Giờ học Anh văn ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Ảnh: B.Ngọc |
Là trung tâm của ĐBSCL nhưng tình trạng thiếu giáo viên (GV) vẫn liên tục xảy ra nhiều năm ở một số trường học trên địa bàn TP.Cần Thơ.
Trường thiếu ít hỗ trợ trường thiếu nhiều
Theo dự kiến biên chế mới của năm học 2012-2013, Trường THCS & THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai sẽ thiếu 5 GV. Đây là năm thứ 2 liên tiếp trường này thiếu GV. Theo lãnh đạo nhà trường, do thiếu GV nên trường phải thỉnh giảng một số GV ở Trường THPT Thới Lai. Khoảng cách giữa 2 trường hơn 10km nên cũng gây nhiều trở ngại trong việc thỉnh giảng. Với khoảng cách xa như thế, khi GV đến lớp đã rất mệt, để có tiết dạy như mong muốn là điều không dễ dàng. Nhưng ngoài GV Trường THPT Thới Lai, Trường Trường Xuân cũng không thể thỉnh giảng giáo viên ở trường nào khác vì khoảng cách từ trường đến trường khác còn xa hơn. Trong khi đó, Trường THPT Thới Lai cũng không khá hơn khi nhiều năm liên tục rơi vào tình trạng thiếu GV, dự kiến năm học 2012-2013, Trường THPT Thới Lai cũng sẽ thiếu khoảng 6 GV.
Ngoài 2 trường vừa nêu có số lượng GV thiếu nhiều, Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ cũng thiếu khoảng 5 GV. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, chỉ tính riêng các trường trực thuộc sở, năm học tới dự kiến toàn ngành thiếu khoảng 40 GV, trong đó, thiếu nhiều nhất vẫn là môn giáo dục quốc phòng.
Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ là, trong khi các trường ở vùng ven TP.Cần Thơ thiếu GV thì ngược lại, một số trường THPT ở nội thành lại dư GV và rất khó điều tiết. Nguyên nhân của việc thừa – thiếu trong cùng một hệ thống các trường THPT của thành phố là do nhiều GV mới ra trường ngại đi xa, thiếu nguồn GV tại chỗ…
Tiểu học, mầm non: Nhìn đâu cũng thiếu
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, TP.Cần Thơ đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thế nhưng, bậc học này đang thiếu GV trầm trọng. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ tại Hội nghị sơ kết công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi mới đây, toàn ngành còn thiếu khoảng 600 GV nếu so với yêu cầu 2 GV/ lớp. Xét ở khía cạnh tích cực, tình trạng thiếu GV đang từng bước được cải thiện khi các phòng giáo dục liên kết với Trường CĐ Cần Thơ mở lớp tại địa phương. Nhưng hiện nay, ở một số đơn vị nguồn tuyển đang cạn dần, nên số lượng 600 GV mầm non được đào tạo trong 3 năm tới để TP.Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là điều không dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Phó chủ tịch UBND quận Cái Răng, tâm tư: “Hiện nay, toàn quận còn thiếu khoảng 25 GV. Tuy số lượng không nhiều nhưng thời gian gần đây nguồn tuyển GV mầm non rất khó. Do dạy ở bậc học mầm non rất cực trong khi thu nhập thường không bằng các bậc học khác”.
Tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ nhiều năm qua cũng rơi vào tình trạng thiếu GV mầm non, tiểu học. “Theo khảo sát của các trường, dự kiến năm học tới, toàn huyện Vĩnh Thạnh sẽ thiếu trên 30 GV tiểu học. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, nhiều giáo viên tiểu học về hưu, chuyển về địa phương… trong khi đó, nguồn tuyển của bậc tiểu học rất hạn hẹp”, ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh, thừa nhận. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh đã liên hệ với Trường ĐH An Giang để tuyển nguồn GV được đào tạo ở trường này. Đồng thời tư vấn cho những GV tốt nghiệp CĐ học lớp chứng chỉ đào tạo GV tiểu học tại Trường ĐH Đồng Tháp để về công tác tại các trường tiểu học… Tuy nhiên, các giải pháp này đều không đạt hiệu quả cao.
Từ thực tế ở các trường cho thấy công tác đào tạo và sử dụng giữa các đơn vị vẫn không gặp nhau nên tình trạng thừa – thiếu GV vẫn diễn ra hằng năm. Nơi thừa GV thì không sử dụng hết nguồn nhân lực, nơi thiếu sẽ làm các GV hiện có quá tải nên không đảm bảo chất lượng giảng dạy. Tình trạng này sẽ tạo ra sự không công bằng trong quá trình làm việc giữa các GV ở các trường trong thành phố. Điều này còn cho thấy, ngành giáo dục TP.Cần Thơ cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo để tránh lãng phí cho ngân sách và công sức của phụ huynh khi con em họ không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ngọc Phúc
Bình luận (0)