Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

GV Trường TH Phước Long (quận 9) trong giờ đứng lớp

Sau khi tổ chức xét tuyển viên chức nhằm bổ sung lượng giáo viên (GV) đang thiếu trên địa bàn TP.HCM, số GV bậc tiểu học (TH) được tuyển dụng vẫn còn thiếu so với nhu cầu, từ đó một số phòng GD-ĐT quận, huyện đã chủ động xin chủ trương của Sở GD-ĐT để chuyển GV THCS sang dạy TH.
Thiếu khoảng 400 GV
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Năm học này TP dự kiến tuyển 3.298 GV, Sở GD-ĐT đã nhận 3.676 hồ sơ đăng ký tuyển dụng GV nhưng số này chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nên vẫn thiếu GV. Hiện nhiều trường trung học thừa GV nhưng bậc mầm non và TH lại thiếu khoảng 400 GV, trong đó chủ yếu là các quận, huyện ngoại thành”.
Năm học này toàn TP có hơn 1,4 triệu HS các cấp (tăng 39 ngàn em), trong đó bậc MN và TH tăng gần 38 ngàn HS. Thêm vào đó, hàng chục trường xây dựng thêm phòng học và có thêm một số trường mới. Số lượng HS ngày càng tăng do dân nhập cư đến TP.HCM nhiều nhưng lượng GV không tăng mà đôi khi còn giảm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2011-2012, số lượng GV TH giảm hơn 1.200 người so với năm học trước. Hiệu trưởng trường TH ở một huyện ngoại thành lý giải: “Lương GV hiện nay vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hàng ngày trong khi khối lượng công việc mà họ đảm đương khá nhiều, hầu hết GV đều làm việc thêm vào buổi tối. Hơn nữa, GV ngoại thành chủ yếu sống nhờ vào lương, ít có thu nhập tăng thêm hay các khoản thu từ dạy thêm, học thêm nên cuộc sống khá chật vật. Chính vì vậy, nhiều GV mặc dù rất yêu nghề nhưng cũng đành nghỉ việc”.
Thầy Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, cho biết: “Năm học này chúng tôi cần tuyển 67 GV nhưng qua đợt 1  chỉ tuyển được 21 ứng viên”.
Là quận nội thành của TP nhưng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh cũng khá chật vật trong công tác tuyển GV TH. Cô Nguyễn Thị Việt Tú (Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh) cho hay: “Năm nay quận cần tuyển 30 GV TH nhưng danh sách của Sở GD-ĐT gửi về mới có 10 người. Phòng rất muốn tuyển thêm GV ở các tỉnh thành khác nhưng chưa có sự cho phép của sở và UBND TP, vì vậy phòng vẫn tiếp tục chờ đợt tuyển GV giai đoạn 2 của sở”. Thông tin từ Phòng GD-ĐT của huyện Hóc Môn cũng cho biết hiện huyện vẫn còn thiếu 10 GV dạy TH. Tương tự, các quận huyện khác như Bình Chánh, Gò Vấp, quận 7… cũng còn thiếu GV TH.
Tuyển GV THCS sang dạy TH
Để giải quyết tình trạng thiếu GV, nhiều quận, huyện xin được luân chuyển GV THCS sang dạy TH. Tuy nhiên, số lượng GV tự nguyện rất ít và nếu có thì sau nhiều vòng phỏng vấn, các quận huyện đều than khó tuyển được người mà phòng mong muốn. 
Vừa qua, Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức đã tiếp nhận hồ sơ của một GV THCS dạy tiếng Anh muốn chuyển sang dạy TH. Tuy nhiên, ông Lê Minh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn hai vòng nhưng vẫn không thể chuyển GV này sang dạy TH bởi cô còn thiếu kinh nghiệm. Chúng tôi biết, về mặt chuyên môn GV này có thể nắm bắt kịp thời nhưng phương pháp dạy mỗi bậc có sự khác nhau, nếu tuyển vào thì GV này phải tiếp tục trau dồi thêm kinh nghiệm. Vì thế, chúng tôi quyết định chờ đợt tuyển dụng giai đoạn 2 của Sở GD-ĐT kết thúc, nếu còn thiếu sẽ đưa ra nhiều phương án khác”.
Còn cô Nguyễn Thị Việt Tú phân tích: “Nếu thuyên chuyển GV THCS sang dạy TH thì chỉ tuyển được GV dạy các bộ môn ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc… còn những GV dạy các môn văn, toán, hóa… rất khó tuyển bởi họ chỉ được đào tạo một chuyên ngành trong khi GV TH lại dạy nhiều môn. Chắc chắn nếu vào giảng dạy sẽ thiếu kinh nghiệm chuyên môn nên họ cần phải được đào tạo thêm”.
GV bậc THCS sang dạy ở TH sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phương pháp dạy, tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc và học hỏi thêm, nhiều nhà quản lý cho rằng họ sẽ đáp ứng kịp thời. “Nếu chuyển GV từ THCS sang dạy TH thì trước hết họ sẽ gặp khó khăn trong quá trình tiếp xúc với tâm lý của các em, bởi ở trường đào tạo họ được học về tâm lý của tuổi vị thành niên, còn GV TH lại được học về tâm lý của trẻ 6 đến 12 tuổi. Hơn nữa, trình độ tiếp nhận của HS THCS khác với TH nên nếu GV không thay đổi cách dạy thì HS TH rất khó tiếp thu. Vì vậy, khi nhận GV THCS, các trường và tổ chuyên môn phải giúp đỡ họ rất nhiều, bất cứ quận huyện nào cũng thường xuyên tổ chức các chuyên đề, nên cử họ đi để học hỏi thêm. Hơn nữa, trường TH cần tạo điều kiện để họ học tại chức ngành TH ở Trường ĐH Sài Gòn hay ĐH Sư phạm… Tuy nhiên, tôi thấy một vấn đề khó cho phòng GD-ĐT là hiếm có GV đang dạy ở trường THCS lại xin chuyển sang TH vì dù sao họ đã quen với công việc”, thầy Bùi Ngọc Phi (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Mặc dù rất khó tuyển GV từ THCS sang TH nhưng hiện nhiều quận, huyện đã nhận được một số hồ sơ của các ứng viên dạy THCS. Cô Lê Thị Minh Loan (Trưởng phòng GD-ĐT quận 9) cho hay: “Chúng tôi đã tuyển dụng được một số GV từ bậc THCS xin sang giảng dạy TH. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quyết định chính thức của sở nên chúng tôi vẫn đang chờ để đưa ra các quyết định cuối cùng trong đợt tuyển GV ở giai đoạn 2”.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị các phòng GD-ĐT nếu có nhu cầu chuyển GV THCS sang dạy TH thì phải đưa ra kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, phân công dạy các lớp phù hợp cho những đối tượng này và phối hợp với Phòng Nội vụ trình UBND quận, huyện cho phép tuyển dụng GV THCS để có cơ sở trình UBND TP… Còn về kế hoạch lâu dài, TP có thể tuyển GV có KT3. Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP đã phối hợp với các trường ĐH đào tạo GV tại chỗ. Ông Nguyễn Trung Khánh (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè) cho biết: “Hiện huyện vẫn thiếu GV dạy TH bởi qua  tuyển dụng giai đoạn 1 của Sở GD-ĐT, huyện mới nhận về 6 GV. Tuy nhiên, huyện không lo tuyển thêm GV vì hiện có 59 giáo sinh được đào tạo tại chỗ vừa mới tốt nghiệp. Cách đây 3 năm, huyện đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn đào tạo tại chỗ cho 59 em này”…
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)