Hội nhậpGiáo dục phát triển

Giáo dục là niềm tự hào của nhân dân Gò Vấp

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và lãnh đạo quận Gò Vấp cắt băng khánh thành Trường Mầm non (đạt chuẩn quốc gia) Anh Đào
Trong không khí đón chào năm mới – Tân Mão 2011, nhìn lại những thành quả mà nhân dân quận Gò Vấp đã đạt được, về kinh tế – giáo dục – văn hóa – xã hội trong năm 2010, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Non, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những mặt đạt được trong năm 2010 của Đảng bộ và nhân dân quận nhà?
Ông Trương Văn Non: Trong năm 2010 “quận Gò vấp đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa tới đời sống của nhân dân”, kết quả này mang ý nghĩa chính trị to lớn. Do năm qua có rất nhiều sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm truyền thống của các ngành, các giới và đặc biệt là năm mà toàn Đảng bộ quận tập trung “tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”. Những hoạt động đó, thu hút nhiều “tâm – lực” của lãnh đạo và nhân dân quận nhà. Chính vì vậy ngay từ đầu năm, UBND quận đã có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết “lo lễ hội, không quên phát triển”. Các kế hoạch được hoạch định một cách khoa học và phân công cụ thể, sắp xếp, bố trí các công việc theo từng thời điểm với thời lượng phù hợp; nhiều công việc được tổ chức lồng ghép khoa học, tiết kiệm, đảm bảo hài hòa giữa các hoạt động tổ chức kỷ niệm, truyền thống, của các ngành, các cấp với việc các đơn vị tổ chức đại hội Đảng của cấp mình, nhất là đối với các cơ quan quản lý hành chính. Kết quả chung của cả năm đã đưa quận Gò Vấp trở thành đơn vị quận, huyện có tổng thu năm 2010 theo phân cấp trên địa bàn đạt trên 1.000 tỉ đồng. Chỉ số này phản ảnh sinh động kết quả của hệ thống 30 chỉ tiêu mà hàng năm (trước đây là HĐND quận, từ 2009 là UBND TP và BCH Đảng bộ quận quyết định). Bởi giai đoạn 2007-2010 là thời kỳ “ổn định” của chu kỳ ngân sách theo luật. Nếu năm 2006 quận thu 363 tỉ thì tới năm 2008 quận Gò Vấp đã lọt vào “top ten” của “Câu lạc bộ quận huyện có số thu trên 500 tỉ/năm” (thành viên thứ 9) với kết quả 755 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, trong hai năm tiếp theo (2009, 2010) quận đạt kết quả tổng thu 1.026 tỉ đồng/năm (vượt chỉ tiêu pháp lệnh trên 35%).
Những điểm gì chưa làm được trong năm qua cần khắc phục để tạo động lực phát triển hơn nữa trong năm 2011, thưa ông?
Bên cạnh những mặt được, còn có những hạn chế, tồn tại. Tôi mong mỗi cán bộ, công chức và nhân dân Gò Vấp phải chung tay hành động, gương mẫu với chính mình và vận động những người xung quanh cùng thực hiện đó là: việc bàn giao mặt bằng tại một số công trình, dự án vì nhiều lý do khách quan, trong đó có một số ít những người liên quan, có những đòi hỏi thái quá, vượt ngoài thẩm quyền giải quyết của quận gây ảnh hưởng làm chậm trễ tiến độ thực hiện các dự án, sinh ra lãng phí về nhiều mặt; quy hoạch và quản lý đô thị bền vững tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu phát triển, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân và gây lúng túng trong quản lý hành chính nhà nước tại địa phương; ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị của một bộ phận nhân dân chưa cao, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán gây ùn tắc giao thông cục bộ tại một số nơi chưa được xử lý triệt để; nhiều điểm rác, bãi rác nằm len lỏi trong các khu dân cư và tại các kênh rạch gây mất vệ sinh, môi trường, một số ít cán bộ, công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.
UBND quận mong rằng “mọi người hãy dám nhìn thẳng vào mình, hãy thừa nhận bản thân, địa phương, đơn vị, từng khu phố, tổ dân phố của mình còn có những mặt tồn tại, yếu kém” để kiên quyết thay đổi thì nhất định quận Gò Vấp sẽ vươn lên tốt hơn, tiến bộ hơn theo xu hướng ngày càng bền vững hơn cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về kết quả giáo dục quận nhà trong thời gian qua và định hướng cho những năm tiếp theo?
