Hội nhậpGiáo dục phát triển

Một cuộc tranh luận ở Pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Nên tổ chức giúp học sinh kém như thế nào?

Ảnh: I.T

Một ngôi trường nằm cạnh Tòa Thị chính, trên phần đất của Nhà thờ Elbeuf-sur-Andelle (Seine–Maritime). Ba học sinh đang học trong Phòng Hội đồng Giáo viên. Mỗi tuần hai lần, các em lớp 1 này đến đây để học thêm với cô Evelyne. Cách giúp đỡ học sinh kém này sắp bị bãi bỏ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos đã quyết định rằng trong năm học tới 3.000 thầy cô giáo sẽ được phân công chuyên dạy phụ đạo học sinh yếu kém một cách chính quy tại trường. Quyết định này của ông Bộ trưởng làm dấy lên sự phản đối, là nguyên nhân của cuộc đình công ngày thứ năm, 20-11 vừa qua.
Sáng hôm đó ba em Bertrand, Luc, và Antonio chơi “cờ domino 6 quân”. Cô Evelyne nói Bertrand xòe 6 ngón tay cho cô xem. Bertrand rụt rè đưa một bàn tay lên. Sai rồi! Em nói nhà của em không có domino nên em không biết 6 quân cờ là bao nhiêu! Cứ như thế cô giáo giúp các em học đếm bằng quân cờ.
 Từ ngày khai giảng, cô giáo Natalie dạy lớp 1 đã chỉ định một số em vào “Lớp học đặc biệt giúp học sinh khó khăn trong học tập” (LGHSK), là một lớp mà cô Evelyne có tham gia dạy. Lớp này nhằm giúp các em học kém của khu phố. Cô Natalie nhớ lại: Hồi đầu, lớp loại này có vẻ kỳ lạ, “không giống ai”, vì học sinh quá kém so với các bạn cùng lứa. Ngay cái tên chúng cũng không viết nổi. Nhưng sau một thời gian học với cô Evelyne, các em Luc và Antonia tiến bộ trông thấy. Riêng em Bertrand thì vẫn còn đuối lắm, chắc phải đi khám bác sĩ xem sao.
Cô Evelyne lại lên xe ô tô, tiếp tục đi đến lớp khác. Cô nói: “Tôi là dân du mục mà! Bàn làm việc của tôi đây”. Cô chỉ cái ngăn chứa đầy tài liệu, sách vở, dụng cụ dạy học lỉnh kỉnh do cô tự làm. Cô than phiền: “Sang năm, nếu tôi trở lại dạy lớp thường ở trường, thì ai sẽ chăm các em ở đây, các em sẽ bỡ ngỡ…”.
Giáo viên dạy lớp đặc biệt phải hiểu rõ hoàn cảnh của từng em. Bao nhiêu là bi kịch gia đình! Em thì có cha đang ngồi trong tù, em thì có mẹ không thừa nhận, em thì cha bị tâm thần. Hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em. Cô giáo vừa dạy học, vừa phối hợp với nhà tâm lý giúp các em “có vấn đề về tâm lý” và nếu cần, phải liên hệ với bác sĩ về tâm thần, bác sĩ “chuyên về phát âm”, về liệu pháp tâm lý. 11.300 thầy cô giáo được phân công chuyên dạy các LGHSK như vậy. Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos không đánh giá cao các LGHSK. Nhắc đến sự đánh giá của quốc tế, ông nói: “Những giải pháp để giải quyết tình trạng học sinh kém trong 20 năm qua không đem lại kết quả gì cả. Tình hình càng tệ hơn”. Giải pháp nào sẽ đem lại hiệu quả? Cũng chưa có ai “hiến kế” một cách thuyết phục. Trong bối cảnh đó ông Bộ trưởng đề ra giải pháp, mà theo ông là tốt nhất: Mỗi tuần có hai giờ giúp đỡ học sinh kém ngay tại trường, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bỏ hẳn các LGHSK. Ông nói rằng nhiều giáo viên hoan nghênh chủ trương này. Nhưng trên thực tế số người phản đối không ít. Ông Ben Aida, một giáo viên ở Carcassonne nói: Có thể củng cố một số kiến thức nào đó trong hai giờ ở trường, nhưng không thể thay thế tổ chức LGHSK được. Rất nhiều giáo viên ủng hộ ý kiến của ông. Ngày 17-11 vừa qua, bản yêu cầu giữ lại các LGHSK đã thu thập được 140 ngàn chữ ký.
Các LGHSK thực ra cũng có mặt hạn chế vì tổ chức cồng kềnh, chậm chạp, giáo viên không phải lúc nào cũng theo sát các em. Hơn nữa các lớp đó nằm ngoài nhà trường nên phân tán, khó theo dõi, đánh giá.
Những sáng kiến cải tiến cách giúp đỡ học sinh kém không ngớt được đề nghị. Ngày 4-11 vừa qua, ông Santine Mazetier, dân biểu xã hội ở Paris, nói: Tại sao không cắt 80 triệu Euro tiền thuế dành cho giáo viên giúp học sinh kém, để rót vào quỹ dành cho các tổ chức giúp học sinh kém? Cách này công bằng hơn, đúng với yêu cầu mà lâu nay các công đoàn giáo dục vẫn đòi hỏi. Đó là có một giáo viên phụ, chuyên giúp học sinh kém ở mỗi trường. Các nước Bắc Âu đã làm như vậy. Cần nhắc lại: Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nay vẫn xem nền giáo dục của các nước Bắc Âu là mẫu mực!
Phan thanh Quang
(Theo Le Nouvel Observateur)

Bình luận (0)