Các trường rất khó giữ chân nhân viên QLTV vì lương rất thấp
|
Công việc đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và chuyển giao cao, song lương thấp, chế độ ưu đãi, chế độ phụ cấp đôi khi không có. Khó khăn này khiến cán bộ quản lý thư viện (QLTV) không mấy mặn mà với nghề…
Thu nhập thấp
Đeo đuổi công việc QLTV đến nay đã ngót chục năm, thế nhưngchị Nguyễn Thị Quỳnh Hương, QLTV Trường TH Từ Đức (Q.Thủ Đức) đang cố gắng hoàn thành tấm bằng cử nhân tại chức tiểu học để xin giảng dạy nhằm tăng thu nhập. Chị cho biết: “Mỗi tháng với mức lương chính 2,5 triệu đồng, cộng thêm trợ cấp chỉ 500 ngàn đồng thú thực không đủ trang trải cuộc sống hai vợ chồng làm công chức và con nhỏ. Mức thu nhập này khiến mình không thể yên tâm công tác. Thấy trường có tổ chức dạy lớp 1 buổi nên tôi quyết định theo học cử nhân để xin dạy thêm”.
Trong khi đó, một QLTV Trường TH Bình Quới (Q.Thủ Đức) còn khó khăn hơn nhiều so với chị Hương. Ngoài mức lương chính hơn 1,6 triệu đồng/tháng, không phụ cấp, không đãi ngộ khiến chị gặp rất nhiều khó khăn. Chị chia sẻ: “Tôi rất yêu thích công việc QLTV, tạo cho tôi công ăn việc làm ổn định. Nhưng mỗi tháng nhận lương về phải đắn đo, dè xẻn trong từng khoản chi tiêu mà vẫn không đủ. Đủ sao được khi vật giá leo thang. Muốn gắn bó lâu dài e cũng khó lắm. Chưa kể, ngày bước vào nghề mình thấy vui khi nghe nói có khoản trợ cấp độc hại vậy mà đến nay cũng không có. Nhiều hôm đi làm về, hai lỗ mũi đen kịt vì bụi sách, nghĩ cũng tủi thân”.
Trước đây chị QLTV Trường TH Bình Quới vốn là GV Pháp văn, năm 2011 chị chuyển sang chuyên trách QLTV. Vì chuyển ngang nên chị không được nhận chế độ trợ cấp, bồi dưỡng nào cả, theo đó những khoản phụ cấp dành cho GV đều bị cắt hết. Để tăng thu nhập, chị tranh thủ đăng ký thêm công việc quản lý HS bán trú vào buổi trưa.
Theo chúng tôi tìm hiểu, nhiều QLTV tại buổi bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản thiết bị và thư viện tổ chức tại Công ty cổ phần Sách – Thiết bị trường học (Q.5) cho rằng, hiện nay mức thu nhập của họ không cao, chế độ phụ cấp, đãi ngộ đôi khi không có. “Theo tôi được biết thì hiện nay, tùy điều kiện của từng quận, từng trường mà có hoặc không chế độ phụ cấp, đãi ngộ. Điều này cũng đồng nghĩa là người làm QLTV có nguồn thu nhập cao hay thấp còn tùy thuộc vào… hên – xui”, cô Hương trải lòng. Cô Nguyễn Thị Kim Nhung, cựu QLTV ở một trường học trên địa bàn Q.11, hiện đang là giảng viên thỉnh giảng tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật, chia sẻ: “Theo tôi được biết, ngoài khoản lương chính, QLTV được hưởng 0,2% tổng mức lương chính tiền trợ cấp độc hại, nguy hiểm nhưng thực tế chỉ QLTV có bằng cấp đào tạo chuyên môn về QLTV mới được nhận. Thật tình công việc thì nhiều, vừa kiêm nhiệm QLTV, vừa kiêm nhiệm quản lý trang thiết bị giảng dạy mà thu nhập bấp bênh khiến QLTV có bằng cấp chính quy nghỉ việc không ít. Số QLTV từ ngành nghề khác chuyển sang làm được một thời gian rồi cũng xin nghỉ rất nhiều. Người cũ nghỉ, người mới vào được thời gian rồi lại nghỉ, điều này như một điệp khúc đang diễn ra nhiều năm nay tại các trường…”.
