Học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu (Nhà Bè) hân hoan đón chào năm học mới với ngôi trường mới |
Trước những khó khăn về tình hình kinh tế chung của cả nước, TP.HCM vẫn dành trên 15 ngàn tỷ đồng trong năm 2012 cho những công trình cấp bách phục vụ cho năm học mới.
Xóa sổ “trường làng”
Vài năm trước, khi chúng tôi đến Trường THCS Bình Lợi Trung (BLT – P.13, Q.Bình Thạnh) vào mùa mưa thì phải băng qua một con đường ngoằn ngoèo đất đỏ, vào tận sân mà nước vẫn ngập đầu gối. Đến Phòng ban giám hiệu là một khu nhà cấp 4 xập xệ, không ghế nệm mà chỉ có độc mỗi bộ salon nhỏ đã bạc hết màu và chiếc quạt máy chạy ro ro. Phòng học của học sinh (HS) cũng tương tự, bàn ghế đã cũ kỹ, xuống cấp, phòng chức năng không hề có. Phải nói rằng, đây chính là “trường làng” nằm ngay giữa lòng TP. Ấy vậy mà chỉ sau một năm, Trường BLT đã lột xác hoàn toàn.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trường được xây lại ở một vị trí mới cũng tại P.13 (đường trục – khu dân cư Bình Hòa). Đứng ở ngoài nhìn vào, ngôi trường chẳng khác gì một trường ĐH rộng lớn với các phòng ốc được thiết kế hiện đại. Trường được khởi công xây dựng trên diện tích đất 12.000m2, trong đó phần đất sử dụng hơn 8.700m2. Ông Nguyễn Thâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày 4-9, Trường BLT đã khánh thành với 40 phòng học, 13 phòng chức năng, 12 phòng bán trú và khoảng 10 phòng dành cho Ban giám hiệu, giáo viên, công nhân viên. Đặc biệt trường có nhà thể dục thể thao đa năng, sân thể dục ngoài trời và có khu đất riêng để tiếp tục xây hồ bơi cho HS”. Có thể nói, Trường BLT đã hoàn toàn lột xác, từ một “trường làng” chuyển qua thành một ngôi trường hiện đại, sánh vai với các trường có CSVC tiên tiến khác trên địa bàn TP cũng như trong khu vực các nước ASEAN.
Cũng trên địa bàn P.13, Q.Bình Thạnh, Trường THPT Trần Văn Giàu đã được xây mới và đưa vào hoạt động năm học 2012-2013. Đến với trường trong những ngày đầu năm học mới, ông Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng phấn khởi cho biết: Trường được xây dựng trên diện tích đất: 14.875m2, trong đó: Diện tích sân bãi 3.250m2, diện tích cây xanh 3.935m2, diện tích giao thông 3.254m2, diện tích xây dựng 4.418m2… Với quy mô xây dựng 1 trệt + 2 lầu, gồm 45 phòng học, 3 phòng thí nghiệm, 10 phòng học bộ môn, 5 phòng dạy nghề, 2 phòng máy vi tính, 2 phòng lab và các phòng ban phụ trợ, nhà thể dục thể thao đa năng, sân bóng đá ngoài trời. Với tổng mức đầu tư dự án khoảng 75 tỷ đồng, trong đó có trên 5,7 tỷ đồng dành cho trang thiết bị, CSVC. Trong năm học 2012-2013 trường tuyển sinh 683 HS với 15 lớp 10; số giáo viên – nhân viên đã được Sở GD-ĐT tuyển dụng và phân bổ đủ cho nhà trường.
Hàng loạt trường mới chào năm học mới
Với phương châm: “Tập trung toàn lực, kêu gọi xã hội hóa giáo dục” nên trong thời gian qua Q.3 đã khởi công được nhiều công trình trường học, qua đó đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Ông Phạm Thế Huy, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng Q.3 cho biết: “Trong ghi vốn đợt 2/2012, nếu Q.3 được TP ghi vốn giai đoạn 2 cho một số trường trên địa bàn quận đã có dự án xây dựng, sửa chữa như Trường Mầm non (MN) P.9, THPT Nguyễn Thị Minh Khai… chúng tôi tin rằng chỗ học cho con em Q.3 sẽ đáp ứng đủ”.
Hóc Môn là huyện ngoại thành, thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng trường lớp, tuy nhiên trong năm học này, theo ông Trần Minh Triết, Trưởng phòng GD-ĐT huyện thì: “Sau bao nỗ lực vận động và sự hưởng ứng đầy trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn huyện về việc giải phóng mặt bằng, tự nguyện di dời… năm học này huyện đã đưa vào sử dụng nhiều công trình trường, lớp mới đạt chuẩn quốc gia như: MN Xuân Thới Đông, TH Dương Công Khi, TH Tây Bắc Lân, TH Xuân Thới Thượng, TH Tam Đông II, THCS Tô Ký…”. Cùng niềm vui có nhiều trường mới được đưa vào phục vụ cho năm học mới, ông Trần Văn Toản, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết: “Năm học này huyện sẽ đưa vào sử dụng nhiều trường học mới, trong đó đang xây dựng các trường TH Trung Lập Thượng, TH Phước Thạnh, TH An Nhơn Đông… Đồng thời chuẩn bị khởi công các trường MN Hòa Phú, TH Phạm Văn Cội, THCS Nhuận Đức, THCS Tân Thông Hội”.
Tại Q.6, “Năm nay Q.6 đưa vào sử dụng các trường MN Quận (cơ sở 2), MN 3, 4, 8 và TH Mai Xuân Thưởng, chúng tôi rất mừng bởi việc đưa thêm 4 trường MN vào sử dụng, Q.6 sẽ đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ MN 5 tuổi và các nhóm tuổi khác”, thầy Lại Hồng Uyên, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.6 nói.
Tại huyện Bình Chánh, về CSVC trường, lớp dù được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo những việc đầu tư, xây mới trường lớp vẫn gặp nhiều khó khăn. “Nhưng với việc TP ghi vốn cho các dự án xây mới trường, lớp chúng tôi như trút được “gánh nặng”. Vì vậy, trong thời gian tới huyện sẽ đồng loạt khởi công 3 dự án trường THCS và 1 trường THPT với tổng số tiền đầu tư cho các công trình này trên 230 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng 144 phòng học và các phòng chức năng”, ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT Bình Chánh phấn khởi cho biết.
Tại Q.8, nhìn chung tiến độ xây dựng trường, lớp ở đây cũng không thua kém gì các quận, huyện khác nhưng do đặc điểm của Q.8 là dân cư đông, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Trước thực tế này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP đề nghị: “Bậc tiểu học, vào mùa mưa, một số trường bị ngập nặng, CSVC còn nhiều khó khăn để tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS. Do đó, trong khi chờ xây mới thì lãnh đạo quận cần quan tâm nhiều hơn nữa tới những trường xuống cấp, phải sửa chữa, đầu tư trang thiết bị để phụ huynh HS yên tâm cho con theo học”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)