Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gia đình cô giáo Hòa

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, Công đoàn ngành giáo dục, Hội Khuyến học TP đã tổ chức lễ tuyên dương Gia đình nhà giáo hiếu học cấp thành phố lần thứ I. Trong số những gia đình được tuyên dương, tôi ấn tượng nhất là gia đình cô giáo Trương Thị Thu Hòa – Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh)…

Từ thành tích của con… 

Cô giáo Thu Hòa trong ngày nhận bằng thạc sĩ

Hai vợ chồng cô Trương Thị Thu Hòa ngụ 101/ 15 đường Nguyễn Văn Đậu, P. 5, Q. Bình Thạnh đều là dân trí thức. Chồng cô là kỹ sư cơ khí, còn cô là giáo viên. Có lẽ nhờ gen di truyền của bố mẹ mà cả hai cậu con trai rất sáng dạ.
Cậu con út Dương Quang Trung – học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) là học sinh giỏi cấp quận nhiều năm liền. Ngoài ra, em còn đạt giải nhất Nhà toán học tương lai, “thần đồng” trong hội thi Thần đồng làng Hương do Phòng GD-ĐT Q.1 tổ chức.
Thành tích của cậu con trai đầu “đáng nể” hơn nhiều. Khi còn là học sinh Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, Dương Đình Hiệp đạt giải nhì học sinh giỏi cấp TP (khối lớp 9). Đây chính là bước đệm để Hiệp tự tin lập những thành tích trong 3 năm học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Mới vào lớp 10 Hiệp đã được chọn vào danh sách đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý của trường. Nhờ công sức thầy cô bồi dưỡng và sự dày công học tập mà hai lần sau đó em đã giành được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic vật lý quốc gia và giải nhì môn vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi TP lớp 12. Đặc biệt, Hiệp còn giành được học bổng của Hội Doanh nghiệp Singapore (cấp từ bậc THPT đến hết chương trình đại học).

Nhiều năm liền cô Hòa đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năm học 2005 – 2006, cô được UBND TP tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua TP. Tự hào hơn, gia đình cô còn được Công đoàn ngành giáo dục, Hội Khuyến học TP tuyên dương Gia đình nhà giáo hiếu học…

Tốt nghiệp THPT loại giỏi, Hiệp thi vào Khoa Lý Trường ĐH KHTN TP.HCM. Với 24 điểm, Hiệp đã có tên trong danh sách lớp cử nhân tài năng do nhà trường lựa chọn để đào tạo ra một đội ngũ trí thức kế cận. Trong môi trường học tập này, Hiệp đã thể hiện được những tố chất thông minh của mình khi tiếp cận với những kiến thức vật lý như cơ học, điện, quang phổ và cả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ môn. Từ năm thứ 3, Hiệp được các giảng viên, giáo sư cho làm trợ lý. Hiệp coi đây là cơ hội tốt nhất để em có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ những “cây đa, cây đề”…

… đến thành công của mẹ

30 năm sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội (năm 1976), năm 2002 cô Hòa quyết định đi học cao học. Ở cái tuổi gần 50 mà còn đi học, lấy được tấm bằng thạc sĩ cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu nên nhiều người lấy làm khó hiểu. Cũng có đồng nghiệp thắc mắc: dạy THPT chứ đâu phải là cao đẳng, đại học nên chỉ cần bằng cử nhân là đã đạt chuẩn rồi, học thạc sĩ làm gì? Thế nhưng cô lại nghĩ khác: “Học để nâng cao trình độ kiến thức cho mình, học để làm gương cho con cái, khi có điều kiện thì cứ nên học”.

Theo cô, khó khăn của mình không phải là tuổi tác mà là ngoại ngữ. Cô kể: “Hồi cấp 3 học tiếng Trung, lên đại học chuyển sang tiếng Nga. Bây giờ muốn thi cao học thì phải biết tiếng Anh, chính xác là chứng chỉ B”. Với quyết tâm phải đi học nên cô Hòa đã lặng lẽ tới các trung tâm ngoại ngữ để “luyện thi”. Cuối cùng cô cũng trúng tuyển vào lớp cao học của Trường ĐH KHTN TP.HCM.

Thế là bắt đầu những buổi cắp cặp đến lớp học chung trường với cậu con trai Dương Đình Hiệp. Sau 4 năm dùi mài kinh sử, cô đã cầm được trong tay tấm bằng thạc sĩ chuyên phần Quang học thuộc bộ môn vật lý ứng dụng. Và trong thời gian học tại trường, cô là giáo viên THPT duy nhất được Viện Khoa học Việt Nam mời đi dự “Hội nghị khoa học quang phổ toàn quốc” tổ chức tại Nha Trang năm 2003.

Hương Thủy 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)