BS đang vệ sinh tai cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM. Ảnh: T.H
|
BS.CK2 Nguyễn Thành Lợi (Trưởng khoa Tai đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) cho biết: “Quan niệm lấy ráy tai cho sạch đã trở thành một thói quen không tốt của nhiều người. Bởi việc lấy ráy tai sẽ gây tổn thương cho tai và kéo theo nhiều bệnh tật”.
Gây bệnh nguy hiểm
Lấy ráy tai đã trở thành một cái tật khó bỏ của nhiều người vì ai cũng cho rằng ngoáy tai thường xuyên tức là đang làm vệ sinh tai giúp tai sạch hơn. Hiện nay, trên thị trường cũng bày bán rất nhiều các dụng cụ lấy ráy tai như bông tăm tiệt trùng, cây lấy ráy tai bằng kim loại… nên nhiều gia đình cũng sắm cho mình một bộ, thậm chí nó còn là “vật bất ly thân” đối với nhiều người. Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM có tiếp nhận bệnh nhi T.V.H (18 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi TP.HCM) bị uốn ván do thủng màng nhĩ. Được biết khi bố mẹ thấy trong tai bé có nhiều ráy nên đã dùng móc kim loại lấy ráy nhưng khi đang lấy thì bé khóc ré lên và 2 ngày sau có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc. BS. Lợi cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi phải nhập viện vì lấy ráy tai gây thủng màng nhĩ. Có bé nhìn thấy bố mẹ ngoáy tai nên cũng bắt chước làm theo mà trẻ thì không ý thức được nên cứ ngoáy cho đến khi tai bị tổn thương, thậm chí thủng màng nhĩ dẫn đến bị điếc. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân bị nấm cũng đến bệnh viện để điều trị do dùng chung dụng cụ ngoáy tai với người nhiễm bệnh”. Theo BS. Lợi: “Tai là một trong những cơ quan giác quan với chức năng là nghe và thăng bằng. Ráy tai là chất được tiết ra do các tuyến dưới da phần ngoài của ống tai, mục đích giúp bảo vệ da ống tai tránh tổn thương và nhiễm trùng”.
Với tâm lí nhờ người khác lấy ráy tai sẽ có cảm giác êm ái, dễ chịu hơn nên phần lớn nhiều người ra tiệm cắt tóc để lấy. Ban đầu có thể giải quyết được cơn ngứa nhưng kéo theo đó là khả năng bị lây các bệnh về tai từ việc này. BS. Lợi nhấn mạnh: “Khi lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc thì càng lấy càng “ghiền”, nhưng nếu sử dụng bộ lấy ráy tai bằng kim loại thì dễ gây tổn thương cho tai bởi người lấy ráy tai không có chuyên môn, không biết được cấu trúc phức tạp của tai. Nếu lỡ tay nhẹ thì làm trầy ống tai gây chảy máu, nhiễm trùng dẫn đến các bệnh viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nếu lỡ nặng tay thì dẫn đến thủng màng nhĩ, gây giảm thính lực, nặng dần thành điếc. Nhiều trường hợp viêm tai giữa gây chảy mủ nhưng không được điều trị kịp thời khiến viêm tai xương chũm, lâu ngày khiến tổn thương não và sọ, có thể gây viêm màng não dẫn đến liệt não, nhiễm trùng huyết gây viêm mạch máu… BS. Lợi cũng nói thêm rằng các dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc thường không vô trùng, vì vậy chúng có thể truyền bệnh từ người này sang người khác mà phổ biến nhất là bệnh về nấm”.
Nhiều người cho rằng lấy ráy tai bằng tăm bông tiệt trùng thì sẽ an toàn, đảm bảo vệ sinh. BS. Lợi cho biết: “Trên thực tế việc tự ý ngoáy tai bằng tăm bông ít gây tổn thương, gây bệnh cho tai như bộ dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại. Tuy nhiên, lấy ráy tai bằng tăm bông sẽ làm cho tai tiết ra nhiều ráy hơn, khi cho tăm bông vào tai thì chúng ta có cảm giác tai đã sạch nhưng thực chất đã đẩy chất bẩn vào sâu bên trong gây ùn ứ, tù đọng ở màng nhĩ”.
Cần đến BS chuyên khoa
Tai có cơ chế tự làm sạch, chất ráy tai di chuyển chậm, liên tục mang theo bụi dơ và biểu bì từ trong ra ngoài, khô và rơi ra cửa tai. Chính vì vậy, chúng ta không nên tự ý ngoáy tai làm trái với quy luật tự nhiên của nó. BS. Lợi chia sẻ: “Ở mọi lứa tuổi, chúng ta không nên tự ý ngoáy tai, đặc biệt người lớn không nên để trẻ em bắt chước vì tai của trẻ mỏng manh dễ bị tổn thương. Ngoáy tai là sự lạm dụng quá đáng, là thói quen không tốt gây ứ đọng chất bẩn, tổn thương và viêm nhiễm ống tai, có thể gây thủng màng nhĩ lâu dần thành điếc… Trong khi tắm không để nước vào tai, không được nhỏ bất kì một loại thuốc nào vào tai khi không có sự thăm khám của BS chuyên khoa. Nếu nước vào tai thì có thể nghiêng đầu và lắc nhẹ cho nước trong tai chảy ra và dùng khăn mềm lau ở cửa tai, chú ý không dùng tăm bông để ngoáy tai. Nếu cảm giác tai vẫn ngứa thì dùng tay cho nhẹ vào cửa tai để giảm cơn ngứa. Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn càng ngoáy tai thì càng ngứa, mà càng ngứa thì lại ngoáy làm tai tổn thương nhiều hơn thì nên đến BS chuyên khoa để được lấy ráy tai đúng phương pháp, an toàn tránh mắc các bệnh về tai”.
Nghiêm Quế
BS. Lợi khuyến cáo: “Không nên tự ý dùng thuốc “dân gian” để nhỏ vào tai như dùng dầu, thuốc bột, thuốc nước tự pha chế sẽ gây nhiễm trùng và biến chứng nặng hơn”. |
Bình luận (0)