Những năm qua chất lượng và quy mô GD của quận ngày càng phát triển. Ở bậc học mầm non, tỉ lệ trẻ em đạt yêu cầu theo mục tiêu phát triển toàn quận là 93,8%; tỉ lệ học sinh cấp tiểu học lên lớp thẳng đạt 99,33%, trong đó tỉ lệ khá – giỏi đạt 92,9% (cùng kỳ là 82,19%). Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%, trong đó tỉ lệ học sinh khá – giỏi đạt 74,63% (cùng kỳ là 72,29%). Có được những con số nói trên, phải khẳng định đó chính là sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ sư phạm, của các bậc phụ huynh và của từng em học sinh trong từng mái trường cụ thể của quận.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ quận Gò Vấp lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) đã quyết nghị xem đầu tư cho giáo dục là “đầu tư phát triển bền vững”; về phía kế hoạch của Nhà nước, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng 15 điểm vị trí trường cụ thể theo quy hoạch được duyệt, trong đó có 10 trường do ngân sách nhà nước đầu tư, 5 vị trí trường kêu gọi các nhà đầu tư khu vực dân doanh và họ đang xúc tiến công việc chuẩn bị.
Ngay trong năm 2010 quận đã khởi công xây dựng mới Trường Mẫu giáo Quỳnh Hương, THCS phường 12, phường 13, mở rộng Trường THCS Phan Tây Hồ… Chắc chắn, năm học tới 4 cơ sở này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngay sau nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão, ngày làm việc đầu tiên của năm mới, quận sẽ làm lễ khởi công xây dựng Trường THCS Tân Sơn; giữa năm 2011 khởi công Trường THCS An Nhơn; thẩm định và quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán các công trình: Mầm non 11, 12; THCS phường 9; Tiểu học phường 12; chuẩn bị đầu tư các dự án trường học khác: Trường Tiểu học phường 9, Trường Tiểu học phường 15, Trường THCS phường 1, Trường Tiểu học phường 14, Trường THCS phường 14, Trường THPT phường 14.
Việc chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo để phát triển công tác giáo dục của quận nhà trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Có nhiều cách chăm lo. Những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Gò Vấp nếu thiếu quan tâm, chăm lo đội ngũ thầy cô giáo, các nhà quản lý, cả các em học sinh thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục của quận đã không được như ngày nay. Nâng cao nghiệp vụ thuộc trách nhiệm các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên do ngành giáo dục “độc quyền rồi”; còn thu nhập là chính sách chung của Nhà nước. Nếu ngành GD còn chịu sự quản lý hành chính của cấp quận thì căn cứ vào cơ chế chính sách hiện tại, chúng tôi “siết” sao cho sử dụng đồng tiền ngân sách đạt hiệu quả cao nhất, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí để từ đó có thêm thu nhập cho mọi người theo khả năng cống hiến từ tiết kiệm. Đó là thu nhập tăng thêm chính đáng, chân chính, người nhận tự hào, chứ không phải là xé rào, làm trái.
Nhân dịp đầu năm mới, ông có nhắn nhủ gì với đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh?
Có thể nói, Quận ủy, UBND quận Gò Vấp hay nói cách khác Đảng bộ và nhân dân Gò Vấp rất tự hào về sự nghiệp GD Gò Vấp. Mong muốn sự nghiệp GD của quận nhà ngày một phát triển bền vững, phong trào học tập sôi nổi, người người học, nhà nhà học, cả xã hội quan tâm chăm lo cho sự nghiệp GD. Nhân dịp năm mới, năm có sự kiện chính trị trọng đại của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Thay mặt Quận ủy, UBND quận, tôi xin kính chúc các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý GD, các đồng chí CNV ngành GD Gò Vấp, các bậc cha mẹ học sinh và toàn thể các em học sinh một năm mới sức khỏe – hạnh phúc và thắng lợi. Chúc ngành GD Gò Vấp không ngừng phát triển, đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2010-2011.
Trân trọng cám ơn ông và chúc ngành GD Gò Vấp luôn là niềm tự hào của nhân dân trong quận.
Quang huy

Bình luận (0)