Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thiếu trầm trọng giáo viên dạy tiếng dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Với mục đích tăng cường tiếng Việt, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng lại vấp phải những cản trở từ thực tế.

Chỉ có 5% giáo viên là người dân tộc thiểu số
Bộ GDĐT vừa tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các giải pháp tăng cường tiếng Việt và giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”. Theo ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GDĐT đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số từ nhiều năm nay với các giải pháp như tích cực tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số mầm non trước khi vào lớp 1; biên soạn giáo trình, tài liệu riêng…
Từ năm học 2008-2009, Bộ GDĐT đã triển khai tại 6 tỉnh chương trình “Dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình của Trung tâm Công nghệ giáo dục”. Năm học 2010-2011, đã có 10 tỉnh được triển khai chương trình này. Ngoài ra, Bộ cũng tăng lượng tiết học bộ môn tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết; phối hợp với UNICEF thử nghiệm Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ từ mẫu giáo 5 tuổi đến hết lớp 5 ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh. Mục đích của chương trình nhằm trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số chưa học mẫu giáo vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói (nghe – hiểu).
Lớp học của học sinh dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy, việc triển khai chương trình này gặp rất nhiều khó khăn do quá thiếu giáo viên biết tiếng dân tộc. Ông Mông Ký Slay- Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ GDĐT cho biết, theo thống kê của Bộ GDĐT năm 2008, cả nước chỉ có 5% giáo viên là người dân tộc thiểu số, đa phần đều là người Kinh, trình độ tiếng dân tộc chỉ dừng mở mức độ giao tiếp chứ không thể dạy học được.
Khó khăn chồng  khó khăn
Lãnh đạo nhiều Sở GDĐT địa phương cho rằng, cần phải chú trọng đến việc phát triển giáo viên là người địa phương hoặc giáo viên đã giao tiếp tốt tiếng dân tộc. Tuy nhiên, với những địa bàn có nhiều dân tộc thì phải có giải pháp thế nào? Tại Cao Bằng có tới 23 dân tộc, 90% là dân tộc thiểu số, nếu giáo viên chỉ biết tiếng tiếng Tày, Nùng (chiếm đa số dân cư) thì sẽ dạy thế nào đối với học sinh thuộc các dân tộc khác như Sán Chỉ, Lô Lô? Tại các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Đắc Lắc, Yên Bái, Lai Châu…cũng có cùng thực trạng trên. Đây là khó khăn không nhỏ cho các địa phương khi triển khai chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh thiểu số.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra thực tế, tại khu vực vùng núi phía Bắc, 15 tỉnh có chất lượng giáo dục không đồng đều do chênh lệch về điều kiện kinh tế. Tại một số địa bàn vùng núi cao, vùng xa, nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng đến chương trình này nên chất lượng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số khá thấp, kéo theo sự đi xuống của chất lượng giáo dục. Mặc dù lãnh đạo Bộ GDĐT cũng như Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đều cho rằng, việc dùng tiếng mẹ đẻ để tăng cường tiếng Việt cho học sinh thiểu số là giải pháp khả thi, tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chương trình này, cần nhất là phải có sự kết hợp đồng bộ giữa ngành giáo dục và các địa phương. Đồng thời phải có đề án giáo dục giáo viên địa phương, dạy tiếng dân tộc cho giáo viên người Kinh và có lộ trình phù hợp với từng địa bàn.
Nguyên Minh / Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)