Một QLTV khác cũng tại quận Thủ Đức phân tích thêm: “Cũng chừng này thời gian, ra công ty, nhà sách… làm nhàn hơn, thu nhập tốt hơn, không phải xin kiêm nhiệm nhiều công việc như trong nhà trường. Chưa kể, trong mắt GV, QLTV đôi khi còn bị xem thường”.
Theo quy định, một trường trên 20 lớp có ít nhất một QLTV và một quản lý trang thiết bị giảng dạy. Tuy nhiên như cô Kim Nhung chia sẻ, hiện nay tại hầu hết các trường chỉ một QLTV kiêm nhiệm luôn cả hai vai trò.
Thường xuyên thay QLTV là… hạ sách
Trong ngành giáo dục, cán bộ QLTV đóng vai trò không nhỏ. Là người nắm bắt các đầu sách, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; tổ chức các hoạt động chuyên đề; phục vụ bạn đọc… Đối với GV, QLTV như một cầu nối. Cô Nhung cho biết: “QLTV giới thiệu những đầu sách mới, đầu sách hay, hướng dẫn sử dụng những trang thiết bị mới phù hợp với giảng dạy cho GV. Bên cạnh đó, nhu cầu học lên cao, nâng cao năng lực của GV rất nhiều, đòi hỏi nhiều loại sách hỗ trợ. Thư viện trong trường đâu phải lúc nào cũng có thể đáp ứng, mà GV đâu phải lúc nào cũng có thời gian đến thư viện tìm hiểu hay biết thư viện nào có sách hay, phù hợp. Chính QLTV có thể đi thực tiễn, tìm hiểu rồi về giới thiệu, hướng dẫn cho GV. Ngược lại đối với HS, QLTV đóng vai trò tổ chức, tạo thói quen cho các em đọc sách, truyện, giúp các em biết đến các nguồn tư liệu, phát huy vai trò đọc, nâng cao ý thức học tập”.
Muốn làm QLTV tốt, phát huy hết vai trò cũng cần thường xuyên tham quan, giao lưu học hỏi hoạt động thư viện trường bạn, thư viện lớn trong thành phố hoạt động ra sao mà triển khai thêm cho thư viện trường mình. Nhưng thực tế hiện nay, chỉ vào đầu năm học, những QLTV mới, họ mới được bồi dưỡng, tập huấn củng cố nghiệp vụ tay nghề.
Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4) chia sẻ: “Theo quy định, 1 năm cán bộ QLTV phải tổ chức ít nhất 5 hoạt động, 2 thư mục chuyên đề, nắm bắt các loại hồ sơ sổ sách… Các hoạt động chuyên đề của trường có sôi nổi, hiệu quả đều nhờ vào kỹ năng quản lý và chuyển giao của QLTV. Điều này nhờ vào kinh nghiệm của họ. Bởi lẽ, một QLTV khi đã làm việc lâu dài, gắn bó lâu năm, họ sẽ nắm cụ thể các đầu sách cũ, đầu sách mới, sách nào cần thay vào đầu năm, sách nào cần bổ sung thêm hay cập nhật những trang thiết bị giảng dạy mới, hiện đại. Nếu QLTV thường xuyên thay mới, thiếu kinh nghiệm làm việc sẽ khó làm được, không phát huy hết vai trò, tác dụng của thư viện, ảnh hưởng cả việc phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì thế rất cần sự quan tâm hơn nữa đối với cán bộ QLTV để họ có thể an tâm công tác tốt”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản thiết bị và thư viện do Sở GD-ĐT phối hợp cùng Công ty cổ phần Sách – Thiết bị trường học đã và đang tổ chức, là công tác thường niên dành cho QLTV mới vào nghề, nhưng năm nào cũng vậy, gương mặt mới rất nhiều. Năm nay số lượng người tham gia lên đến cả gần 200 người. Thực tế này gây ra không ít khó khăn cho việc phát huy vai trò, tác dụng của thư viện. |
Bình luận (0)