Học viên thực hành nghề dệt công nghiệp tại Trung tâm quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm số 1 (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội). Ảnh: Đình Trân – TTXVN
|
Ba năm qua, từ 2008 – 2010, Tổng cục dạy nghề (TCDN) đã hoàn thành kiểm định chất lượng dạy nghề của 76 cơ sở dạy nghề (46 trường CĐ nghề, 18 trường trung cấp và 12 trung tâm dạy nghề). Kết quả, có 53 cơ sở dạy nghề đạt cấp độ 3, có 15 cơ sở đạt cấp độ 2 và 8 cơ sở đạt cấp độ 1. Ông Nghiêm Trọng Quý, Phó Tổng cục trưởng TCDN cho biết: Hiện nay, việc kiểm định không hướng tới khái niệm xếp hạng trường nghề, bởi mục tiêu là thông qua kiểm định để đánh giá trường nào đạt chuẩn, trường nào chưa đạt chuẩn, từ đó giúp các trường tự điều chỉnh để nâng cao chất lượng.
Theo TCDN, 10 năm qua, việc phát triển đào tạo nghề chủ yếu mới chỉ chú trọng về chiều rộng. Thời gian tới, sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu. Một trong những giải pháp quyết liệt là thực hiện kiểm định chất lượng trường nghề. Giai đoạn 2011 – 2020 được xác định là giai đoạn đột phá về chất lượng dạy nghề. Muốn vậy, phải tăng cường và chủ động thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng dạy nghề, trong đó kiểm định chất lượng dạy nghề giữ vị trí trung tâm.
Đã qua giai đoạn thí điểm, tới đây, công tác kiểm định chất lượng sẽ được triển khai đại trà. Dự kiến, đến năm 2015 có 60% trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, 30% trung tâm nghề, 50 chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng. Đến năm 2020 có 90% trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, 70% trung tâm dạy nghề, 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng.
“Mục tiêu là đến lúc nào đó, khi hệ thống quản lý đủ năng lực kiểm định thì trường nào không thực hiện kiểm định sẽ không được đào tạo”, ông Quý khẳng định.
Đạt chuẩn, chớ vội mừng
Theo đánh giá, sau mỗi năm kiểm định, số trường nghề đạt cấp độ 3 ngày càng nhiều, chứng tỏ các trường ngày càng chú trọng đầu tư về chất lượng. Tuy nhiên, các trường nghề chưa thể vội mừng với kết quả đó. Kiểm định chất lượng dạy nghề không đơn thuần là đánh giá mà còn đưa ra khuyến nghị và định hướng phát triển cho cơ sở dạy nghề, khắc phục tồn tại và phát huy điểm mạnh. Ông Nguyễn Duy Nam – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cho rằng: “Quan trọng là cơ sở được kiểm định phải sử dụng kết quả đó để cải tiến chất lượng của nhà trường một cách toàn diện”.
Nhân lực kiểm định – yêu cầu bức bách
Theo lãnh đạo TCDN, kiểm định chất lượng dạy nghề là bắt buộc nhưng hiện nay chưa làm đại trà được vì chưa đủ nhân lực. Vì vậy, để tiến tới kiểm định đại trà, việc bổ sung lực lượng kiểm định viên và bồi dưỡng chuyên sâu cho họ là một ưu tiên trong thời gian tới. Hiện nay, đã có 298 kiểm định viên được đào tạo chất lượng dạy nghề. Con số này còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Theo kế hoạch, tới năm 2020, mỗi trường cao đẳng nghề sẽ được đào tạo 5 – 7 kiểm định viên, mỗi trường trung cấp nghề có từ 3 – 5 kiểm định viên và mỗi trung tâm dạy nghề có 2 – 3 kiểm định viên, mỗi phòng quản lý dạy nghề của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có ít nhất 1 kiểm định viên.
Công tác kiểm định đòi hỏi phải được làm thường niên đối với các cơ sở dạy nghề. Chính vì thế, kiến nghị từ các trường nghề là cần xem xét đến các yếu tố quan trọng nhất của một cơ sở dạy nghề: Cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Theo ông Nam, đội ngũ giáo viên trường nghề hiện nay có kiến thức nhưng kỹ năng tay nghề đang hạn chế. Muốn học sinh sinh viên trường nghề của mình tiếp cận với trình độ đào tạo của quốc tế thì phải gửi giáo viên đi đào tạo nước ngoài. Chương trình đào tạo cũng phải thay đổi để phù hợp với phương pháp đào tạo, tiếp cận được chương trình đào tạo của các nước tiên tiến.
Bình luận (0)