Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc – chép?”: Môn hóa học: Xu hướng HS không thích thuộc lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Chia HS theo nhóm để thảo luận là một phương pháp dạy hay, giúp HS không nhàm chán, lớp học sinh động hơn. Ảnh: N.Anh

Theo tôi, nếu dạy bằng phương pháp đọc – chép thì sẽ làm mất khả năng tập trung của cả lớp học và làm cho HS thụ động, thiếu linh hoạt trong giờ học. Khi gặp kiến thức mới trong bài giảng (chủ yếu là phương pháp tính phản ứng) thì GV viết lên bảng nội dung quan trọng và hướng dẫn các em cách viết phương trình. Về tính chất hóa học, HS biết cấu tạo phương trình để nắm vững tính chất và đưa ra phương trình phản ứng. Nếu phương trình quen thì để các em tự viết còn nếu phương trình lạ, mới thì GV hướng dẫn viết từ từ. Đối với tính chất vật lý thì HS đọc trong SGK kết hợp với thí nghiệm biểu diễn sẽ có thêm kiến thức. Đối với môn học này, sau mỗi bài thường có thí nghiệm riêng và sau mỗi chương lại có một bài thí nghiệm tổng hợp. Kiến thức hóa học phải có thí nghiệm cụ thể chứ HS không thể tưởng tượng được. GV không thể đưa hết kiến thức từ SGK vào vở ghi các em mà chỉ cần nói ý chính. Chẳng thà ghi chép ít mà HS sẽ hiểu nhiều còn hơn GV nói nhiều mà HS không hiểu. Còn không phải ý chính, ý trọng tâm thì GV hướng dẫn cả lớp nghiên cứu thêm trong sách một cách cụ thể. Cũng có thể GV để HS tìm hiểu thêm những ý những phần các em thích, muốn đào sâu thêm để các em chủ động. Như thế HS sẽ nhớ lâu và khắc sâu kiến thức.
Muốn tiết học sinh động người thầy phải đưa ra các câu hỏi gợi mở và xoáy vào trọng tâm của bài (GV phải chuẩn bị lúc soạn giáo án). Điều đó sẽ giúp các em hiểu sâu hơn sau một tiết học. Bài dạy của GV cũng không thể bê-nguyên-xi SGK mà có thể thiết kế lại như phần nói trước có thể để lại nói sau và ngược lại. Bài nào ngắn, kiến thức đơn giản thì không cần kéo dài mà có thể rút ngắn lại để dành thời gian luyện bài tập rèn kỹ năng. Nếu kiến thức khó hiểu, phức tạp, bài dài thì GV chủ động kéo dài 2 tiết. Bài Axit-ni-tơ-ric ở lớp 11 do kiến thức mới và dài nên có thể GV kéo dài thêm thời gian vì HS tự làm bài tập không được. Riêng Ni-tơ thì dạy gọn lại vì bài đơn giản.
Để tránh đọc – chép, GV trả bài HS không nên dò thuộc lòng mà phải yêu cầu trình bày kiến thức gợi mở để phát huy khả năng tư duy ở người học. Tôi thường trả bài ngắn gọn, các em trả lời 1 câu chỉ 5 đến 7 từ nhất là HS khối 12. Vì thi cử theo hình thức trắc nghiệm, cần đáp án ngắn. Sau 1 tiết học phải hỏi HS học cái gì để các em thấy phần trọng tâm để học bài. Phương pháp học ít hiểu nhiều để từ đó tư duy kiến thức, vì những kiến thức hiểu đã được cô đọng rồi.
Nguyễn Thanh Phương (GV Trường THPT Hoàng Hoa Thám)

Chỉ cần ghi chép giống như một dàn bài

Một phương pháp truyền thụ kiến thức mới rất có hiệu quả là cho HS tự tìm hiểu rồi sau đó thuyết trình. HS bây giờ có kỹ năng giỏi, biết sử dụng phần mềm Power Point nên em nào cũng làm được theo hướng này. Tuy nhiên do HS hay “đi” lan man, kiến thức chắp vá rời rạc nên GV phải yêu cầu các em hệ thống lại để không ảnh hưởng tới thời gian. GV phải giúp HS tăng cường vận dụng, từ kiến thức sẵn có để vận dụng vào một bài và các bài khác. Nếu học thuộc mà không biết vận dụng thì cũng không thi được, đó là một nguyên tắc mà HS phải biết. GV chỉ cần hướng dẫn bước khởi đầu sau đó để các em tự tìm hiểu trao đổi qua lại lẫn nhau. Điều này khiến HS phải thật sự nỗ lực và tăng cường tự học. GV phải hướng dẫn các em tự học ở nhà để trải nghiệm thêm kiến thức tại lớp; phải biết biến cái hay của người khác thành cái hay của mình. Chương trình bộ môn là một chuỗi kiến thức từ lớp 8 đến 12, vì thế phải biết hệ thống hóa lại một cách khoa học vừa để tiết kiệm bộ nhớ và vừa không nhầm lẫn kiến thức giữa các phần. Mà cách hệ thống hóa phổ biến nhất là thể hiện qua sơ đồ như sơ đồ tác dụng của các chất.
Những năm gần đây môn hóa thi theo hình thức trắc nghiệm nên HS phải bám theo SGK để học, không cần phải ghi nhiều, ghi như một dàn bài là đủ. GV cũng phải kiểm tra vở ghi và vở bài tập của HS xem các em hiểu vấn đề như thế nào chứ không phải ghi nhiều hay ghi ít một cách đối phó.
Phần ứng dụng tuy không thi nhưng hữu ích và hấp dẫn nên GV cũng phải giới thiệu đầy đủ cho các em. Ví dụ: trong chương trình lớp 12 có bài Chất béo, GV nên giới thiệu các loại chất béo có trong đời sống, các chất đó được cấu tạo như thế nào? Tác hại và công dụng của chúng?… Qua các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH gần đây, chúng tôi thấy đề thi có nhiều phép tính. Vì thế HS phải rèn kỹ năng tính toán làm thế nào giải toán trắc nghiệm nhanh nhất? Biết suy luận để tính toán một cách ngắn gọn và chính xác nhất.
Trần Đình Hương (GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)