Chiều nay 31.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội. Tại đây, nhiều đại biểu đề nghị tăng mức xử phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ.
Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội băn khoăn, nhiều mức phạt theo Nghị định 34/NĐ-CP chưa phù hợp. Mức phạt chỉ 4 triệu đồng/trường hợp đối với hành vi chống người thi hành công vụ và 1,4 triệu đồng cộng với hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người tham gia giao thông là quá thấp. Do đó, số vụ chống người thi hành công vụ không hề giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên, chứng tỏ sự “nhờn” luật. Thống kê cho thấy, trong 3 năm từ 2009 đến 2011 xảy ra 132 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 xảy ra 20 vụ.
Ông Thùy đặt vấn đề: "Tại sao không đưa hành vi này vào tội giết người? Hay vấn đề đua xe trái phép, Hà Nội đã nhiều lần đề nghị cho phép tịch thu tang vật nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể".
Cũng theo ông Thùy, một vấn đề bức xúc nữa cũng cần sửa đổi là việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh – một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng ùn tắc giao thông. Nghị định 34 quy định khung phạt đối với hành vi này từ 20-30 triệu đồng, nhưng với các đối tượng buôn bán nhỏ, buôn thúng bán bưng, mức phạt này có phù hợp với thực tiễn?
Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT, Công an Hà Nội đề nghị nên sớm đầu tư thiết bị công nghệ cho lực lượng CSGT để phạt “nguội” đối tượng vi phạm qua hình ảnh, vừa tăng sức răn đe, lại vừa giúp giảm khối lượng công việc cho cán bộ công an trên đường. Hiện để tăng cường giám sát, Hà Nội đang đầu tư trung tâm điều khiển giao thông với khoảng 200 camera bố trí khắp địa bàn các quận.
Cũng theo đại diện của Phòng CSGT, cần cho phép lực lượng CSGT được xử phạt và xé biên lai tại chỗ, vì quy trình hiện nay rất phức tạp, gây khó cho người dân. Khi bị phạt, người dân phải vòng đi vòng lại 4 lần mới nộp được tiền phạt, rất mất thời gian.
Mặt khác, chuyện xử lý xe vi phạm giao thông đang rất vướng. Nhiều trường hợp xe giá trị chỉ còn 5-6 triệu đồng nhưng tổng số tiền phạt và tiền lưu kho bãi cao hơn nên người dân không lấy xe nữa. Để xử lý xong một xe vi phạm rất phiền toái, kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Cụ thể, với xe không giấy tờ phải tra cứu số khung, số máy rồi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó thành lập hội đồng để xử lý tang vật.
“Cả thành phố đang tồn đọng hàng vạn xe như vậy, trong khi đó kho bãi thì phải đi thuê, rất lãng phí cho xã hội”, vị đại diện này cho biết.
theo TNO
Tin liên quan
Chiều 29-11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Đề án 5695. Tham dự hội...
Ngày 29-11-2024, tại TP.Cần Thơ, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết...
Chiều 29-11, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có buổi khảo sát thực tế Nhà máy nước Bình...
Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng và truyện ký “Chuyện năm 1968” của nhà văn...
Bình luận (0)