Đó là nhận định của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga về việc thực hiện quyết định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Từ tháng 2 đến tháng 8, các trường đại học phải trình phương án di dời ra khỏi trung tâm. Theo ông, có thể vay vốn ODA để di dời.
Có ý kiến cho rằng, tháng 3, Bộ GD&ĐT sẽ đi khảo sát?
Bộ mới chỉ tổ chức cho các trường tham gia xác định tiêu chí để di dời trường theo từng loại: trường có truyền thống, trường lớn, trường mới thành lập… Tuổi đời của trường, truyền thống đối với địa phương, số lượng sinh viên, số lượng giảng viên, diện tích mặt bằng… Mọi điều còn đang được thảo luận… Sau này chắc sẽ có cuộc họp chung để xác định tiêu chí chính thức.
Dự án xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc gần 10 năm vẫn ì ạch . Ảnh: Minh Tuấn
Phần lớn các trường đều muốn giữ lại khu đất vàng của mình ở trung tâm trong khi vẫn có cơ sở 2 ở khu mới?
Đúng là hầu hết các trường đều có nguyện vọng như vậy nhưng điều này còn tùy thuộc vào quy hoạch của các thành phố Hà Nội và TPHCM. Để di dời, các trường đều cần kinh phí xây dựng ở khu đất mới nên việc giữ lại đất cũ là một khó khăn.
Bộ GD&ĐT cũng có phương án cho những trường cần tiếp tục ở nội thành như ĐH Y (vì cần ở trung tâm và các bệnh viện), ĐH Bách khoa (do thiết bị nặng nề)… Với những trường di chuyển nhẹ nhàng hơn thì nên di dời để tập trung phát triển ở khu mới cho tốt.
Những trường phải di dời có được bán đất để lấy tiền xây dựng cơ ngơi mới không?
Điều này tùy thuộc kế hoạch của các địa phương và quy hoạch của Bộ Xây dựng. Bộ GD&ĐT chỉ quản lý về mặt nhà nước và làm thế nào để đảm bảo hoạt động giảng dạy và chất lượng giảng dạy trong khi di dời.
Ngành GD&ĐT có tính đến việc di dời ra xa thì không giữ được đội ngũ cán bộ của trường và giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong giai đoạn hậu di dời?
Chúng tôi không nghĩ có vấn đề này. Di dời là để phát triển. Giảng viên sẽ ý thức được về sự phát triển lâu dài của cơ quan mình công tác và sẵn sàng theo đuổi sự nghiệp của họ.
Có nhiều trường còn vướng mắc, Bộ GD&ĐT có biết không?
Phần lớn các trường đều có một mong muốn là điều kiện giao thông tốt hơn, ngành giao thông và địa phương sẽ tổ chức những phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt lớn để giảng viên và sinh viên di chuyển được thuận lợi, trong khi chờ đợi các khu mới phát triển thành những khu đại học hoàn thiện.
10 năm qua ĐHQG Hà Nội chưa làm được gì trên khu đất mới của mình. Từ câu chuyện này, có thể có bài học nào cho cuộc đại di dời sắp tới?
Việc huy động vốn khó khăn không chỉ ĐHQG Hà Nội; ĐH vùng Đà Nẵng cũng có khu 300 ha nhưng không giải phóng được mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng càng để lâu, giá đất cao lên thì càng khó giải phóng. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước là rất khó khăn.
Mấu chốt của vấn đề là phải giao đất sạch cho các trường và phải làm gấp. Như vậy, phải có nguồn vốn đủ lớn như quỹ di dời và xây dựng các trường ĐH, hoặc có thể vay vốn ODA nào đó để xây dựng luân phiên.
Chẳng hạn, có thể vay 1 tỷ USD để xây dựng một số trường rồi giải quyết cơ sở vật chất trong nội thành, thu hồi vốn và xây dựng trường mới khác… Nếu chỉ làm theo cách truyền thống bấy lâu nay là quy hoạch rồi để mặc các trường ĐH, CĐ và ngành GD&ĐT tự xoay sở thì sẽ bất khả thi, không xử lý được.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đang chờ Chính phủ phê duyệt, dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ di dời khoảng 70% trong tổng số 66 vạn sinh viên và học sinh chuyên nghiệp hiện nay ra khỏi khu vực nội thành cùng với phần lớn các trường đại học, cao đẳng.
Về dự án xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc gần chục năm qua vẫn chậm tiến độ, ông Chiến cho biết, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ quy hoạch Đại học Quốc gia tỷ lệ 1/2000 phù hợp với định hướng quy hoạch chung Thủ đô để làm cơ sở đầu tư, xây dựng sớm.
Minh Tuấn |
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)