Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Tỷ suất lợi nhuận cao, vẫn lao đao phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Chi cục Tài chính doanh nghiệp – Sở Tài chính TPHCM, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp (DN) nhà nước cao, đến 17%, thế nhưng, vấn đề lãnh đạo TP đặt ra là tại sao hiệu quả kinh doanh và thu nộp ngân sách vẫn thấp? Trong khi, muốn đánh giá năng lực thực sự của DN phải xem xét trên lợi nhuận và số thuế nộp ngân sách. Theo báo cáo của Cục Thuế, trong lúc hiệu quả kinh doanh của DN FDI năm qua tăng 18%, DN nhà nước trung ương tăng 12%, thì các DN nhà nước của TP lại giảm so với trước, chỉ đạt chưa đến 3,5% – thậm chí không bằng lãi suất ngân hàng…
DN nhà nước: Hiệu quả kém
Báo cáo tại cuộc họp về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhà nước và tình hình cổ phần hóa DN nhà nước trên địa bàn TP ngày 5-3 vừa qua, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính TPHCM) cho biết, doanh thu của các DN nhà nước TP trong năm 2014 đạt trên 73.000 tỷ đồng, tuy có giảm 15% so với năm trước, nhưng lợi nhuận lại tăng gần 3,5% (ước đạt hơn 8.300 tỷ đồng); tỷ suất lợi nhuận trên vốn của DN đạt đến 17%.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đặt câu hỏi: “Tỷ suất lợi nhuận như thế là quá cao, quá tuyệt vời nhưng quan trọng phải làm rõ có tính đủ đồng vốn nhà nước hay chưa, xác định đúng giá trị tài sản nhà nước chưa?”. Bởi lẽ, hiện nay, nhiều DN sử dụng các khu đất “vàng” của nhà nước nhưng chỉ thuê chứ chưa xác lập quyền sở hữu nên chưa đưa vào xác định giá trị tài sản DN.
Còn Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ ra, quan trọng vẫn là hiệu quả, con số đóng góp cho ngân sách chứ không phải doanh thu. Phó Cục Thuế TP Lê Xuân Dương trả lời về hiệu quả kinh doanh của DN được chứng minh qua số thuế thu nhập DN mà DN nộp cho ngân sách. Cụ thể, thuế thu nhập DN của khối các DN FDI tăng 18%, khối DN nhà nước trung ương trên địa bàn TP tăng 12% nhưng khối DN nhà nước của TP lại giảm so với trước, chỉ tăng chưa đầy 3,5%.

Việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Sản xuất tại Công ty Dược Sài Gòn). Ảnh: CAO THĂNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nói, sở dĩ DN nhà nước đạt hiệu quả kinh doanh thấp là vì các DN quá thận trọng, không dám vay ngân hàng, không dám đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Do vậy, các DN nhà nước không có sản phẩm mới thì làm sao nâng được hiệu quả hoạt động. “DN nhà nước đã chọn giải pháp an toàn nhưng không phát triển” – bà Hồng nhận định.

Ngoài ra, các DN nhà nước (tổng công ty, công ty mẹ) của TP còn góp vốn vào 305 DN và hiện nay đang tiến hành thoái vốn. Tuy nhiên, đến nay việc thoái vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện Công ty Dược Sài Gòn dẫn chứng, công ty này chỉ đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào Công ty Dược Cần Giờ nhưng DN này hiện đang lỗ âm vốn, tài sản bị thế chấp ngân hàng nên không thể xác định giá trị cổ phần để bán nhằm thực hiện thoái vốn. Còn đại diện Công ty Địa ốc Sài Gòn cho biết, đã hoàn thành việc định giá cổ phiếu để bán (thoái vốn), nhưng đang vướng vì Sở Giao dịch chứng khoán đang bị… quá tải!
Muốn cổ phần hóa, phải minh bạch
Công tác hoàn thành cổ phần hóa DN nhà nước là vấn đề lãnh đạo TP quan tâm lo lắng nhất. Toàn TP có 31 DN nhà nước phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015. Trong đó, chỉ tiêu của năm 2014 là phải cổ phần hóa 15 DN, nhưng đến nay chỉ mới cổ phần hóa được 11 DN. Có 4 DN còn lại bị chậm tiến độ vì vướng trong hoạt động định giá đất, xác định giá trị thương hiệu…
Đại diện Công ty Địa ốc Sài Gòn cho biết, khó khăn nhất vẫn là xác định giá trị đất để đưa vào giá trị DN cổ phần hóa. Cụ thể là một số dự án trước đây xây dựng trên đất công và phải giao cho Sở Xây dựng một số căn hộ để giải quyết nhà ở xã hội, nay không xác định được cơ chế thanh toán thế nào; một số dự án giải tỏa dang dở, những phần đã đền bù giải tỏa xong phải định giá lại để xác định giá trị, nhưng dự án đang ở tình trạng giải tỏa “da beo” nên khó trong việc xác định giá trị tài sản…

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ ra hướng tháo gỡ vướng mắc cho các DN bất động sản là Ban Chỉ đạo đổi mới DN tập trung các DN bất động sản lại, xây dựng thành tổ chỉ đạo để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, báo cáo lãnh đạo TP tháo gỡ kịp thời. Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa tất cả 20 DN còn lại. Số lượng DN phải cổ phần hóa trong năm nay gần gấp đôi so với năm trước, do vậy, các DN phải chủ động, quyết liệt triển khai, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể. Nếu vướng thì báo cáo ngay để lãnh đạo xem xét tháo gỡ. DN nào chậm trễ, thiếu quyết tâm thì lãnh đạo Thành ủy sẽ xem xét bố trí lại cán bộ.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng chỉ ra, muốn cổ phần hóa thành công, các DN phải nâng cao sản xuất kinh doanh, chú trọng đến tái cơ cấu, quản trị DN. Trước hết, để cổ phần hóa mang lại hiệu quả cao, DN phải thực hiện minh bạch trong hoạt động, minh bạch về tài chính.

HÀN NI

(SGGP)

Bình luận (0)