Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xử lý chưa nghiêm việc lạm thu

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Bộ GD-ĐT có ban hành thông tư quy định về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục (CSGD) thuộc hệ thống GD quốc dân. Liệu thông tư này ra đời có làm giảm sức nóng của vấn đề “lạm thu” trong các trường học hiện nay? Giáo Dục TP.HCM đã trao đổi với ông Bùi Hồng Quang (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
 PV: Đến hẹn lại lên, đầu năm học mới các vấn đề liên quan tới lạm thu lại “nóng”. Theo ông, thông tư quy định về tài trợ cho các CSGD thuộc hệ thống GD quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT ban hành (gọi tắt là thông tư 29), liệu có phải là động thái để các trường hợp lý hóa nguồn thu tự nguyện?
Nếu đặt vấn đề thông tư ra đời để hợp thức hóa thì tôi cho là không nên. Trách nhiệm của cơ quan quản lý (QL) Nhà nước là phải ban hành các văn bản quy phạm pháp lý để điều chỉnh tất cả các hoạt động thuộc lĩnh vực mình QL. Đây là chức năng của tất cả các bộ, ngành Nhà nước. Nội dung quan trọng nữa là chỉ đạo kiểm tra giám sát. Chúng tôi thấy rằng những bức xúc nổi cộm của xã hội cần được giải quyết. Nguyên tắc xuyên suốt của tất cả các văn bản từ xưa tới nay là các khoản thu phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Nhưng tự nguyện như thế nào là vấn đề các CSGD và các cơ quan QLGD phải chỉ đạo, giám sát. Tự nguyện theo cái kiểu như tôi được biết là ban đại diện ghi danh sách các cháu, còn phụ huynh ký thì chưa phải là hình thức tự nguyện. Cách thức làm như thế không hợp lý.
Tôi là người trực tiếp làm công tác QL tài chính, hết sức trăn trở về các vấn đề như học phí để chấn chỉnh lạm thu. Chúng tôi làm mấy năm nay và hết sức bức xúc. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự tư vấn, tham mưu thêm của nhiều CSGD, những người QLGD…
Vậy qua thông tư này, liệu giải pháp mình đưa ra có giải quyết được tận gốc vấn đề?
– Ngay từ đầu tôi đã đặt vấn đề việc QL, sử dụng cũng như quy định về tài trợ thành một văn bản, một thông tư thì tính pháp lý cao hơn. Tôi cho rằng, sau cái này, có giải quyết được triệt để vấn đề lạm thu hay không thì phải có rất nhiều biện pháp tiếp theo. Đầu tiên là phải tuyên truyền phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của thông tư. Tôi thấy thậm chí thông tư 55 điều lệ BĐDCMHS nhiều nơi PH, HS không biết. Trong khi đó thông tư quy định rất rõ nhiệm vụ cũng như vai trò của BĐDCMHS. Một điều quan trọng nữa là các cơ quan QLGD phải chịu trách nhiệm tham mưu các cấp, phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra giám sát tất cả các CSGD trên địa bàn. Phòng GD, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm, phối hợp với các cấp có thẩm quyền đi kiểm tra. Sau nữa là phải có chế tài thật mạnh, quy định xử lý, kỷ luật.
Ngoài ra các cấp chính quyền địa phương phải quan tâm nhiều hơn nữa tới các CSGD, chăm lo ít nhất phải đảm bảo như theo quyết định 39 của Chính phủ. Chi cho lương phải tối đa 80% kinh phí chi thường xuyên, còn tối thiểu 20% là dành cho các hoạt động GD, phục vụ công tác giảng dạy. Nhưng trong thực tế, kinh phí còn eo hẹp. Hầu như phần chi lương và phụ cấp lương đã hết 85-90% kinh phí chi thường xuyên. Thậm chí có nơi còn trên 90%, không đảm bảo được tỷ lệ chi con người, chi cho công việc. Cơ sở vật chất thiếu thốn.
Trách nhiệm của chúng tôi thời gian tới là kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm. Quy định tôi cho là tương đối đầy đủ, vấn đề còn lại chỉ là xử lý như thế nào.
Thông tư này có điểm mới là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các CSGD. Điều này có nghĩa là nếu xảy ra lạm thu, chúng ta sẽ “gọi tên” được người có trách nhiệm?
– Đúng là như vậy. Trong thông tư 55 cũng đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Đầu năm học, hiệu trưởng phải họp với trưởng ban, phó trưởng ban đại diện. Còn nếu họ giao hết cho ban đại diện thì chứng tỏ họ không đọc thông tư hướng dẫn của bộ.
Nhưng sao lạm thu vẫn diễn ra?
– Tôi cho rằng phổ biến, chỉ đạo kiểm tra giám sát chưa đến nơi, chế tài xử phạt chưa nghiêm minh. Quan điểm của tôi là như thế. Chúng tôi hy vọng với thông tư này cùng một loạt các giải pháp thì sẽ chấn chỉnh được.
Có một ví dụ cụ thể, tại một trường THCS trên địa bàn Hà Nội. Nhà trường có nói là sau mỗi khóa có một công trình gì đó để làm kỷ niệm với trường. Trường thu mỗi em 200.000 đồng để làm khu vườn sinh địa. Nhưng hết năm học trường vẫn chưa làm. Trong ví dụ này, nếu hiệu trưởng bị quy trách nhiệm thì sẽ xử phạt theo thông tư 55 hay thông tư 29/2012?
– Tôi khẳng định việc làm đó là sai. Vận động sao lại bình quân hóa. Vận động tức là tự nguyện, tức là không có bình quân hóa đóng góp, mỗi học sinh 200.000 đồng. Làm như vậy không phải là tự nguyện. Vận động xong nhưng không làm việc này, quan điểm của tôi là phải trả lại tiền cho học sinh. Trong trường hợp này sẽ xử lý ông hiệu trưởng theo thông tư 55.
Ông bình luận gì khi năm nay có hiện tượng PH phản đối trường lạm thu bằng cách cho con nghỉ học?
– Tôi nghĩ nhận thức của PHHS ngày càng có nhiều tiến bộ. Nhưng vấn đề GD không thể giải quyết ngày một ngày hai. Sắp tới, chúng tôi sẽ ưu tiên kiểm tra các thành phố lớn, đặc biệt là các địa chỉ mà báo chí đã phản ánh. Tôi cho rằng đấy là những địa chỉ lần đầu tiên chúng tôi đi kiểm tra. Chắc chắn hình thức, cách thức kiểm tra sẽ cụ thể và kỹ, không phải chỉ nghe báo cáo, gặp gỡ PH, HS xem quy định nào, tự nguyện đến đâu, hình thức tự nguyện đóng góp kiểu gì. Cách thức và việc đi kiểm tra sẽ phải làm kỹ hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê  (thực hiện)
“Vấn đề lạm thu, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Không có chuyện lớp của mình, trường của mình mà hiệu trưởng lại không biết. Điều này không thể chấp nhận được. Hiệu trưởng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi quy định rất rõ, làm bất cứ chuyện gì phải có sự bàn bạc, thống nhất với các PH”, ông Quang nói.
 

Bình luận (0)