Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu chuyện giáo dục: Có nên trả lương cho lớp trưởng?

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói trả lương cho lớp trưởng là một việc làm khá “độc đáo” từ trước tới nay chưa có trong lịch sử ngành giáo dục. Tất nhiên cơ sở giáo dục thực hiện “sáng kiến” này có đủ lý do để giãi bày và biện hộ. Riêng chúng tôi – những người dạy lâu năm – không nhất trí bởi nhiều lẽ. Trước hết lớp học không phải là một tổ chức đoàn thể càng không phải là cơ quan hành chính sự nghiệp. Vì vậy trả lương là việc làm không hợp lý có phần coi nặng vật chất, có tính thực dụng. Đội ngũ cán bộ lớp là một tổ chức tự quản, trong đó có lớp trưởng chịu trách nhiệm chung. Lớp trưởng chỉ là cầu nối giữa học sinh với giáo viên chủ nhiệm và ngược lại. Hàng ngày các em sinh hoạt với nhau có điều kiện gần gũi, hiểu biết nhau và cùng nhau quản lý về nhiều mặt để hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Có thể nói không ai hiểu các em bằng… các em. Do vậy ban cán sự lớp sẽ nối thêm tay thêm mắt cho giáo viên chủ nhiệm nhằm thúc đẩy mọi hoạt động của lớp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Việc trả lương cho lớp trưởng là một việc làm – chúng tôi cho rằng –  thiếu cân nhắc, hại nhiều hơn lợi. Trả lương cho lớp trưởng, vô tình ta dạy cho các em phải sòng phẳng, phải mặc cả có làm có hưởng. Đối với học sinh có nên như vậy không?
Thực ra còn có nhiều cách động viên khích lệ học sinh như biểu dương cán bộ lớp trong buổi sinh hoạt cuối tuần hay hiệu trưởng tuyên dương cán bộ lớp trong buổi chào cờ đầu tuần… Hơn nữa lớp trưởng cũng như ban cán sự lớp trong quá trình “tập làm quản lý” cũng là dịp để các em rèn luyện nhân cách, đến với các thử thách về lãnh đạo, tập dượt các khả năng bao quát, quan sát, nắm bắt sự việc, nhận định đánh giá… Đồng thời qua đó các em rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng, khúc chiết trước tập thể nhỏ. Như vậy không chỉ có tập thể lớp tiến bộ mà các thành viên ban cán sự lớp cũng trưởng thành.
Trả lương cho lớp trưởng là một việc làm tưởng như bình thường song dễ gây mất đoàn kết trong học sinh. Được trả lương lớp trưởng sẽ thấy mình trở thành nhân vật quan trọng, người có khả năng uy quyền dễ sinh ra thói tự mãn, vẻ ta đây dễ coi thường các bạn khác. Nội bộ học sinh sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao cùng đóng góp như nhau mà chỉ mỗi mình lớp trưởng có lương?”. Bên cạnh đó những lý do khác đưa ra để trả lương cho lớp trưởng chưa có sức thuyết phục. Càng trao đổi sâu càng vỡ lẽ làm như vậy lợi ít hại nhiều.
Học sinh đến trường nhiệm vụ chính là học tập, là trau dồi đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống. Giao cho lớp trưởng quá nhiều việc là không nên nếu không nói là hơi lạm dụng. Mọi việc ban cán sự lớp phải xắn tay vào làm mới phải. Lấy sổ đầu bài và điểm danh hàng ngày là việc làm của lớp phó phụ trách học tập, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, lao động thì có lớp phó phụ trách lao động không nên dồn hết việc cho lớp trưởng rồi cho rằng lớp trưởng phải làm nhiều. Đi học trễ được vào lớp hay không là quyền của nhà trường còn lớp trưởng không có quyền hạn này. Một lớp có nhiều em không mặc đồng phục hay quên đeo phù hiệu nhiều lần là phạt lớp trưởng đứng một giờ là không đúng, thiếu công bằng và thiếu tính giáo dục. Lẽ ra giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm này. Không nên giao khoán mọi việc trong lớp cho lớp trưởng rồi để trả lương hàng tháng như một nhân viên trong cơ quan hành chính.
Tôn Tuyết Dung

Bình luận (0)