Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiếng kêu cứu của ngôi cổ tự xứ Nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Diệc Cổ Tùng Lâm, ngôi cổ tự mà người dân xứ Vinh quen gọi là chùa Diệc đã từng một thời là niềm tự hào của người dân nơi đây. Một ngôi cổ tự giữa lòng thành phố Vinh, mang trên mình nhiều dấu tích tàn phá của chiến tranh, và giờ đây phải ngày đêm chống chọi sự tàn phá của nắng mưa và con người, mà chưa hề có biện pháp nào để bảo tồn…

Chùa Diệc đang bị tàn phá vì thời gian.

Chùa Diệc nằm trên đường Quang Trung, phường Quang Trung, thuộc trung tâm thành phố Vinh. Ngôi chùa được khởi dựng từ cuối thời Trần, sau nhiều lần được trùng tu, kể từ cuối thế kỷ XIX, chùa Diệc đã trở thành trung tâm văn hóa – tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ.
Người dân ở đây kể lại rằng, ngày xưa nơi đây chỉ là một khu đất trống toàn ao chuôm. Có một năm trời làm hạn hán kéo dài, ao chuôm khô sạch, dân không có nước tưới. Một hôm người ta thấy đàn chim diệc từ đâu bay về đây và nằm chết la liệt, mọi người kéo ra xem thì trời bắt đầu đổ mưa to. Họ bảo nhau rằng những con diệc này do trời phái xuống để giúp dân làm mưa, bèn nhặt xác diệc lại và đắp thành một gò nhỏ. Ban đêm người ta lại thấy hàng trăm con diệc bay lên trời… Từ đó người dân dựng lên nơi đây một ngôi chùa bằng tranh và đặt tên là chùa Diệc.
Người dân ở đây cho biết, chùa Diệc ngày trước rất rộng lớn, có thể nói là nhất nhì ở xứ Nghệ An này. Chùa hiện chỉ còn khu tam quan cao khoảng 10 m, gồm 3 tầng, được xây bằng gạch và xi măng có khảm sành, xung quanh tam quan có nhiều các bức hoành, câu đối.
Tuy nhiên, bản thân khu tam quan cũng đã không còn nguyên dáng vẻ, và lộ rõ vẻ tiêu điều, xơ xác, chữ in trên bức hoành đều đã bị mưa gió làm mờ cả không đọc được. Bên ngoài, cây cối mọc phủ gần kín cả tầng trên, nhiều mảng vôi vữa nứt nẻ. Bên trong nơi thờ tự, nhiều pho tượng Phật đã không còn nguyên vẹn.

Có tượng Phật bị vỡ phần hông và tượng hai vị thần bị gãy tay, thủng mắt, người dân đã khắc phục bằng cách lấy dây buộc các pho tượng vào cùng với phần đế để giữ nguyên dáng tượng, tránh cho mưa gió làm đổ.
Ngoài khu tam quan, chùa cũng còn giữ được 2 tấm bia bằng đá và 1 gian trước kia là tòa thiêu hương nay được tận dụng làm nơi thờ Phật. 2 tấm bia đá cao chừng 2 m, rộng 1 m có hoa văn rất đẹp nhưng đã bị vùi lấp một phần, có mặt thì đọc được chữ, có mặt thì không đọc được hết chữ.
Tuy nhiên, 2 tấm bia này với nội dung được chép lại trên đó đã là cơ sở để khẳng định quy mô của ngôi chùa trước kia và có thể là định hướng để bảo tồn. Trên văn bia có nội dung miêu tả quy mô chùa trước kia rất to đẹp, nhất là sau lần trùng tu năm 1930: Chùa có điện Phật, lầu chuông, gác khánh, có pháp tượng, đồ thờ, nhà tổ 7 gian, có gác tam quan, trước hồ sau giếng, tường thành bao quanh, cỏ cây tươi tốt, tạo thành một cảnh quan lớn của đất nước. Trên tấm bia “Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký” ghi chép lại việc chùa đã 2 lần trùng tu là một lần vào năm Canh Ngọ (1930) và trước đó và năm 1914.
Nhìn ngôi chùa bị tàn phá nghiêm trọng, ít ai biết rằng ngôi chùa từng là một công trình kiến trúc đồ sộ với diện tích hơn 1 mẫu 7 sào, và từng là trụ sở hành chính của Hội Phật giáo Liên hiệp Liên khu IV những năm 1950.
Không chỉ nổi tiếng về kiến trúc, chùa Diệc còn có công lao to lớn trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ phong trào Cần Vương đến Xô Viết – Nghệ Tĩnh, nơi đây là một địa điểm liên lạc bí mật của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… là nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng, là căn cứ để họp bàn chiến sự, góp một phần lớn lao vào chiến thắng của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Hai cuộc chiến tranh ác liệt đã tàn phá ngôi chùa rất thảm khốc. Tuy nhiên, kể từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay, ngôi cổ tự một thời từng là niềm tự hào của người dân thành Vinh này, đã chưa được đánh giá và bảo quản đúng theo giá trị của nó. Trong khu vực của chùa, người dân đã “mượn đất” xây dựng nào là nhà hàng, khách sạn, quán bia, quán ăn… phá tan hết cảnh quan của ngôi cổ tự này khiến cho nhiều du khách tới đây không khỏi tiếc nuối và bức xúc. Nhiều người dân sống gần đây thấy tiếc nuối một công trình tâm linh đã tự dựng bạt căng lên để che chắn những hiện vật còn sót lại để tránh mưa tránh nắng.
Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Đoàn Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ và trình UBND tỉnh để đề nghị xét xếp hạng di tích cho chùa Diệc nhưng vẫn đang trong thời gian chờ duyệt. Từ sau chiến tranh đến nay, chùa chưa được trùng tu lần nào, nhân dân cũng kiến nghị để xin khôi phục lại nhưng chúng tôi chưa thực hiện được vì chưa được duyệt hồ sơ. Hơn nữa, với một công trình chỉ còn lại chút ít dấu tích như chùa Diệc thì cần phải có thời gian để xem xét vì việc trùng tu, tôn tạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tranh cãi để có thể khôi phục được đúng như nguyên bản gốc”.
Rõ ràng, sự quản lý chưa chặt chẽ đã khiến một công trình tâm linh như chùa Diệc không còn giữ nguyên giá trị của nó. Một công trình được treo biển xếp hạng di tích lịch sử nhưng lại chưa thực sự được quan tâm, bảo tồn cho xứng tầm.

Tạ Nguyên

Theo Báo TIn Tức

Bình luận (0)