kết, nhất trí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đội ngũ giáo viên luôn tận tâm và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm sâu sắc đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đồng thời đã đề ra kế hoạch phát triển nhà trường trong từng giai đoạn và dài hạn; chú trọng xây dựng đội ngũ nhằm đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ.
Nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, nhà trường thường xuyên chú trọng giáo dục nhận thức chính trị, hành vi, lối sống và xây dựng nhân cách cho học sinh; giáo dục cho học sinh có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, có tình cảm cao đẹp, đồng thời chống các thói hư tật xấu và coi đây là nền tảng để giúp học sinh học tập có kết quả cao giúp các em vững bước vào đời. Mặt khác, nhà trường luôn chú ý nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú ý đến việc cải tiến phương pháp giảng dạy và hướng dẫn học sinh phương pháp học tập, cách tự học… Đồng thời nhà trường luôn chú ý tăng cường cơ sở vật chất, các trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho việc dạy và học, chú ý xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp; tạo cảnh quan thân thiện để cả thầy và trò cùng có tình cảm tốt đẹp về ngôi trường của mình, về tập thể tràn đầy yêu thương mà mình đang cùng học tập và làm việc.
15 năm – một quãng thời gian chưa dài đối với một ngôi trường. Nhưng từ nơi đây, nhiều thế hệ học sinh đã học tập, rèn luyện và trưởng thành; nhiều học sinh của trường đang công tác ở nhiều ngành nghề, nhiều địa phương khác nhau, đồng thời đã và đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nước nhà. Nhìn lại 15 năm, tập thể sư phạm nhà trường đã lao động tích cực và không mệt mỏi; ngoài nhiệm vụ chung, nhà trường cũng đã có những đóng góp tích cực cho ngành, đặc biệt là trong quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa. Từ năm 2003, nhà trường được giao thực hiện thí điểm chương trình phân ban, đội ngũ sư phạm nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn để học tập, nghiên cứu và tổ chức giảng dạy có hiệu quả, rút ra nhiều bài học thực tiễn giúp Bộ GD-ĐT triển khai việc đổi mới chương trình SGK những năm gần đây; và cũng qua thử thách này, tay nghề của thầy, cô giáo đã được nâng lên một bước, nhiều thầy cô giáo của trường là nòng cốt của Sở GD-ĐT trong chương trình bồi dưỡng thay sách cho đội ngũ giáo viên thành phố.
Kỷ niệm 15 năm Ngày Truyền thống của trường, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hiền tràn đầy niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt vào tương lai, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. |
15 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Sở GD-ĐT, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm của chính quyền địa phương, của tập thể cha mẹ học sinh cùng sự nỗ lực hết mình của đội ngũ sư phạm, Trường THPT Nguyễn Hiền đã và đang có những bước tiến vững chắc; hiệu quả giáo dục ngày càng được nâng cao. Từ năm 2003, trường đã được Bộ GD-ĐT công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia (là trường THPT đầu tiên và duy nhất đạt chuẩn của TP.HCM cho tới thời điểm hiện nay). 15 năm, tập thể sư phạm nhà trường đã luôn phấn đấu không ngừng để vươn lên. Hai năm học vừa qua, nhà trường luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100 %; tỷ lệ trúng tuyển vào các trường ĐH và CĐ trên 60 %; tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng cao. Phát huy các kết quả đã đạt được, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hiền quyết tâm xây dựng một môi trường học tập tích cực, thân thiện và hiệu quả và viết tiếp những trang mới vẻ vang cho truyền thống nhà trường.
Lê Huy Cảnh
Bình luận (0)