Nhiều chỉ tiêu sau NV1 đang chờ TS
|
Hôm nay, 8-8, Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm sàn các khối tại kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, với mức không thể thấp hơn năm ngoái. Một số trường dù có khả năng tuyển đủ ở nguyện vọng (NV) 1 nhưng vẫn dành chỉ tiêu xét các NV tiếp theo để tuyển được nguồn thí sinh (TS) chất lượng…
Lo “ảo”, nhiều trường chỉ nhận phiếu điểm bản gốc. Một số trường miễn cưỡng nhận bản sao.
Dồi dào chỉ tiêu sau NV1
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết, nhóm ngành hóa – thực phẩm tại trường có mức điểm chuẩn nổi trội nhất và đủ khả năng tuyển đầy bằng NV1 tuy nhiên trường vẫn dành lại khoảng 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành để xét các NV tiếp theo. Theo ThS. Sơn, lượng TS đạt mức điểm cao khối B còn nhiều, và đây sẽ là nguồn tuyển chất lượng tương đối tốt. Ở hệ ĐH, trường dành 1.300 chỉ tiêu cho các ngành sau NV1. Cụ thể, nhóm ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán) sẽ dành mỗi ngành 150 chỉ tiêu. Nhóm ngành điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin với 180 chỉ tiêu. Tất cả đều lấy bằng mức điểm chuẩn NV1. Bên cạnh đó, hệ CĐ cũng còn đến 2.000 chỉ tiêu cho tất cả các ngành. Trong đó, đối với những ngành thực phẩm, hai khối A, B dự kiến lấy mức điểm 12. Các ngành còn lại lấy ở mức sàn.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, các ngành sư phạm kỹ thuật và ngành kỹ thuật còn nhiều chỉ tiêu đang chờ TS. Trường dành 1/5 chỉ tiêu cho 10 ngành sau NV1. Số chỉ tiêu sau NV1 của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM là 1.500 trong đó, nhóm ngành “dồi dào” nhất là lâm nghiệp, cơ khí. Dự kiến mức điểm xét tuyển ngang với điểm sàn. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dành khá nhiều chỉ tiêu cho NV sau NV1, chủ yếu tập trung vào nhóm ngành sư phạm ngoại ngữ.
Đối với nhóm trường ngoài công lập, nhất là những trường không tổ chức thi thì cơ hội học tập cho TS rộng mở hơn, chỉ cần các em đạt mức điểm sàn. Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định dành 800 chỉ tiêu hệ ĐH và 500 hệ CĐ cho tất cả các ngành với mức điểm xét tuyển chỉ bằng sàn. Trong đó, riêng 3 chuyên ngành ngôn ngữ Anh chỉ tuyển khối D1, còn lại các ngành truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, tài chính – ngân hàng, kế toán, nhóm chuyên ngành quản trị kinh doanh tuyển khối A, A1, D1, D2, D3, D4.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn dành 1.800 chỉ tiêu cho tất cả các ngành ở 2 hệ ĐH và CĐ. Đối với cả hai hệ này, mức điểm trúng tuyển cũng chỉ ngang điểm sàn. Trường chấp nhận cả bản chính lẫn bản sao có công chứng phiếu điểm của TS tuy nhiên đến thời điểm nhập học chỉ nộp bản chính.
Tìm cách chống… “ảo”
Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định TS được dùng bản sao phiếu điểm để tham gia xét tuyển các NV kế tiếp. Điều này tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho TS tuy nhiên có phần gây rối cho công tác xét tuyển. Lo lắng lớn nhất của các trường chính là vấn đề “ảo”. Vì vậy, để chống “ảo”, có trường chỉ nhận phiếu điểm bản gốc, cũng có trường… miễn cưỡng nhận bản sao.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) lý giải, thật ra việc nhận bản chính phiếu điểm đỡ mất công cho TS hơn vì các em không phải tốn thời gian đi sao, công chứng. Để thuận tiện, trường chia thành nhiều đợt xét tuyển ngắn. Cụ thể trường dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển tới 22-8. Ba ngày sau, trường công bố ngay kết quả để những TS không trúng tuyển có thể rút hồ sơ đi nộp nơi khác. Nếu vẫn chưa đủ chỉ tiêu, trường mở tiếp đợt xét tuyển khác ngay sau đó. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng chỉ nhận bản gốc phiếu điểm nhưng tạo điều kiện để TS rút hồ sơ chuyển đổi NV nhiều lần, miễn phải trước hạn chót xét tuyển 3 ngày. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, TS cũng chỉ được nộp bản chính và được phép rút hồ sơ thay đổi NV trong thời gian quy định.
Trái ngược với trường công, các trường tư vừa nhận phiếu điểm bản sao vừa tìm phương án chống “ảo”. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn dù nhận cả bản gốc lẫn bản sao phiếu điểm nhưng ưu tiên xét tuyển những em nộp bản chính trước. Bởi đó là những em thực sự có NV học tại trường. Còn lại, tất cả những TS nộp phiếu điểm bản sao đều phải bổ sung bản gốc nếu thực sự đến làm thủ tục nhập học tại trường sau thông báo trúng tuyển. Thông thường, các năm trường gọi vượt khoảng 5% đến 10% là đủ chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định kéo dài đợt xét tuyển đến 30-11, để hạn chế lượng TS có tên mà vắng mặt, trường cũng có kế hoạch gọi vượt chỉ tiêu.
Dù bộ cho phép TS nộp bản chính lẫn bản sao giấy chứng nhận kết quả thi khi xét tuyển, tuy nhiên chỉ chấp nhận bản gốc lúc các em trúng tuyển và nhập học. Vì vậy, TS cần cân nhắc, chỉ nộp bản gốc vào những trường các em thực sự muốn theo.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)