Không ít người cho rằng, phép lịch sự là để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng sống với nhau cả đời, cần gì phải lịch sự nữa. Từ quan niệm như vậy, họ cư xử với nhau thô thiển, suồng sã và chính những cái đó đưa tình yêu đến tan vỡ.
Nhà văn Mỹ, Dorothy Dix còn nhận xét: “Có một sự thực hiển nhiên nhất nhưng ngược đời nhất, là chỉ có người trong nhà thân cận nhất mới nói với ta những lời nhỏ mọn, tục tằn, cay độc nhất”.
Vợ chồng xưng hô với nhau như thế nào chẳng có quy định nào cả. Người xưng “anh-em”, người xưng là “mình”, người hài hước gọi “ông xã”, lại có người “cậu-tớ” cho thân mật, một số vùng nông thôn thỉnh thoảng có đàn ông xưng “mày-tao” với vợ. Có người vợ gọi chồng là “bố thằng cu” hoặc tên con là Tèo thì gọi “Bố thằng Tèo”, đôi khi gọi tắt là “bố” với “mẹ” nếu ở riêng không sống cùng cha mẹ.
Mới biết xưng hô thế nào cho hợp cũng không phải dễ. Nhưng có người lại cho rằng, vợ chồng ăn ở với nhau thế nào mới là điều đáng quan tâm chứ cái chuyện xưng hô quan trọng gì. Thật ra, xưng hô là một cách thể hiện tình cảm.
Thời bây giờ vợ chồng xưng “anh – em” có lẽ là phổ thông nhất và cũng tình cảm nhất. Dẫu hai người bằng tuổi nhau hay chồng có kém vợ đến dăm bảy tuổi hoặc chồng hơn vợ vài ba chục tuổi vẫn xưng “anh – em” không có gì ngượng ngùng. Cách xưng hô này bắt đầu từ khi họ mới yêu nhau và suốt quá trình yêu đương tìm hiểu để gọi nhau như thế nên khi đã thành vợ chồng thì sự xưng hô “anh – em” là một cách chứng tỏ tình yêu vẫn tồn tại trong mối quan hệ của họ. Đến khi già bảy tám mươi tuổi mà vẫn xưng “anh – em” là muốn thể hiện tình yêu như thuở ban đầu.
Cho nên rõ ràng trong cách xưng hô có chứa đựng tình cảm. Nếu chồng gọi vợ là “Mẹ cái Hiền” chẳng hạn, hay vợ bảo chồng: “Bố nó vào ăn cơm đi” thì vô tình trong cách nói đó không thấy tình yêu, chỉ còn mối quan hệ hai người là cha mẹ của các con thôi.
Chưa bao giờ thấy ai đi tỏ tình lại nói “tôi yêu cô” và càng không thấy ai nói “tao yêu mày”. Ngay cả những người ở nhà toàn gọi vợ bằng “cô” hay bằng “bà” hay “mẹ nó” thì khi muốn tán tỉnh em nào lại “anh anh – em em” ngọt xớt. Ai cho rằng chỉ cần tình cảm thật còn ngôn ngữ chỉ là cái vỏ, muốn gọi thế nào cũng được là nhầm. Ít có vợ chồng nhà ai đánh nhau mà còn xưng hô “anh – em”, lúc đó người ta thường xưng hô thô thiển.
Chuyện hài hước kể rằng một lần ở tòa án, vị quan tòa hỏi bị can: “Tại sao anh đánh vợ dã man như vậy?”.
Anh ta thưa: “Thưa quý tòa lúc đó cô ấy không phải vợ tôi”.
Quan tòa hỏi: “Chẳng là vợ anh thì là gì?”.
Anh ta nói: “Lúc đó cô ấy xưng là… “bà” “tôi”.
Có thể nói cách xưng hô giữa vợ chồng trong một gia đình thể hiện nếp văn hóa, tình cảm, mức độ hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Qua cách xưng hô có thể thấy rõ sắc thái tình cảm vợ chồng: yêu thương, giận dỗi, bất hòa, xung đột.
Nhà tâm lý Dale Carnegie khuyên, muốn xây dựng được hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải trọng nhau như khách quý. Ngày xưa các cụ cũng dạy: “Phu thê tương kính như tân”. Sự thiếu lịch sự giết chết tình yêu.
Nhưng có điều kỳ lạ là hàng ngày chúng ta thường tỏ ra rất lịch sự với những người có khi cả đời chỉ gặp có một lần, còn người quan trọng với hạnh phúc của đời ta thì ta lại suồng sã, thậm chí cư xử không có nổi cái lịch sự tối thiểu. Có bao giờ ta dám cắt ngang lời một người mới gặp: “Thôi thôi ông bỏ ngay cái luận điệu cũ rích ấy đi” không? Nhưng những câu nói đại loại như thế không phải là hiếm gặp trong đời sống vợ chồng, với người thương yêu ta nhất.
Phép lịch sự cần thiết cho hôn nhân không khác dầu nhờn cần cho máy móc. Nhưng thật ít khi nghe thấy những tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” trong đời sống vợ chồng. Có phải cuộc sống gia đình không cần những từ khách sáo đó? Trong khi chúng ta thường dạy các con biết nói những từ đó với cha mẹ, anh chị em. Điều này có thể xuất phát từ chỗ chúng ta thường cho rằng, vợ chồng tất nhiên phải phục vụ nhau, nó như là nghĩa vụ, chẳng có gì phải cám ơn cả.
