Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bí ẩn điểm 0 môn lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Đến thời điểm này các trường ĐH, CĐ hầu như đã chấm thi xong và đã có trên 150 trường công bố điểm thi; điểm chuẩn cũng được các trường dự kiến. Nhìn qua phổ điểm của các trường, có thể thấy năm nay điểm sàn không thể cao hơn những năm trước, với một số trường điểm chuẩn có thể tăng hoặc thấp hơn.
Theo thống kê của Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm nay có khoảng 90% bài thi môn lịch sử dưới điểm 5; còn Trường ĐH Quảng Nam có 55% bài thi lịch sử đạt điểm 0-1 và chỉ 17 TS có điểm từ 5 trở lên trong tổng số gần 1.000 TS dự thi khối C. Trong khi đó, Trường ĐH Đồng Tháp chỉ có 9 TS đạt từ 5 điểm trở lên và cao nhất là 7 điểm. Tuy các trường khối xã hội chưa công bố hết điểm thi nhưng xét trên bình diện chung thì điểm môn lịch sử tương đối thấp so với hai môn còn lại. Trong khi đó, đề thi và đáp án năm nay không có nhiều “sạn” như năm trước nên nguyên nhân điểm thi thấp không phải tại đề và đáp án. Nhiều người cho rằng đó là do cách dạy lịch sử của chúng ta đang có vấn đề. Một giáo viên chua chát cho rằng môn lịch sử không thể dạy thêm nên giáo viên không đầu tư. Rồi sách giáo khoa thì bắt nhớ nhiều. Các sự kiện đưa ra quá chi tiết trong khi thời lượng học lại không nhiều. Nhiều người cũng “đổ tội” tại ngành xã hội ra trường khó xin việc nên học sinh chạy theo các khối khác. Khối C còn lại chỉ có hai dạng TS: Thứ nhất là những TS rất yêu thích các môn xã hội; thứ hai là những TS không học được khối nào khác thì phải học khối này. Vì đây là khối thi yêu cầu TS chỉ phải nhớ, không cần tính toán, không cần các phương trình. Thật đáng buồn, 12 năm đèn sách, nhưng khi đề thi địa lý yêu cầu cho biết một số hòn đảo thuộc tỉnh thành phố nào của Việt Nam thì TS lại “tắc”. Cách học đối phó, thiếu đầu tư khiến kiến thức địa lý, lịch sử của học sinh thật đáng lo ngại.
Trên cương vị Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nhã cho rằng năm nay, ĐH KHXH-NV Hà Nội có lượng TS dự thi tăng hơn năm trước. Nhưng điều bất thường ở chỗ là trường đào tạo đặc thù ngành xã hội nhưng có số lượng TS đăng ký dự thi khối C ngày càng giảm, còn khối A ngày càng tăng. Mấu chốt của vấn đề không phải do học sinh không thích ngành xã hội mà là không thích học các môn xã hội.
Thiết nghĩ, từ những số liệu này, ngành GD-ĐT nên có những tổng hợp, phân tích kỹ hơn để có chiến lược lâu dài cho việc dạy và học các môn xã hội trong trường phổ thông.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)