Có chuyện kể rằng một chị cho con cái kẹo, nó cầm lấy cho vào mồm ăn thản nhiên chẳng nói gì cả. Mẹ bảo: “Con hư, lần sau ai cho cái gì phải biết nói cám ơn”. Đứa con bảo: “Con học mẹ đấy. Mỗi lần bố đưa lương cho mẹ, mẹ có bao giờ cám ơn đâu. Mẹ chỉ hỏi: “Có thế thôi à?”.
Một chị đi làm về, trong lúc ăn cơm với chồng cứ tấm tắc khen: “Hôm nay gặp được người đàn ông tốt thế không biết”. Chồng thấy lạ hỏi: “Tốt như thế nào?”. Vợ kể: “Em ghé qua chợ mua thức ăn. Lúc về “đề” mãi cái xe không nổ mà đạp cũng không được. May có một ông đứng gần đấy tử tế quá, thấy vậy liền đạp hộ em có vài cái nổ ngay. Đời có những người đàn ông tốt thật”.
Chồng nghe tủi thân, vì mình làm cho vợ bao nhiêu việc chẳng được khen lấy một câu bao giờ. Trong khi kẻ qua đường kia chỉ đạp có vài cái được khen lấy khen để. Chắc người vợ nghĩ là chồng thì phải giúp vợ và chắc người chồng cũng nghĩ vợ thì phải phục vụ chồng, có gì mà phải cám ơn. Thế là cái guồng máy vợ chồng chạy không có dầu nhờn, đến một ngày mọi cảm xúc bị cùn nhụt chỉ còn lại cái gọi là “nghĩa vụ” mà thôi, nên cỗ máy đó có ọc ạch cũng không có gì là lạ.
Đặc biệt đối với phụ nữ, điều họ cần nhất là luôn cảm thấy được chồng yêu, quan tâm, chăm sóc bằng những cử chỉ và ngôn ngữ cụ thể. Nhưng có những đàn ông lại nghĩ đó là những nghi thức rườm rà, vẽ chuyện, không cần thiết. Đi sâu vào tìm hiểu những người này, các nhà tâm lý phát hiện có người sinh trưởng trong những gia đình, mà cha mẹ hầu như không thể hiện tình yêu với con cái mấy khi.
Môi trường gia đình họ rất hiếm những câu như “mẹ yêu con” hay “mố thơm cái nào”. Càng hiếm những bông hoa hay quà tặng trong những dịp lễ tết. Vì thế cuộc sống của họ trở nên khô khan, đến khi có vợ, họ cũng không có thói quen bộc lộ tình yêu với vợ hoặc không biết thể hiện nó như thế nào.
Thật ra, sự thể hiện tình cảm yêu mến người khác là rất cần thiết trong cuộc sống. Những cử chỉ ngôn ngữ yêu thương không chỉ cần trong hôn nhân mà cả trong cách cư xử với mọi người, đôi khi ngay cả với con vật cưng mà bạn nuôi trong nhà. Một vòng tay siết chặt, một nụ hôn, mấy bông hoa và những câu “anh yêu em” không bao giờ là quá nhiều. Nó là cách thể hiện rằng chúng ta quan tâm tới họ và chính vì vậy mà họ cần chúng ta.
Bất kể đàn ông, đàn bà đều cần biết rằng họ được yêu nhưng phụ nữ có vẻ cần những cái đó hơn, thường xuyên hơn đàn ông. Cho nên người đàn ông nào cũng cần học những điều đó, vì vợ anh ta mong muốn thế.
Xin chép ra đây một bài tập của “lớp học làm chồng” được nhà tâm lý Harley đề nghị, tất cả những ông chồng hãy thực hiện bài tập sau đây lần lượt từng điều một cho đến hết:
1. Mỗi buổi sáng khi còn ở trên giường, bạn hãy ôm vợ và nói với cô ấy rằng bạn yêu cô ấy.
2. Trong khi đang ăn sáng cùng nhau, lại nói bạn yêu cô ấy.
3. Trước khi đi làm, hôn vợ và nói bạn yêu cô ấy.
4. Lúc giải lao ở cơ quan, tranh thủ gọi điện cho vợ và lại nói bạn yêu cô ấy.
5. Sau giờ làm việc, gọi điện nói khi nào bạn về đến nhà và đừng quên nói bạn nhớ cô ấy.
6. Mỗi tuần một lần mua hoa đem về tặng vợ và khi tặng nhớ nói bạn yêu cô ấy.
7. Vừa vào đến nhà, ôm vợ thật chặt, hỏi han xem ngày hôm đó công việc của cô ấy ra sao.
8. Trong khi đang ăn tối cùng nhau, nói với cô ấy rằng bạn yêu cô ấy.
9. Cùng vợ dọn dẹp bàn ăn, rửa bát đĩa, chuẩn bị phòng tắm cho vợ, ôm nhẹ một cái và lại nói bạn yêu cô ấy.
10. Ở trên giường ôm chặt, hôn cô ấy và nói rằng bạn yêu cô ấy trước khi chìm vào giấc ngủ.
Có người mới thực hiện được 3 ngày đã gọi điện báo cho chuyên gia tâm lý biết rằng, anh ta đang được hưởng hạnh phúc hôn nhân nhiều hơn mười năm chung sống trước đây cộng lại. Có thể phong cách giao lưu tình cảm của người Phương Tây và Á Đông khác nhau, nhưng thiết nghĩ bài tập đó cũng đáng để ta tham khảo.
Theo Trịnh Trung Hòa
Hạnh Phúc Gia Đình
Bình luận (0)